Chính trị

Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội: "Dấu hiệu tốt về sự dân chủ trong Đảng"

08/06/2020, 14:33

Việc bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội được nhiều người cho là việc làm mới, khách quan và có nhiều ưu điểm.

img
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Dương là đại hội điểm cấp trên cơ sở đầu tiên của tỉnh Hải Dương tiến hành bầu trực tiếp Bí thư

Bí thư phải là người có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt nhất

Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa có kiến nghị tới Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương để được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.

Về kiến nghị này, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là thể hiện sự đề cao dân chủ trong Đảng thông qua bầu cử. Các đảng viên chính thức dự đại hội đều được tham gia bầu, không phải bầu ra Ban Chấp hành rồi ban chấp hành mới thực hiện bầu chức danh Bí thư như cũ. Qua đó, từng đảng viên được đóng góp ý kiến, có nhận thức cao và phát huy được vai trò trực tiếp của mình khi bầu chức vụ Bí thư tại đại hội.

“Thông qua bầu trực tiếp thì tín nhiệm của Bí thư đối với Đảng bộ được nâng lên, thực chất hơn. Đây cũng là chỉ số để đánh giá uy tín của đồng chí Bí thư đó”, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm và cho biết, vừa qua ,chúng ta đã làm thí điểm bầu trực tiếp Bí thư ở cấp quận, huyện. Cấp cơ sở, cấp xã phường thì tỷ lệ bầu Bí thư trực tiếp là khá cao.

“Nhưng có lẽ Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đề xuất bầu Bí thư tỉnh trực tiếp tại đại hội. Đây mới chỉ là đề xuất phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cho rằng, thực hiện việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội phải có sự nhất trí cao về công tác nhân sự. Ban chấp hành khóa trước phải giới thiệu nhân sự cho Ban chấp hành khóa sau. Cho nên Tiểu ban nhân sự của các Đại hội đảng bộ cấp ủy phải làm rất công phu, chặt chẽ theo đúng chỉ đạo của Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Cần phải thảo luận dân chủ, công khai để lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy, trong những người đó thì lựa chọn ra người đứng đầu cấp ủy.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy (Bí thư) phải là người có đạo đức và phẩm chất tốt nhất; có trình độ trí tuệ, hiểu biết sâu rộng, kiến thức trên nhiều phương diện, trình độ lý luận, tầm nhìn xa, có tư duy chiến lược; có năng lực tổ chức lãnh đạo thể hiện bằng việc làm chứ không chỉ có nói suông.

"Người đứng đầu cấp ủy phải có uy tín không chỉ trong đảng bộ mà phải có uy tin trong nhân dân”, ông Phúc nhấn mạnh.

img
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Có nhiều ưu điểm

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cũng hoàn toàn ủng hộ cách làm mới này. “Cách làm này hay hơn so với việc Đại hội chỉ bầu được Ban Chấp hành, rồi Ban Chấp hành mới bầu Thường vụ, Thường vụ bầu Bí thư, phải qua nhiều tầng nấc. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy đó thì phải do chính đảng viên cấp ủy đó trực tiếp lựa chọn, bầu ra như vậy mới là dân chủ. Tôi cho đó là một dấu hiệu rất tốt về sự dân chủ trong Đảng”, ông Tiến bày tỏ.

Ông Tiến cho rằng, Quốc hội cũng đã thực hiện dân chủ từ lâu khi bầu trực tiếp Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì Đảng cũng nên để Đại hội bầu ra người đứng đầu cấp ủy mà không phải qua bất cứ khâu trung gian nào.

"Khi đó, người được bầu không chỉ tự hào khi được toàn thể Đại hội tín nhiệm lựa chọn, bầu cho mình. Bản thân họ cũng thấy được trách nhiệm của mình một cách rõ ràng hơn, đó là trách nhiệm trước toàn thể Đại hội, cơ quan cao nhất của Đảng, chứ không chỉ trước cấp ủy", ông Tiến nói và cho hay, khi Đại hội đã có quyền bầu ra thì nếu như nhân sự đó không xứng đáng, Đại hội hoàn toàn có thể tổ chức Đại hội bất thường để bỏ phiếu bãi nhiệm, miễn nhiệm cũng giống như Quốc hội.

Về nội dung Quảng Ninh xin ý kiến bầu Bí thư tỉnh trực tiếp tại Đại hội, nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng, bầu Bí thư trực tiếp ở cấp nào cũng rất quan trọng nhất là cấp tỉnh thì càng phải cẩn trọng hơn.

“Đây mới chỉ là đề xuất, việc có được làm hay không thì cần phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị", ông Tiến nói và nhấn mạnh, để bầu trực tiếp Bí thư cấp tỉnh, cần phải cung cấp đầy đủ thông tin người được đưa ra lựa chọn để các đảng viên nghiên cứu, xem xét, đánh giá. Không chỉ thông tin của nhân thân người đó mà thậm chí cả thông tin người thân của họ. Công tác chuẩn bị này phải được làm từ nhiệm kỳ trước, cán bộ có tâm, có tầm, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hay không, đảng viên đều biết hết.

Theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ở Đại hội Đảng cấp huyện trở xuống nhiều nơi đã thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.

Tại Hà Nội, ngày 26/5 vừa qua, Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII đã bầu trực tiếp ông Lê Anh Quân giữ chức Bí thư Huyện ủy Gia Lâm nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là Bí thư đầu tiên được bầu trực tiếp tại Đại hội Đảng cấp huyện của Hà Nội.

Gần đây nhất, tại Đại hội đảng bộ TP Hải Dương, sau 2 ngày làm việc đã trực tiếp bầu ông Lê Đình Long - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương khóa XXII tiếp tục giữ chức danh Bí thư Thành ủy Hải Dương khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.