Đô thị

Bất thường thành phố cao nguyên hễ mưa là ngập

07/10/2022, 08:02

Nước ngập lênh láng khắp nơi, tràn cả vào khu dân cư khiến cuộc sống người dân đảo lộn; tai nạn giao thông luôn rình rập mỗi khi có mưa lớn…

Dù TP Kon Tum ở khu vực Tây Nguyên có địa hình cao, lại gần với sông Đăk Blà, nhưng thời gian gần đây, hễ có mưa lớn là nhiều tuyến đường bị ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống người dân. Đây là điều chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua.

Hễ mưa là đường thành sông

img

Nhiều tuyến phố của TP Kon Tum hiện nay hễ cứ có mưa là ngập nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân

Chiều 2/10, một cơn mưa lớn kéo dài khoảng hơn 1 giờ đã khiến hệ thống thoát nước tại nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) gần như tê liệt, nước và rác tràn trên mặt đường.

Lượng nước đổ về gây ngập sâu khiến các phương tiện rất khó di chuyển. Theo người dân tại TP Kon Tum, tình trạng này đã xảy ra trong thời gian khá dài.

Đường Phan Đình Phùng (đường Hồ Chí Minh đi qua TP Kon Tum) là một trong những tuyến đường lớn của TP Kon Tum. Tuy nhiên, trận mưa ngày 2/10 vừa qua biến mặt đường không khác một con sông.

Nước đổ về các nút giao thông khiến người dân đi lại rất khó khăn, nhiều xe máy bị dòng nước xô ngã. Chị Trần Thị Thủy (36 tuổi, trú tại phường Trần Hưng Đạo) chở theo con gái 5 tuổi buộc phải tạt xe vào một tiệm kinh doanh sát cạnh lề đường để tạm lánh chờ nước rút.

Theo chị Thủy, chị ở TP Kon Tum đã mấy chục năm qua nhưng chưa thấy cảnh ngập ngụa như hiện nay: “Trước đây, mưa lớn lắm cũng chỉ ngập nhỏ thôi. Bây giờ đường sá làm cũng bài bản, nhưng không hiểu sao mưa lớn là ngập rất sâu. Đi đâu cũng thấy ngập, đi đâu cũng thấy người dân than”.

Anh Đặng Thế Bảo (người dân tổ 4, phường Thống Nhất) cho biết, riêng khu vực anh đang sống gần như có mưa hơi nặng hạt là bị ngập đường.

Mưa nhỏ cũng không thoát nước kịp, mà mưa to một tí thì ngập sâu. Rất nhiều người dân tại khu phố rất bức xúc về tình trạng này.

Bê tông hóa khiến nước hết chỗ thoát

img

Người dân ngăn nước vào nhà

Không chỉ riêng khu vực phường Thống Nhất, trên các tuyến đường ngay trung tâm TP Kon Tum như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… cung thường xuyên xảy ra tình trạng ngập khi có mưa lớn.

Mặc dù thời gian ngập không kéo dài nhưng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vì đây là những tuyến đường lớn, có rất nhiều hộ kinh doanh.

Nước ngập lênh láng khắp nơi, tràn cả vào khu dân cư khiến cuộc sống người dân đảo lộn; tai nạn giao thông luôn rình rập mỗi khi có mưa lớn…

Điều đáng nói là TP Kon Tum có địa hình ở trên cao, lại gần với sông Đăk Blà nhưng vẫn bị ngập lụt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP Kon Tum cho biết, nguyên nhân ngập là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh của thành phố.

“Việc bê tông hóa khiến nước không ngấm vào lòng đất mà chảy tuột ra hệ thống mương thoát nước. Trong khi đó, hệ thống mương thoát nước đã được đầu tư từ hàng chục năm trước khiến cho việc tiêu nước toàn thành phố không đáp ứng được nữa. Vậy nên, việc ngập nước cũng là một trong những bài toán lớn của thành phố”, ông Mân nói.

Theo ông Mân, UBND TP Kon Tum đã yêu cầu ngành chức năng đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ra ngập nước đối với từng địa điểm cụ thể và đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục trước mắt, lâu dài với từng vị trí.

Phòng Quản lý đô thị thành phố được yêu cầu tham mưu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo về nhu cầu tiêu thoát nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai phát triển của đô thị. Bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 các công trình, dự án thoát nước…

Cũng theo ông Mân, các phường thuộc thành phố xử lý và khắc phục toàn bộ các vị trí lưới chắn rác, hố ga thu nước đang bị người dân che, bịt làm cản trở việc tiêu thoát nước trên địa bàn. Nếu phát hiện trường hợp cố tình vi phạm, lập các thủ tục để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Những trận mưa lớn vừa qua, một số tuyến đường khu vực trung tâm thành phố bị ngập nước cục bộ, có đoạn ngập sâu, trung bình từ 0,5m - 1m.

Tìm hiểu của PV, hiện nay TP Kon Tum chưa có các hồ điều hòa, điều tiết chống ngập; hệ thống thoát nước xây dựng đã lâu năm, thiết kế chưa đủ lớn để thoát nhanh. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, điệp khúc hễ mưa là ngập sẽ còn diễn ra dài dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.