Ông Trần Anh Tú có rất nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt cho đội tuyển futsal - Ảnh: Ngô Nguyễn |
Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và tài trợ, Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho rằng: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam Trần Anh Tú (bầu Tú) không thể đảm đương được quá nhiều công việc. Tuy nhiên, dù ông Tú có làm tốt hay không, bóng đá Việt Nam vẫn cần xử lý cuộc khủng hoảng trước mắt.
Bầu Tú đang làm tốt?
Trong buổi tiếp xúc báo chí mới đây, bầu Tú cho biết, ông đã chủ động xin rút khỏi vị trí Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban Điều hành các giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, HĐQT VPF sau khi họp đã bỏ phiếu bác đề nghị của ông Tú. Trong 7 thành viên HĐQT VPF, có 6 người phủ quyết đơn xin nghỉ của bầu Tú, 1 người bỏ phiếu trắng. Như vậy, ông Tú chắc chắn sẽ tiếp tục nắm hai chức vụ tổng giám đốc và trưởng ban điều hành cho tới khi tìm được ứng viên đủ năng lực thay thế.
Đặt trong bối cảnh hiện tại, nước đi này của VPF chẳng khác nào là lời “tuyên chiến” với bầu Đức, người trước đó kịch liệt phản đối việc bầu Tú thâu tóm hết ba vị trí chủ chốt ở VPF, đồng thời là ứng viên cho vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và tài trợ. Trong trường hợp bầu Tú trúng cử Phó chủ tịch VFF, ông sẽ nắm 7 chức vụ cả thảy. Bầu Đức cho rằng như vậy vừa thiếu minh bạch, vừa kém hiệu quả. Thế nhưng, bầu Tú khẳng định, ông đủ sức làm tốt mọi công việc và sẽ có lộ trình dần dần rút khỏi một số vị trí.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, thành viên HĐQT VPF bày tỏ quan điểm: “Anh Tú đang làm rất tốt công việc ở VPF, nên chúng tôi không có lý do gì để bãi miễn anh ấy. Từ khi anh Tú nắm quyền, VPF tinh giản được tổ chức, bộ máy, tiết kiệm nhiều chi phí. Chỉ trong thời gian ngắn, anh Tú cũng đem về ba nhà tài trợ cho V-League, cúp quốc gia và giải hạng nhất. Đó là chưa kể từ mùa này, các CLB sẽ có tiền bản quyền truyền hình. VPF đại diện cho quyền lợi các đội bóng nên khi anh Tú đang đảm bảo điều này thì chúng tôi rất tin tưởng”.
Ở chiều ngược lại, ông Võ Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT VPF lại tỏ ra băn khoăn: “Tôi rất tôn trọng bầu Tú nhưng khi một người ngồi quá nhiều vị trí như vậy, tôi thực sự lo lắng. Lo lắng anh Tú có thể làm tốt không? Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống các giải chuyên nghiệp”.
Trong khi đó, ông Lê Thế Thọ, nguyên Phó chủ tịch VFF không đồng tình với ý kiến của ông Phạm Thanh Hùng: “Họ ngồi chung một thuyền thì phải bao bọc nhau chứ, mới vài tháng làm việc thì chưa thể hiện được điều gì”.
Làm sao để dập tắt khủng hoảng?
Đặt qua một bên những lùm xùm quanh tranh cãi giữa bầu Đức và bầu Tú, suy ngẫm lại mới thấy điều này ảnh hưởng rất lớn tới uy tín bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ, các CLB khó chuyên tâm cống hiến, các nhà tài trợ e dè trong việc ném tiền cho bóng đá. Theo ông Lê Thế Thọ, lúc này rất cần sự can thiệp, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục TDTT để giải quyết “khủng hoảng”. “Bóng đá là sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. VFF loạn thì Tổng cục TDTT sẽ phải chịu trách nhiệm vì anh giữ vai trò quản lý nhà nước. Tình hình rối ren hiện tại tôi nghĩ rất cần Tổng cục vào cuộc, miễn sao không can thiệp các vấn đề chuyên môn. Về nhân sự, tổ chức, quản lý anh vẫn có quyền định hướng”, ông Thọ phân tích.
Từ ý kiến này, Báo Giao thông đã liên hệ với Tổng cục TDTT, cụ thể là Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng. “VFF hoạt động dân chủ, quyết định theo tập thể. Còn VPF hoạt động theo luật doanh nghiệp. Anh Tú sang VPF là do tập thể VFF đồng ý cử sang. Anh Tú làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF là do HĐQT VPF bầu. Cả hai đều là ý kiến của tập thể chứ anh Tú không tự làm được. Còn ý kiến của bầu Đức là cá nhân, mà cá nhân thì không thể đứng trên tập thể”, ông Thắng bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, người đứng đầu Tổng cục TDTT cũng chia sẻ, đơn vị này đã chỉ đạo VFF phải họp lại để góp ý thẳng thắn, giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần vì bóng đá Việt Nam.
Nhìn theo góc độ khác, nguyên Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn đề thì quy chế bóng đá chuyên nghiệp và của VFF cần thay đổi cho phù hợp. “Doanh nhân làm bóng đá rất tốt, rất có lợi nhưng do quy chế lỏng lẻo nên giờ nhiều doanh nhân làm bóng đá lấn sân sang làm chuyên môn. Trong khi các nhà chuyên môn lại không có chỗ đứng. Thiết nghĩ, doanh nhân chỉ nên giữ những vị trí lo tiền bạc, tuyệt đối không nên tham gia chuyên môn. Như hiện tại, có cảm giác ông nào cũng làm lãnh đạo được nên cứ đấu đá không ngừng”, ông Lê Thế Thọ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận