Bốn ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua Tổng thống Pháp 2017 |
Hiệu ứng Donald Trump
Trước thềm vòng bỏ phiếu sơ bộ, kết quả khảo sát của người dân với 4 ứng viên Tổng thống Pháp cho thấy tỉ lệ ủng hộ của từng ứng viên không nổi bật so với các ứng viên khác. Ngày 18/4, theo giờ Việt Nam, tờ Guardian dẫn kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, hai ứng viên Tổng thống Pháp là bà Marine Le Pen đại diện cho Mặt trận quốc gia và cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Emmanuel Macron tiếp tục bám sát nhau dẫn đầu cuộc đua với tỉ lệ tương đương 23% và 22%.
Tiếp sau đó là ứng viên cánh hữu, dính bê bối tài chính François Fillon và ứng viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon với tỉ lệ tương đương 21% và 19%. Do đó, cuộc bầu cử lần này được nhận định là cuộc đua sát sao và khó đoán nhất tại Pháp trong hàng chục năm trở lại đây.
Song, việc nữ ứng viên Le Pen, người được đánh giá có phong cách giống Tổng thống Mỹ Donald Trump, vươn lên dẫn đầu khiến nhiều người đồn đoán hiệu ứng Trump có thể lan sang Pháp. Bà Le Pen là người có quan điểm phản đối chính sách nhập cư và mở cửa biên giới Pháp giống quan điểm “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump.
Trước đây, nhân chuyện ông Trump thắng cử, chỉ vài giờ sau đó, bà Le Pen ca ngợi chiến thắng này là minh chứng cho thấy “những tấm phiếu dân chủ đang chôn vùi trật tự cố hữu và đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng thế giới trong tương lai”. Đồng thời, bà Le Pen cũng bày tỏ nỗi lo an ninh sau hàng loạt cuộc tấn công do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào Pháp.
Diễn biến tỉ lệ ủng hộ của bà Le Pen (từ một ứng viên xếp cuối bảng lên dẫn đầu) cùng với tiền lệ tại Mỹ là chiến thắng lội ngược dòng của ông Trump, khiến nhiều người cho rằng, khả năng bà Le Pen chiến thắng vòng cuối cùng của bầu cử Tổng thống Pháp rất cao.
Tuy nhiên, tờ NyTimes dẫn lời nhiều nhà quan sát lại cho rằng, có thể chính ảnh hưởng của ông Trump lại là chướng ngại trên con đường tới vị trí Tổng thống Pháp của bà Le Pen. Một phần vì, những động thái chính trị gây sốc của ông Trump (như tập kích Syria, đe dọa lật đổ Tổng thống Bashar Assad) đi ngược với quan điểm thiên về Nga, ủng hộ Chính phủ Syria của bà Le Pen. Sau sự kiện Syria, bà Le Pen gần như giữ khoảng cách với ông Trump, thậm chí có lần tức giận chỉ trích ông Trump đang muốn làm “cảnh sát thế giới”.
Phần khác là vì những lục đục trong nội bộ của ông Trump sẽ khiến những cử tri Pháp hoài nghi, lo lắng. Họ có thể cảm thấy chưa sẵn sàng đón nhận một chính phủ mới đầy những bất ngờ như vậy. Hơn nữa, bà Le Pen không có bộ máy đảng quyền lực là đảng Cộng hòa như của ông Trump hậu thuẫn. Đồng thời, bà không được nhiều người thuộc thế hệ cũ ủng hộ như ông Trump, thay vào đó, chủ yếu hút quan tâm từ giới trẻ.
Ảnh hưởng của Nga
Một vấn đề khác, sau sự bứt phá của bà Le Pen, nhiều người cũng nghi ngờ có sự “động chạm” của Nga. Tờ NyTimes dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng, bà Le Pen là một trong hai ứng viên mà Nga có ý muốn ủng hộ. Người còn lại là ông Fillon, người từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tặng một chai rượu sau khi mẹ ông qua đời.
Các tờ báo của Nga như Sputniks và RT bản tiếng Pháp không ít lần đăng tải những thông tin khai thác về bê bối của ứng viên sáng giá Emmanuel Macron. Tuy không nhiều người Pháp vào đọc các trang báo này nhưng những thông tin từ các trang này được đăng tải lên mạng xã hội và lan truyền với tốc độ rất nhanh. Nghi ngờ Nga động chạm tới cuộc bầu cử Pháp càng được bồi thêm khi tuần vừa rồi, facebook thông báo đã thanh lọc hơn 30.000 tài khoản giả tại Pháp.
Giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học Rennes 2, bà Cécile Vaissié cho biết, trên các phương pháp và các mối liên lạc được hình thành từ thời Liên Xô, điện Kremlin đã thành lập “một bộ máy ảnh hưởng vững chắc” tại Pháp, đang hoạt động để thúc đẩy lợi ích của Nga cũng như hỗ trợ những ứng viên mà Nga ưa thích.
Về phần mình, kể cả ở cuộc bầu cử Mỹ hay Pháp, Nga đều khẳng định không liên quan. Bà Nataliya Novikova, trưởng văn phòng đại diện của tờ Sputniks tại Paris từng nói, hoạt động của văn phòng này không chỉ phục vụ độc giả Moscow mà hơn hết là phục vụ độc giả Pháp, cung cấp những “khía cạnh khác” trong xã hội nước này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận