Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết trong ngày 10/10, các hãng được cấp phép là 20 chuyến, tuy nhiên số chuyến thực hiện chưa được 1/3.
Lý do xuất phát từ “hàng rào kỹ thuật” do địa phương lập nên, hoặc địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể về cách ly.
Hôm qua, hơn một nửa số chuyến bay được cấp phép buộc phải hủy, khách không thể lên máy bay do một số địa phương yêu cầu hành khách phải cách ly tập trung (Trong ảnh: Hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất và làm thủ tục bay sáng 10/10). Ảnh: Phan Tư
Cấp phép 20 chuyến, 3 hãng chỉ bay được 6 chuyến
Ngày 10/10, các hãng hàng không Việt Nam đã tái kích hoạt nhiều đường bay nội địa sau khi Bộ GTVT “chốt” mở lại nhiều đường bay nội địa, thí điểm từ ngày 10/10 đến hết ngày 20/10/2021.
Theo thông tin của Báo Giao thông, trong ngày 10/10, Vietnam Airlines được cấp phép khai thác 9 chuyến khứ hồi nhưng chỉ khai thác được 3 chuyến TP.HCM - Khánh Hòa (chiều đi 27 khách, chiều về 20 khách); TP.HCM - Bình Định (chiều đi 55 khách, chiều về 20 khách) và TP.HCM - Chu Lai (chiều đi 33 khách, chiều về 5 khách).
Theo quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ được Bộ GTVT công bố, từ ngày 10/10/2021 sẽ khai thác trở lại nhiều đường bay nội địa. Cụ thể, trong thời gian này, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP.HCM đi các tỉnh: Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP.HCM và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hóa - Lâm Đồng.
Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Riêng chặng TP.HCM - Hà Nội chỉ khai thác 1 chiều Hà Nội - TP.HCM với 160 khách. Chiều ngược lại chưa thể cất cánh theo kế hoạch do chưa có hướng dẫn cách ly cụ thể của Hà Nội.
Trong khi đó, 2 chuyến bay TP.HCM - Thanh Hóa/Nghệ An bị chậm sang ngày hôm sau do bão.
Tương tự, Vietjet được cấp phép 6 chuyến từ TP.HCM đi Đà Nẵng/Phú Yên/Hải Phòng/Gia Lai; Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - Cần Thơ. Tuy nhiên, hãng chỉ khai thác 1 chuyến từ TP.HCM - Đà Nẵng (chiều đi 53 khách, chiều về 14 khách).
Với Bamboo Airways, trong 5 chuyến bay được cấp (gồm TP.HCM đi Huế/Quảng Bình/Phú Quốc; Đà Nẵng - Đắk Lắk; Hà Nội - Điện Biên), hãng chỉ khai thác 1 chuyến từ TP.HCM - Phú Quốc (chiều đi 30 khách, chiều về 37 khách).
Các chuyến TP.HCM đi Huế/Quảng Bình hủy vì hành khách bỏ chỗ do 2 địa phương này yêu cầu khách phải cách ly 7 ngày tập trung và mất phí.
Khấp khởi mừng vì được bay trở lại nhưng các hãng hàng không cũng đang “đứng ngồi không yên” trong ngày đầu được bay trở lại, nguyên nhân được cho là vì những “hàng rào kỹ thuật” do địa phương lập nên.
Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết, một số tỉnh, thành yêu cầu khách phải cách ly tập trung hoặc phải được chính quyền tỉnh phê duyệt danh sách được về lại địa phương.
Tuy nhiên, các tỉnh chưa có các quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cách ly cũng như xét duyệt danh sách. Vì vậy, một số chuyến bay trong ngày đầu tiên phải hủy và hãng hàng không rất khó khăn trong việc thu xếp giải tỏa do các chuyến bay tiếp theo đã đầy khách (một phần do giới hạn giãn cách trên chuyến bay).
Cụ thể, chuyến bay từ TP.HCM về Hà Nội của Vietnam Airlines ngày 10/10/2021 đã buộc phải hủy và hiện tại hãng này cũng chưa thể đưa ra phương án giải quyết với các hành khách đã mua vé do các chuyến bay các ngày tiếp theo đều đã đầy khách.
Phía Vietjet cũng kêu khó khi tỷ lệ tiêm vaccine của các địa phương (trừ Hà Nội và TP.HCM) còn thấp.
Do vậy, hãng đề nghị quy định hành khách từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72h thì được bay để tạo điều kiện cho người dân trở về các thành phố lớn làm việc.
Nếu quy định hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, mũi 2 tiêm trước ngày bay 14 ngày như hiện nay thì các đường bay ngách và các chuyến bay chiều đến Hà Nội và TP.HCM từ các tỉnh, thành sẽ rất ít hành khách đáp ứng được quy định này.
Ngoài ra, Vietjet kiến nghị xem xét bỏ giãn cách trên tàu bay để giảm áp lực chi phí/ghế và giá vé do hành khách đã được xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.
Nhiều chuyến bay “cháy vé” ngay khi vừa mở bán
Hành khách làm thủ tục lên chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM lúc 14h30
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông vào chiều muộn 10/10, trên các trang bán vé trực tuyến, chuyến bay VN216 từ TP.HCM về Hà Nội ngày hôm nay (11/10) chỉ còn 5 ghế hạng thương gia mức giá 7,6 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí). Nếu chọn bay ngày 12/10, hành khách vẫn có đặt mua với giá gần 3,6 triệu đồng.
Nếu bay từ TP.HCM đi Đà Nẵng, mức giá thấp nhất mà hành khách có thể mua được nếu chọn bay Vietjet vào ngày 14/10 là hơn 1,6 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí) và cũng chỉ còn duy nhất 3 ghế trống (tính tới chiều ngày 10/10).
“Các ghế hạng thường từ TP.HCM về Hà Nội gần như đã hết ngay khi vừa mở bán. Nhiều hành khách chậm chân đã không thể đặt mua”, đại diện Vietnam Airlines nói và cho biết khách hiện chỉ có thể mua trên các chuyến bay từ ngày 12/10 trở đi. Tuy nhiên, mỗi chuyến bay cũng chỉ còn vài ghế trống.
Cũng theo Vietnam Airlines, các chuyến bay giữa Hà Nội và TP.HCM, giữa TP.HCM và Thanh Hóa, Huế được đặt chỗ nhiều nhất. Nhiều chuyến bay thậm chí đã gần như kín chỗ trong ba ngày 10, 11, 12/10.
“Hiện tại, hành khách có nhu cầu bay giữa các địa phương này vẫn có thể mua vé nhưng cần cân nhắc quyết định sớm nếu không muốn lỡ cơ hội trong bối cảnh số chuyến bay được cấp phép chỉ dừng mức tối thiểu 1 chuyến/ngày”, đại diện Vietnam Airlines khuyến cáo.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường khẳng định: Theo quy định hiện hành của pháp luật về hàng không dân dụng, giá vé bằng chi phí đi lại của ngành hàng không và các hãng không được phép bán quá mức giá trong khung giá quy định.
“Sẽ không thể có tình trạng giá vé quá cao, quá mức chịu đựng của người dân, vì chúng ta đều đã có quy định”, ông Cường khẳng định và cho biết, khi mở cửa lại các đường bay, cơ quan chức năng và các hãng sẽ có sự tính toán, nhưng với tinh thần hỗ trợ cho người dân thì mức giá cũng sẽ đa dạng.
Phía Bamboo Airways, Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân cho biết, việc mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu, nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch nhưng mở cửa từng bước để chúng ta tập dượt các đường bay nội địa và từng bước sẽ tiến ra quốc tế.
Phía Vietjet, ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc thương mại cũng khẳng định quan điểm “không có giá độc quyền”.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm khôi phục vận tải khách
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 1322/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Công điện nêu rõ, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Công điện nêu rõ, về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8/10/2021; tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo nêu trên cũng như chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo nêu trên.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân, giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ban hành công điện này, phải ban hành quy định, hướng dẫn và triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.
P.V
Khách dưới 18 tuổi có được bay?
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, theo quy định của Bộ GTVT, khách đi máy bay phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Việt Nam hiện vẫn chưa tiêm vaccine cho những người dưới 18 tuổi. Do đó, theo quy định hiện hành, chỉ có những người dưới 18 tuổi nhưng là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng mới đủ điều kiện đi máy bay trong giai đoạn này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận