Chưa khai thác hết công suất, nhưng 2 dự án đã đóng góp vào ngân sách 700-800 tỷ đồng, tạo ra 2.400 việc làm trực tiếp, 12.000 việc làm gián tiếp… nhưng lo lắng thì vẫn nhiều.
Chắc chắn sẽ có lãi?
Sáng nay (17/5), cho ý kiến về Báo cáo giám sát Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tỏ ra khá thận trọng đối với kết quả mà đoàn giám sát có được. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ vốn gây nhiều tranh luận trên cả diễn đàn QH, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia môi trường, dư luận xã hội...
Về hiệu quả kinh tế của 2 dự án bauxite này, trong phần báo cáo bổ sung của Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, giá alumin trên thị trường thế giới đang ấm dần lên và hiện đã lên đến 400 USD/tấn, nhiều khả năng sẽ tăng lên 420 USD vào năm 2018.
“Kể cả với phương án bảo thủ là 310 USD/tấn alumin, chưa tính tới việc chế biến bùn đỏ để lấy quặng sắt thì thời gian giảm lỗ của 2 dự án bauxite cũng giảm được 1-2 năm so với kế hoạch”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, với dự án có thời gian hoạt động 30 năm, vốn đầu tư lên tới 700 triệu USD thì việc giảm thời gian lỗ 1-2 năm là rất quan trọng.
Thí điểm "gạn" bùn đỏ lấy quặng sắt |
Cũng theo Phó Thủ tướng, khi dự án khai thác bauxite được chứng minh là có hiệu quả, chúng ta có thể nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm (hiện nay công suất khoảng 650.000 tấn), sau đó lên 1,5 triệu tấn/năm thì hiệu quả còn được nâng cao hơn nữa do giảm được nhiều chi phí.
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề được dư luận quan tâm là phế thải bùn đỏ (sản phẩm kèm theo quá trình khai thác bauxite), theo Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng, khác với nhiều nước trên thế giới, phế thải bùn đỏ của Việt Nam có hàm lượng sắt rất cao, vì thế, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt.
“Việc “gạn” bùn đỏ lấy sắt hiện đang trong quá trình thí nghiệm, nhưng kết quả rất khả quan. Nếu thí nghiệm này được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn: giảm chi phí xử lý bùn đỏ, tăng hiệu quả của dự án”, ông Tùng nói và cung cấp thêm thông tin: sử dụng 2,4 tấn bùn đỏ làm nguyên liệu với tổng chi phí bỏ ra vào khoảng 1,5 triệu đồng để xử lý sẽ sản xuất ra 1 tấn quặng sắt. Với giá thành quặng sắt như hiện nay là 1,9 triệu đồng/tấn thì việc tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt chắc chắn sẽ có lãi. Từ quặng sắt tiếp tục làm ra sản phẩm gang và thép thì hiệu quả còn cao hơn nhiều.
Thông tin này lập tức được nhiều đại biểu quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, khi chúng ta đã xử lý được bùn đỏ lấy quặng sắt, hiệu quả của dự án một lần nữa được khẳng định. Còn Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, đây là tin rất mừng, khẳng định việc thí điểm khai thác bauxite là đúng hướng.
Trước đó, theo tính toán, sau khi đi vào hoạt động, 2 dự án bauxite có thể vẫn lỗ 4-5 năm, nhưng sau 12 năm đã có thể thu hồi đủ vốn đầu tư và bắt đầu có lãi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, mặc dù chưa khai thác hết công suất, nhưng 2 dự án bauxite đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 700-800 tỷ đồng, tạo ra 2.400 việc làm trực tiếp và khoảng 12.000 việc làm gián tiếp trong khi công suất thiết kế chỉ có 650 ngàn tấn alumin/năm.
“Khi chúng ta tăng công suất khai thác, chắc chắn hiệu quả của dự án còn cao hơn. Và ngay cả khi bỏ qua yếu tố giá alumin trên thị trường thế giới đang tăng, có thể khai thác được quặng sắt từ phế thải bùn đỏ, hiệu quả của dự án khai thác bauxite đã có thể nhìn thấy được”, ông Lý cho biết.
Đây cũng là tâm trạng của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. “Trước đây mình lo nhất là vấn đề xử lý bùn đỏ (nguồn gây hủy hoại môi trường nếu không được xử lý). Bây giờ mình đã có cách để xử lý, không chỉ bảo đảm được môi trường, mà còn nâng được hiệu quả dự án khai thác bauxite. Vấn đề bây giờ là làm sao để sớm đưa từ kết quả nghiên cứu thành thực tiễn”, Chủ tịch QH nói.
Báo cáo giám sát “khiêm tốn” khi đánh giá tác động
Là trưởng đoàn giám sát, song khi báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ngân sách của QH Nguyễn Văn Giàu vẫn chỉ ra rằng, cần đánh giá hiệu quả của 2 dự án này ở diện rộng hơn, không chỉ là hiệu quả kinh tế mang lại cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam mà còn đối với kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
“Đoàn giám sát nhận định, trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm, phát triển kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, việc đầu tư một lượng vốn lớn, kéo dài cho 2 dự án cần được tiến hành thận trọng, tính toán kỹ. Ngoài ra, do giá alumin phụ thuộc hoàn toàn vào sự chi phối của thị trường thế giới trong bối cảnh biến động mạnh của tình hình sẽ tác động đến hiệu quả kinh tế của dự án”, báo cáo giám sát nêu rõ.
Bùn đỏ đóng rắn tại khu thải bùn đỏ, nhà máy alumin Tân Rai |
Cho ý kiến đối với kết quả giám sát, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH lo ngại về khả năng làm chủ công nghệ đối với hai dự án, đặc biệt là vấn đề giao thông, bởi chi phí vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ lớn cũng như tác động của việc vận chuyển alumin đối với hạ tầng giao thông chung của khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, báo cáo giám sát khá khiêm tốn khi đề cập đến vấn đề hiệu quả kinh tế của 2 dự án gắn với quốc phòng, an ninh của khu vực.
“Báo cáo tóm tắt có 6 dòng, báo cáo chính thức có 12 dòng đề cập đến vấn đề tác động đến quốc phòng, an ninh, như vậy phần này là hơi ít và đề nghị bổ sung thêm vì mục đích hiệu quả kinh tế nghe nhiều rồi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý băn khoăn.
Ông Lý cũng cho rằng, 2 dự án được coi là thúc đẩy cơ cấu kinh tế của vùng, tạo công ăn việc làm nhưng chưa cụ thể bao nhiêu lao động là người nước ngoài, rồi lao động là người Tây Nguyên, Đắk Nông, người dân tộc thiểu số là bao nhiêu cũng chưa đề cập đến.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển lưu ý đến chi phí vận tải thời gian tới vì hoạt động vận tải đang được chấn chỉnh lại theo hướng giám sát tải trọng và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Thêm vào đó là những đề nghị về ưu đãi giá điện, thuế tài nguyên.
“Làm sao có giá điện rẻ, nguồn điện dồi dào hay thuế tài nguyên, chắc không thể có cơ chế riêng cho các dự án này, mà phải bình đẳng. Rồi mặc dù chưa thu hồi được bao nhiêu nhưng chi phí cho hạ tầng lớn cho nên khi đánh giá hiệu quả kinh tế , đoàn giám sát nên thận trọng hơn. Nếu đánh giá quá lạc quan, “sáng” quá thì xử lý của chúng ta sẽ khó khăn”, ông Hiển nói.
Minh Thành
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận