Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện quyền công dân tại Hà Nội. Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại chính những nơi ứng cử ĐBQH (Ảnh nhỏ); Những hòm phiếu được Tổ bầu cử số 10, thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) chở bằng xe đạp mang đến các xóm trọ có công nhân đang bị cách ly để thực hiện công tác bầu cử (Ảnh lớn: Văn Thương)
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, song nhờ sự chuẩn bị kỹ càng các phương án, tỷ lệ cử tri đi bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vẫn rất cao.
Tại những nơi đang bị cách ly, phong tỏa, Ủy ban bầu cử các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân thực hiện quyền bầu cử của mình. Để đảm bảo an toàn cho cử tri, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đề nghị các địa phương không chạy theo tiến độ thời gian, sẵn sàng đảm bảo tới 19h, thậm chí cho phép đến 21h cùng ngày hoàn thành việc bỏ phiếu.
Đã có 95,65% cử tri đi bỏ phiếu
Người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ y tế, người lao động đang cách ly tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã tham gia bỏ phiếu trong ngày 23/5
Ngay từ sáng sớm 23/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại điểm bầu cử số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chia sẻ với báo chí sau khi hoàn thành trách nhiệm công dân của mình, ông bày tỏ vui mừng, phấn khởi và xúc động được cùng nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước thực hiện quyền của công dân, tham gia bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp.
Khẳng định đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Tổng bí thư kêu gọi mỗi công dân hãy xác định được quyền và nghĩa vụ của mình, trực tiếp đi bầu để lựa chọn ra người xứng đáng đại diện trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Cùng thời điểm, tại huyện Củ Chi, TP HCM, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và huyện An Lão, TP Hải Phòng, lần lượt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bỏ những lá phiếu đầu tiên tại khu vực bầu cử mà mình ứng cử ĐBQH.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong cuộc bầu cử lần này là các phương án phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho các cử tri và các tổ bầu cử, lực lượng chức năng tham gia bảo vệ bầu cử.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các địa phương triển khai rất tích cực với mục tiêu và phương châm tổ chức thành công cuộc bầu cử nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Có những địa phương có trường hợp F1, F2 trong bộ phận làm công tác bầu cử, lập tức những người này được thay ngay để đảm bảo cho thành công của cuộc bầu cử và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, tính đến thời điểm 17h30 ngày 23/5, tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu cử là 95,65%. Trong đó, địa phương cao nhất là 99,92, còn địa phương thấp nhất là hơn 84%.
Ông Cường nhận định, kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp.
Bê hòm phiếu đến tận nhà để cử tri bỏ phiếu
Những hòm phiếu được Tổ bầu cử số 10, thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) chở bằng xe đạp mang đến các xóm trọ có công nhân đang bị cách ly để thực hiện công tác bầu cử. Ảnh: Văn Thương
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các địa điểm diễn ra bầu cử trên phạm vi cả nước, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ý thức phòng chống dịch của cử tri khi đi thực hiện trách nhiệm công dân của mình cũng rất cao.
Trong khi đó, tại những nơi bị cách ly, phong tỏa vì có bệnh nhân Covid-19 hoặc các trường hợp F1, F2, việc thực hiện các quy định phòng chống dịch được Ủy ban bầu cử và chính quyền các cấp triển khai theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tại Bắc Giang, tổ bầu cử số 10, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên được đặt tại Nhà văn hóa tổ dân phố My Điền 2. Đây là nơi đã ghi nhận 10 F0, 200 F1 và đang có 8.500 công nhân cách ly. Vì thế, tổ bầu cử lưu động đã dùng xe máy, xe đạp đem hòm phiếu đến từng nhà trọ để các công nhân đang bị cách ly hoặc ở trong nơi phong tỏa thực hiện quyền công dân.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đang cách ly y tế và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có 705 người tham gia bầu cử, trong đó có 425 nhân viên y tế và 280 bệnh nhân đủ điều kiện để bỏ phiếu.
Tại đây tổ chức 3 hòm phiếu. Hòm phiếu phụ số 1 đặt cố định tại sảnh ra vào tầng 1 bệnh viện để phục vụ bỏ phiếu của khối hành chính, Khoa Dược, Dinh dưỡng, nhà ăn, vệ sinh, bảo vệ và những người làm việc vòng ngoài khác.
Hòm phiếu phụ số 2 và số 3, di chuyển đến các đơn vị để phục vụ các cán bộ, nhân viên trực tiếp điều trị; bệnh nhân đang điều trị; các phòng đang cách ly F1. Tại các khoa, nhân viên sẽ bỏ phiếu trước, bệnh nhân bỏ sau. Đối với khoa có các bệnh nhân đã âm tính, các phòng bệnh nhân âm tính bỏ trước, phòng bệnh nhân dương tính bỏ sau. Kết thúc mỗi khoa, hòm phiếu được chuyển ra cửa, các cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện khử khuẩn và di chuyển đến khoa khác.
Trong khi đó, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, TP HCM cũng là nơi đang điều trị cho 19 ca mắc Covid-19 và 328 người thuộc diện F1 đang cách ly tập trung. Điểm bầu cử đặc biệt này cũng bố trí hòm phiếu lưu động để cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử.
Tin tưởng vào sự sáng suốt của cử tri
Chia sẻ cảm xúc với với Báo Giao thông trong ngày bầu cử, ĐBQH Phạm Văn Hòa, ứng cử viên ĐBQH khóa XV cho biết, tại Đồng Tháp, nơi ông sinh sống và ứng cử, công tác chuẩn bị bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay từ sáng sớm ở các điểm bầu cử người dân đã đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình rất đông.
Dù cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường nhưng tại các tổ bầu cử việc phòng chống dịch được đảm bảo rất tốt. Bày tỏ tin tưởng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử lần này, ông Hòa cũng chia sẻ, nếu trúng cử thì đó là niềm vui, đi đôi với trách nhiệm cao cả trước cử tri.
“Khi đó, tôi sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó. Những lời hứa trước cử tri sẽ được tôi nghiêm túc thực hiện. Còn nếu không trúng cử ĐBQH khóa tới tôi cũng vui vẻ, bởi cho dù mình ở vị trí nào thì vẫn luôn cố gắng phấn đấu tu dưỡng về đạo đức cũng như chuyên môn công tác. Tôi tin tưởng vào sự sáng suốt của cử tri!”, ông Hòa nói.
Tương tự, ứng viên ĐBQH Lý Thị An (SN 1997, trú bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Tôi cũng cảm thấy hồi hộp, không biết mình có được bà con tín nhiệm hay không. Nhưng cho dù được bầu trúng hay không thì đây cũng là một trải nghiệm lớn trong cuộc đời. Tôi sẽ vẫn cố gắng làm công dân tốt, một người nông dân gương mẫu luôn cố gắng học tập để xây dựng quê hương tôi ngày càng phát triển”.
Xác định người trúng cử thế nào?
Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, về nguyên tắc xác định người trúng cử, kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử.
Người trúng cử phải là người ứng cử có số phiếu bầu đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.
Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.
Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận