Tờ Chính sách Ngoại giao của Hoa Kỳ (Foreign Policy) ngày 7/11 cho hay, sau cuộc bầu cử này ở Hoa Kỳ, nhu cầu về bỏ phiếu trực tuyến (online) mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nhu cầu của thời đại công nghệ dữ liệu lớn
Theo Foreign Policy, chuyển sang mô hình bầu cử kỹ thuật số sẽ đảm bảo kết quả nhanh hơn, giảm bớt lo ngại về tính hợp pháp và cung cấp vai trò hiệu quả cho công nghệ dữ liệu lớn (big data).
Sự bế tắc về kết quả bầu cử của Hoa Kỳ gây thất vọng cho cử tri, xấu hổ cho người Mỹ, và có lẽ quan trọng nhất là gây tổn hại đến sự phổ biến và danh tiếng của nền dân chủ trên toàn thế giới - Foreign Policy viết.
Là nền dân chủ lâu đời nhất thế giới (Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có nền dân chủ lập hiến liên tục hơn 200 năm tuổi), quốc gia này có nghĩa vụ duy nhất là phải cho thế giới thấy rằng nền dân chủ hoạt động.
Liệu nền dân chủ đó có hoạt động trong hay không vẫn còn đang gây tranh cãi, cụ thể là cuộc bầu cử kéo dài với tranh chấp vẫn còn đang ở phía trước. Dù kết quả cuối cùng có ra sao, những câu hỏi đặt ra về quá trình bầu cử sẽ tồn tại lâu hơn các sự kiện hiện tại.
Ông Ronjini Joshua là tác giả bài viết của Foreign Policy, đồng thời là một diễn giả và là người sáng lập của The Silver Telegram, một công ty truyền thông tập trung vào công nghệ cho hay:
Hoa Kỳ cần hồi sinh nền dân chủ của mình thông qua công nghệ. Bỏ phiếu trực tuyến có thể mang lại kết quả minh bạch, nhanh chóng và đáng tin cậy. Nó cũng có thể làm tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.
Ít hơn một nửa số cử tri đủ điều kiện dưới 30 tuổi (nhóm tuổi cảm thấy thoải mái khi nhìn vào màn hình và bấm bình chọn hơn là tới các phòng bỏ phiếu) đã tham hoạt động bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016.
Lần này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể cao hơn, nhưng nó vẫn chưa đặc biệt mạnh đối với một nền dân chủ phương Tây.
“Một nền dân chủ không nắm bắt được sở thích của nhiều thành phần của chính nó thì không phải là một nền dân chủ đang hoạt động”. – ông Ronjini Joshua nhấn mạnh.
Bảo mật bầu cử phải như bảo vệ tàu ngầm hạt nhân
Để chắc chắn, một số người có thể lo sợ rằng bỏ phiếu trực tuyến sẽ dẫn đến các cáo buộc gian lận tồi tệ hơn là đi bầu thật và lo ngại tin tặc hoặc tội phạm mạng nước ngoài được chính phủ các nước đối địch Mỹ tài trợ có thể làm gián đoạn cuộc bầu cử một cách nghiêm trọng nếu toàn bộ quá trình được đưa lên mạng.
Nhưng, công nghệ đã tồn tại để giữ cho quá trình an toàn. “Chúng ta sẽ gửi – lưu dữ liệu bầu cử trong các ngân hàng dữ liệu trực tuyến và không thường xuyên đi ngủ với mong đợi rằng chúng tôi sẽ thức dậy vào sáng hôm sau để thấy rằng ngân hàng đã biến mất và tài khoản của chúng ta đã bị trống” – ông Ronjini Joshua cho hay.
Hoa Kỳ có các tàu ngầm hạt nhân được nối mạng và họ đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc chúng bị tấn công mạng và sử dụng chính các vũ khí của chúng để chống lại đất nước. Đó là minh chứng cho thấy bầu cử trực tuyến có thể được bảo đảm an toàn.
Cùng một công nghệ cấp quân sự giúp những thứ đó trở nên an toàn cũng có thể áp dụng tương tự cho việc bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử tổng thống. Bỏ phiếu trực tuyến thậm chí còn không mang tính thử nghiệm: Estonia đã triển khai bỏ phiếu trực tuyến cho toàn bộ cử tri của mình từ năm 2005.
Mặc dù quốc gia này đã là mục tiêu của tin tặc nước ngoài, việc kiểm tra kỹ lưỡng và khả năng xác minh dữ liệu đầu cuối đã giảm bớt lo ngại về tính toàn vẹn của hệ thống.
Công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong nền chính trị Mỹ thế kỷ 21
Tại Hoa Kỳ, các bang West Virginia và Delaware đã cung cấp dịch vụ bỏ phiếu trực tuyến cho các cuộc bầu cử sơ bộ, không có gợi ý chính đáng nào về gian lận hoặc tin tặc được nêu ra.
Bằng cách áp dụng bỏ phiếu trực tuyến, Hoa Kỳ có thể mang lại cho cử tri sự tin tưởng vào hệ thống; xét cho cùng, cử tri sẽ có thể xem số liệu tính theo giờ, không phải ngày (hoặc tuần).
Một hệ thống như vậy cũng sẽ cho phép cả hai đảng tranh cử có thể kết nối với những người thường không bỏ phiếu và sẽ đưa Hoa Kỳ vào vị trí một lần nữa dẫn đầu thế giới với một ví dụ về một hệ thống chính trị vốn sinh ra để thực hiện những gì nó phải làm.
Bỏ phiếu trực tuyến có một lợi ích nữa: Nó sẽ cho phép công nghệ dữ liệu lớn tìm thấy mục đích thực sự của mình trong xã hội. Càng ngày, các công ty công nghệ trên thực tế đang càng nhanh chóng đảm nhận chức năng biên tập, bằng cách đó, họ có thể loại bỏ hoặc quảng bá các câu chuyện tranh cử theo hướng trung thực, không thiên lệch.
Những nỗ lực và năng lực độc đáo của các công ty công nghệ sẽ tốt hơn nếu họ được giao trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng để duy trì nền dân chủ của Hoa Kỳ. Cơ sở hạ tầng đó có thể được mở ra cho bất cứ cơ quan kiểm tra nào trong thời gian thực của cả hai bên (tranh cử) cũng như các quan sát viên trung lập.
Có lẽ, khi ấy, nhật ký máy chủ thậm chí có thể được đăng trực tuyến, tạo ra một hệ thống dân chủ thực sự cởi mở của thế kỷ 21.
Sau cuộc bầu cử tháng này, rõ ràng là nền dân chủ Mỹ cần được khởi động lại. Vào thời điểm nhiều tổ chức đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đã đến lúc chính Hoa Kỳ phải tham gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận