Các bể bơi không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ trở thành “ổ” lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm |
Vào hè, hầu hết các bể bơi đều đông nghịt khách bất kể giờ giấc. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh tật luôn rình rập với người đi bơi khi chất lượng nước vẫn còn phụ thuộc vào chính quy trình nội kiểm, tự chịu trách nhiệm.
Hiếm hoi bể bơi đạt tiêu chí vệ sinh
Dù dành cho con phần thưởng học sinh giỏi là tấm vé bơi kéo dài suốt ba tháng nghỉ hè nhưng chị Nguyễn Lan Tường (Lò Đúc, Hà Nội) lại ngay ngáy lo. Chị Lan Tường cho biết: “Chỉ cách đây khoảng 3 tuần, bể bơi vắng người, nước trong veo nhìn xuống tận đáy. Nhưng mới hôm qua đưa con đi bơi, người thì đông nghịt, nước rất vẩn đục. Họ hoạt động từ 5h30 đến 21h, nếu không xử lý tốt thì bể bơi chả hóa thành bể bệnh”. Cũng nỗi lo như chị Tường, vợ chồng anh Nguyễn Minh Hán (Ngọc Khánh, Hà Nội) chia sẻ: “Mình cân nhắc nhiều khi chọn bể bơi cho con trong dịp hè cho dù cũng chỉ bằng cảm quan. Thôi cứ vào khách sạn, đắt hơn chắc sạch hơn”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (đơn vị được giao trách nhiệm thanh, kiểm tra, quản lý chất lượng các bể bơi, khu vui chơi dưới nước trên địa bàn) cho hay: “Theo thống kê có khoảng 170 bể bơi hoạt động, nằm rải rác ở các quận huyện nhưng chủ yếu tập trung tại các quận nội thành và hai địa bàn ngoại thành là Sơn Tây và huyện Ba Vì.
Nếu căn cứ vào đúng các tiêu chí đã quy định theo Thông tư của Bộ VH,TT&DL thì hiếm hoi có bể đạt đầy đủ các tiêu chí đó, trừ một số bể bơi trong khách sạn 5 sao”. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết thêm, về cơ bản chất lượng các bể bơi đã tốt hơn những năm trước, nhất là với các bể trong khu vực nội thành. Hiện, chỉ còn một số bể bơi tư nhân khu vực Gia Lâm, Chương Mỹ và một số bể du lịch ở Ba Vì chưa đảm bảo một số tiêu chí như nguồn nước vì phần lớn dùng nước giếng khoan, lọc chưa tốt.
Những lưu ý khi chọn bể bơi chất lượng: - Bể bơi phải có đủ phụ kiện: Phòng thay đồ, tắm tráng hợp vệ sinh, phòng y tế. - Luôn có mặt nhân viên cứu hộ và các dụng cụ kỹ thuật cứu hộ. - Cảm quan chất lượng bể bơi qua màu sắc, độ trong, không vẩn đục, lắng bẩn. - Sau khi bơi nên tắm kỹ lại bằng xà phòng, vệ sinh tai, mũi, họng bằng các loại nước sát khuẩn như nước muối sinh lý, nước xúc họng… |
Chia sẻ về quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng bể bơi, ông Tuấn cho biết: Việc giám sát, lấy mẫu nước kiểm nghiệm chỉ được tiến hành 1 lần/năm do kinh phí đầu tư xét nghiệm mẫu nước có hạn. Trên thực tế, Trung tâm cũng chỉ có thể kiểm tra một số các bể bơi, còn lại giao cho các quận huyện kiểm tra, giám sát. Chủ yếu các cơ sở bể đều phải tiến hành nội kiểm định kỳ, ví như tự mang mẫu nước đi xét nghiệm, tự công bố và phải tự chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi liệu việc “nội kiểm, tự chịu trách nhiệm” của từng sơ sở bể bơi được kiểm soát đến đâu, ông Tuấn cho biết: “Cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra lại trên cơ sở thực tế và đối chiếu sổ sách, ghi chép... Thực tế, nếu các cơ sở không tự đảm bảo chất lượng bể bơi thì tự đánh mất khách hàng, chính vì vậy họ phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động nội kiểm. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận có một số ít bể bơi vì mục đích thương mại mà đã không đảm bảo được chất lượng”.
Với việc giám sát, quản lý bể bơi “nửa vời”, chủ yếu phụ thuộc vào “lương tâm” của các cơ sở bể bơi như hiện nay, người bơi cũng đành phó mặc, tự đánh giá bằng cảm quan.
Dễ lây bệnh nấm, hắc lào, tiêu hóa…
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, bể bơi công cộng thường chứa các vi sinh vật, cùng với lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt… Các tạp chất này khi kết hợp với các chất khử trùng có thể tạo ra sự biến đổi về mặt hóa học và chuyển thành các chất độc hại đối với cơ thể. Do vậy, nếu không được vệ sinh, khử trùng tốt, đây sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, gây bệnh.
Còn theo BS. Nguyễn Minh Quang, BV Da liễu Hà Nội, vào hè một số bệnh ngoài da do nấm như: Hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc… rất dễ lây nhiễm ở các bể bơi, bởi các vi khuẩn trong nước dễ xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở dù nhỏ ở trên da và gây bệnh. Không chỉ vậy, trong nước bể bơi luôn có một số hóa chất như các hợp chất có chứa Clo dùng để diệt khuẩn còn có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm, nhất là với trẻ nhỏ.
“Nếu không đảm bảo chất lượng nước, bể bơi công cộng cũng chính là môi trường lây lan các bệnh truyền nhiễm khác như: Đau mắt đỏ, viêm hạt mắt, viêm tai… hay các bệnh tiêu hóa như nhiễm lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp, viêm ruột cấp”, BS. Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư cho biết thêm.
Tiêu chuẩn nước bể bơi - Phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. - Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước. - Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt với các chỉ số cụ thể: Độ trong phải nhìn thấy đáy bể bơi; Hàm lượng chất vẩn đục (không lớn hơn 2 mg/l cho bể bơi ngoài trời và không lớn hơn 1 mg/l cho bể trong nhà); Độ PH nằm trong giới hạn 7,3 - 7,6; Độ cứng (500 mg/l); Clorua không lớn hơn 0,5 mg/l; Amoniac không lớn hơn 0,5 mg/l…(Trích Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận