Kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức đã được công bố, trách nhiệm của cử tri đã hoàn thành. Cuộc đua còn lại, không kém phần gay cấn để chọn ra lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thuộc về lãnh đạo của các đảng phái.
Với cách biệt chỉ 1,6% tỉ lệ số phiếu, cơ hội thành lập chính phủ mới gần như chia đều cho hai đảng đang có số phiếu cao nhất. Bên nào thành lập được liên minh trước và nắm đủ số ghế Quốc hội theo quy định, sẽ giành quyền lãnh đạo nước Đức.
Ông Olaf Scholz, ứng viên Thủ tướng Đức của đảng Dân chủ xã hội (SPD) cùng các thành viên cấp cao khác trong đảng mừng chiến thắng
Tiến trình chọn Thủ tướng Đức
Theo kết quả bầu cử sơ bộ, đảng Dân chủ xã hội (SPD) đạt số phiếu cao nhất với 25,7% phiếu bầu, sẽ có khoảng 206 ghế tại Quốc hội liên bang Đức (Bundestag).
Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) xếp thứ hai với 24,1%, sẽ giành được 196 ghế.
Để có thể thành lập chính phủ, hai đảng trên cần huy động ít nhất 368 ghế trong tổng số 735 ghế Quốc hội.
Theo hãng tin AP, quá trình thành lập chính phủ mới sẽ mất khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Thông thường, đảng có số phiếu cao nhất sẽ nắm quyền lãnh đạo nhưng thực tế vẫn có trường hợp đặc biệt.
Chẳng hạn như cuộc bầu cử nhiệm kỳ 1976 - 1980, đảng của ông Helmut Schmidt đã về thứ hai nhưng lại “lội ngược dòng” để lên nắm quyền.
Các bên phải tổ chức đối thoại, quyết định đảng nào có cùng điểm chung để kết hợp với nhau. Sau đó, họ sẽ tiến tới đàm phán liên minh chính thức, vạch ra thỏa thuận chi tiết, lên kế hoạch cho chính phủ mới.
Sau khi liên minh hình thành, Tổng thống Đức sẽ đề xuất ứng viên Thủ tướng lên Quốc hội. Nếu nhận được tỉ lệ ủng hộ quá bán tại Quốc hội, ứng viên đó sẽ đắc cử Thủ tướng, kế nhiệm bà Angela Merkel.
Trong trường hợp không thể chọn được Thủ tướng sau 2 lần bỏ phiếu như vậy, theo Hiến pháp Đức, Tổng thống có quyền chỉ định ứng viên - người giành số phiếu cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ 3 - làm Thủ tướng hoặc tuyên bố giải tán Quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử mới.
Bà Merkel và chính phủ đương nhiệm sẽ nắm quyền điều hành cho đến khi Bundestag chọn ra Thủ tướng kế tiếp.
Kỷ nguyên mới với nước Đức
Theo AP, trong cuộc bầu cử năm nay, khả năng cao đảng Xanh sẽ liên minh với đảng Dân chủ xã hội (SPD) còn Đảng Dân chủ tự do sẽ kết hợp với liên minh đảng CDU/CSU.
Trong khi đảng Xanh và đảng Dân chủ xã hội muốn tăng thuế đối với người giàu, nâng mức lương tối thiểu, đề cao vấn đề biến đổi khí hậu thì hai đảng còn lại phản đối và muốn nới lỏng quy định khắt khe trong điều chỉnh nợ công.
Về vấn đề ngoại giao, hai đảng Liên minh và Tự do Dân chủ có xu hướng siết chặt hỗ trợ tài chính cho các nước đang khó khăn.
Còn đảng Xanh và SPD muốn kết hợp, có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và Nga, phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa nhiên liệu từ Nga tới Đức.
Dù đảng nào nắm quyền, ứng viên nào làm Thủ tướng cũng đều sẽ đưa Đức bước sang một kỷ nguyên mới.
Hiện tại, với 16 năm nắm quyền, bà Angela Merkel có sức ảnh hưởng lớn từ trong nước tới chính trường quốc tế, góp phần điều hành Liên minh châu Âu qua hàng loạt cuộc khủng hoảng về chính trị và tài chính, giữ vững vị thế của Đức trên trường quốc tế.
Ông Olaf Scholz, ứng viên Thủ tướng đại diện đảng SPD bác bỏ mọi nghi ngại rằng, quá trình thành lập chính phủ mới và đa đảng đồng nghĩa ban lãnh đạo kế nhiệm sẽ không ổn định.
“Chúng tôi sẽ cố gắng để có kết quả thành lập chính phủ mới nhanh nhất. Sớm nhất là vào trước Giáng sinh. Lâu nay, Đức luôn có chính phủ liên minh và vẫn luôn ổn định”, ông Scholz nói.
Trong cuộc bầu cử năm 2017, Quốc hội Đức phải mất tới 6 tháng mới có thể chọn được Thủ tướng. Nếu cuộc bầu cử năm nay kéo dài như vậy, bà Angela Merkel trở thành vị lãnh đạo lâu đời nhất nước Đức trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ II, vượt qua ông Helmut Kohl - người đã điều hành nước này trong thời gian từ 1982 - 1998.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận