Công Phượng, Tuấn Anh |
Càng sửa càng sai
Cuối năm 2015, HAGL gây tiếng vang lớn khi để một loạt trụ cột ra nước ngoài thi đấu (Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật; Xuân Trường sang Hàn Quốc). Về sự kiện này, bầu Đức từng không ít lần tuyên bố ông cho cầu thủ “xuất ngoại” để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm chứ không phải đi... du lịch. Dư luận hoài nghi về tính khả thi trong nước cờ của ông bầu gốc Bình Định bởi Nhật Bản hay Hàn Quốc là hai quốc gia có nền bóng đá vượt trội so với Việt Nam.
Thực tế đã phần nào chứng minh sự hoài nghi trên là có cơ sở. Tuấn Anh dù đủ thể lực, tập luyện tích cực từ khi sang Nhật nhưng vẫn bị Yokohama cho ngồi ngoài trong trận mở màn mùa giải. Đáng chú ý, cầu thủ quê Thái Bình cũng không được đăng ký vào danh sách dự bị.
Như vậy đủ hiểu Yokohama đánh giá năng lực của Tuấn Anh tới đâu. Thậm chí, Công Phượng còn không được Mito Hollyhock đăng ký vào danh sách thi đấu.Phía đội bóng Nhật giải thích rằng, do Phượng chưa hồi phục hoàn toàn chấn thương.
Tuy nhiên, đặt giả thuyết Công Phượng hoàn toàn khỏe mạnh, cơ hội để tiền đạo này góp mặt trong đội hình Mito là khá nhỏ bởi vị trí đó, đội bóng Nhật sở hữu nhiều cầu thủ kinh nghiệm và chất lượng hơn hẳn.Như vậy, bước khởi đầu của Tuấn Anh, Công Phượng đã không suôn sẻ.
Từ đây thấy rằng, hy vọng dành cho Xuân Trường tại Hàn Quốc cũng không nhiều, nhất là khi Trường được một đội bóng ở giải đấu cao nhất xứ Kim chi mượn về.
Nếu những lập luận trên chính xác, bầu Đức có vẻ tiếp tục mắc một sai lầm khi cố gắng sửa chữa một sai lầm khác. Trước đó, ông chủ HAGL đã sai khi đôn toàn bộ lứa U19 HAGL lên đá ở V-League 2015 và đặt niềm tin vào HLV Graechen - người vốn được ví như “ông giáo làng”. Kết quả, Graechen bị sa thải nhằm cứu một HAGL trên bờ vực xuống hạng và đầu mùa này đội bóng phố Núi phải đi mua lại những cựu binh để tăng cường sức mạnh, phục vụ mục tiêu trụ hạng.
Công Phượng, Tuấn Anh dễ mất suất ở đội tuyển
Không thể phủ nhận lứa Công Phượng, Tuấn Anh đang là những cầu thủ đầy hứa hẹn của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, “đám trẻ nhà bầu Đức” còn quá non để trải nghiệm thử thách ở môi trường bóng đá hàng đầu châu Á. Việc xuất ngoại là cần thiết nhưng nó phải đến vào một thời điểm phù hợp, khi Công Phượng và đồng đội thực sự trưởng thành.
Trước khi sang Nhật, hành trang mà Công Phượng, Tuấn Anh mang theo chỉ là hai lần vô địch giải U21 Quốc tế 2015 - một giải giao hữu vô thưởng vô phạt. Cũng chính lứa U19 từng khiến người hâm mộ điên đảo đã thất bại ở giải vô địch U19 châu Á 2015, thất bại trong việc khẳng định mình ở V-League và những đóng góp cho đội tuyển lại càng hạn chế.
Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là nếu Công Phượng, Tuấn Anh chỉ được “dự giờ” tại đội bóng mới, liệu cả hai có được HLV Hữu Thắng trọng dụng khi dẫn dắt đội tuyển. HLV người Hà Tĩnh thích sử dụng các cầu thủ trẻ bởi vị thuyền trưởng này luôn muốn xây dựng một tập thể giàu sức chiến đấu và khát khao chiến thắng. Khi VFF bổ nhiệm HLV Hữu Thắng, đã có ý kiến cho rằng đó là cơ hội để cầu thủ HAGL ghi dấu ấn ở đội tuyển.
Thế nhưng, sẽ rất khó để Tuấn Anh hay Công Phượng thuyết phục được HLV Hữu Thắng lựa chọn mình nếu liên tục đóng vai trò “dự giờ” ở đội bóng mới. Cầu thủ chuyên nghiệp khi không được thi đấu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.
Thể lực đi xuống, mất cảm giác bóng và dĩ nhiên không một nhà cầm quân nào muốn sử dụng những cầu thủ như thế trong thành phần đội tuyển. Bởi vậy, việc được ra sân thường xuyên hay không ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội khoác áo tuyển của Tuấn Anh cũng như Công Phượng. Chỉ có điều, bản thân Công Phượng hay Tuấn Anh không thể quyết định được vị trí của mình ở Nhật Bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận