Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam |
Sáng 17/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo giới về công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021.
Cả nước đã sẵn sàng cho bầu cử
Xin ông cho biết tiến độ và khối lượng công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tính đến ngày 17/5?
Do bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND được tổ chức cùng chung một ngày nên khối lượng công việc rất lớn, tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ, cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử.
"Theo quy định của luật, sau ngày 12/5, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử đã ngưng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách chính thức những người ứng cử. Do đó, các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết thì sẽ chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp, để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”. Ông Nguyễn Thiện Nhân |
Có nhiều việc lớn chúng ta đã triển khai thực hiện, như: Hình thành Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các tiểu ban nhằm hướng dẫn, triển khai công tác bầu cử trên toàn quốc cũng như giải đáp thắc mắc của các địa phương; Đảm bảo kinh phí cho công tác bầu cử, quyết định cấp kinh phí từ T.Ư cho các địa phương và các địa phương dành phần kinh phí của mình cho công tác bầu cử; Tiến hành 3 vòng hiệp thương nhằm xác định cơ cấu, số lượng các ĐBQH cần bầu, sau đó xác định cơ cấu, số lượng, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH đáp ứng tiêu chuẩn; Tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước với tinh thần ứng cử viên phải gặp được đại diện cử tri của tất cả các phường, xã trên địa bàn ứng cử của mình.
Chúng ta cũng đã có 3 đợt giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và 3 đợt giám sát của MTTQ Việt Nam tại tất cả 63 tỉnh, thành để đánh giá tiến độ, triển khai công tác bầu cử trong các giai đoạn; Tiếp nhận những kiến nghị, khiếu nại của nhân dân hoặc tố cáo liên quan đến các ứng viên hoặc quá trình tổ chức liên quan đến các hoạt động bầu cử.
Sau 3 vòng hiệp thương bầu cử, những vấn đề nổi lên cần được Hội đồng Bầu cử Quốc gia quan tâm, xử lý là gì, thưa ông?
Vòng hiệp thương thứ 3 nhằm mục đích thống nhất danh sách ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp và công bố danh sách này. Sau khi công bố thì chuẩn bị cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri, việc này hết sức quan trọng bởi nó quyết định đến chất lượng bầu cử. Vừa qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng như MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn các cơ sở triển khai công tác này. Đến nay cơ bản việc tiếp xúc đã hoàn thành trên 63 tỉnh, thành.
Thứ hai là, kiểm tra lại việc niêm yết danh sách của các cử tri, vì các cử tri có quyền chọn nơi bầu khác nhau. Thứ ba là, do điều kiện công tác như bộ đội ngoài hải đảo hay một số cơ quan đặc biệt thì phải bầu cử sớm. Vừa qua, theo đề nghị của các địa phương, một số nơi đã được chấp thuận cho tiến hành bầu cử sớm.
Cử tri tìm hiểu về các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 3, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Ngô Vinh |
Vì tương lai của mình, cử tri hãy đi bầu cử
Thời gian qua một số nơi có thành phần kích động, xúi giục người dân không đi bầu cử trong ngày 22/5 tới. Chủ tịch có suy nghĩ gì và có nhắn gửi gì tới cử tri?
Trong cuộc sống, ai cũng quan tâm đến gia đình, quê hương, đất nước mình. Nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của dân mà không bức xúc thì không được. Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi bị khó khăn là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, bầu cử 5 năm mới diễn ra một lần, chính là thể hiện quyền công dân được bầu chọn người thay mặt mình tham gia vào cơ quan dân cử. Bởi vậy, không nên vì bức xúc về một việc trong thời điểm hiện tại mà từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình. Chúng tôi kêu gọi bà con hãy vì tương lai của chính mình, hãy đi bầu cử.
Việc giám sát bầu cử và bỏ phiếu sẽ được tiến hành như thế nào để đảm bảo khách quan? Người dân, báo chí hay cá nhân, tổ chức độc lập nào được chứng kiến việc kiểm phiếu?
Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ, cá nhân những người ứng cử, thân nhân của họ hoặc cơ quan giới thiệu người ứng cử, phóng viên báo chí có thể giám sát việc kiểm phiếu. Nhưng kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, không ai được làm ảnh hưởng lúc kiểm phiếu. Về nội dung này, MTTQ Việt Nam đã có kiến nghị với Hội đồng Bầu cử Quốc gia để có hướng dẫn chi tiết. Các phóng viên giám sát phải có giấy xác nhận để được tham gia.
Quy định chung là việc giám sát không được làm ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu, nếu vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản tại chỗ, người đó có thể có ý kiến về việc lập biên bản. Đây là nội dung mới đảm bảo tính dân chủ, khách quan…
Các ứng viên hứa gì, cử tri đều nhớ hết
Vừa qua các ứng viên đưa ra nhiều lời hứa, và một trong những việc cử tri quan tâm nhất là làm sao giám sát lời hứa của các ứng cử viên sau khi trúng cử. Vai trò của MTTQ thế nào trong việc cùng cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa của các ứng viên?
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, các ứng viên trình bày chương trình hành động của mình, có nhiều nội dung là lời hứa. Đã hứa với dân là dân nhớ. Chương trình hành động của các ứng cử viên không những được phát biểu ở từng quận, huyện, xã, phường mà còn được truyền hình, phát thanh nên tất cả các cử tri đều biết ứng cử viên đó nói như thế nào. Những lời hứa phản ánh quyết tâm cụ thể của các ứng cử viên ở thời điểm họ ra ứng cử.
Thông thường, MTTQ cũng như người dân trong quá trình tổ chức việc tiếp xúc đều ghi nhận các lời hứa đó, quan trọng hơn là sau khi được bầu, mỗi lần tiếp xúc sau đó, các ĐB phải có liên hệ lại, báo cáo người dân xem họ đã làm thế nào, đặc biệt, với điều kiện mới phát sinh thì phải nhận nhiệm vụ mới chứ không phải chỉ làm theo lời hứa lúc đó.
Lần này, MTTQ và Thường vụ Quốc hội cũng xác định yêu cầu trong thời gian sau bầu cử phải giám sát lời hứa tốt hơn thời gian qua.
Theo quy định, với những người được bầu nếu sau này không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Tuy nhiên, đến nay pháp luật chưa quy định việc này, nhiệm kỳ tới MTTQ có kiến nghị Thường vụ Quốc hội quy định rõ để dân có thể thực hiện quyền này không?
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã bãi nhiệm một số ĐBQH không đáp ứng tiêu chuẩn sau khi được bầu. Ở quy mô toàn quốc đã có quy trình về việc này. Ở địa phương cần xem lại nhu cầu thực hiện việc này thế nào, nếu cần thì MTTQ sẽ xem xét kiến nghị có quy định hướng dẫn cụ thể. Bởi một người được nhân dân phát hiện không đủ tiêu chuẩn là ĐBQH hoặc HĐND thì phải đưa ra khỏi Quốc hội và HĐND ngay.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận