Toàn cảnh phiên điều trần cuối cùng tại Tòa án Hiến pháp về kiến nghị luận tội Tổng thống. |
Hôm qua (27/2), Tòa án Hiến pháp tại Seoul, Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần cuối cùng để xem xét kiến nghị của Quốc hội luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức quyền, theo Reuters.
Phiên điều trần cuối cùng
Tòa án Hiến pháp đang xem xét tính hợp pháp của việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống vào tháng 12 năm ngoái với cáo buộc Tổng thống Park thông đồng với bạn thân Choi Soon-sil gây áp lực buộc các tập đoàn lớn phải tài trợ cho hai quỹ phi lợi nhuận phi pháp. Phiên điều trần cuối cùng diễn ra không có sự tham gia của nhân vật chính - Tổng thống Park Geun-hye. Ông Lee Jong-hwan, cựu công tố viên, đại diện pháp lý của Tổng thống Park thay mặt và đọc thông báo của bà. Trong đó, một lần nữa, bà Park khẳng định, chưa bao giờ nhận bất cứ đề nghị bất hợp pháp nào từ Tập đoàn Samsung hoặc đưa ra những đòi hỏi sai trái đối với tập đoàn hàng đầu xứ sở kim chi.
Nhận định về động thái không xuất hiện trước tòa của bà Park, ông Robert Kelly, Trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc gia Busan cho rằng đây là quyết định đáng xấu hổ. “Bà Park vốn không có nhiều cơ hội để bào chữa. Đây đáng lẽ là cơ hội tốt để bà làm điều đó”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Kelly cho biết.
Ngoài ra, Ủy ban Điều tra đặc biệt về bê bối tham nhũng của Tổng thống Park chỉ trích, họ không thể thẩm vấn trực tiếp Tổng thống Park trong quá trình điều tra vụ việc. Người phát ngôn ủy ban, ông Lee Kyu-chul nói: “Rất đáng tiếc vì các công tố viên không thể thẩm vấn bà Park trực tiếp”. Thậm chí, ông này cho biết, “văn phòng bà Park cũng từ chối đề nghị quay video hoặc ghi âm bất cứ câu hỏi nào”.
Dù đã đến buổi điều trần cuối cùng nhưng đến nay, các nhà quan sát vẫn chưa thể nhận định chiều hướng phán quyết sẽ ra sao. Tuy Tòa không tuyên bố khi nào ra phán quyết nhưng theo thông lệ trước đây, quyết định có thể được công bố trong hai tuần kể từ phiên luận tội cuối cùng.
Để kiến nghị được thông qua, cần có ít nhất 6 thẩm phán đồng ý. Nếu như vậy, bà Park sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại phải rời vị trí khi chưa hết nhiệm kỳ; Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử sớm trong 60 ngày kể từ ngày ra phán quyết.
Chính trị rối ren
Cùng ngày 27/2, Hàn Quốc tiếp tục rơi sâu vào bê bối chính trị rối ren khi các đảng đối lập kêu gọi luận tội quyền Tổng thống, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn vì ông này từ chối mở rộng cuộc điều tra độc lập về cáo buộc tham nhũng liên quan tới Tổng thống Park.
Đảng Dân chủ (đảng đối lập chính), Đảng Nhân dân, Đảng Tư Pháp tuyên bố, cả ba sẽ phối hợp, yêu cầu lật đổ quyền Tổng thống Hwang. Còn Đảng Bareun dù bày tỏ thất vọng vì quyết định của ông Hwang nhưng cho rằng, hành động của ông không đến mức bị luận tội. Song, đảng này vẫn chấp nhận tiếp tục mở cuộc điều tra đặc biệt khác về cáo buộc tham nhũng của Tổng thống Park.
Ba đảng đối lập trên đang chiếm 166 ghế trên tổng số 300 ghế của Quốc hội, do đó theo nhiều chính trị gia, ba đảng này sẽ khó khăn để đảm bảo số phiếu tối thiểu tại Quốc hội cho phép luận tội quyền Tổng thống.
Dù vậy, người phát ngôn Đảng Đối lập cảnh báo, công chúng Hàn Quốc sẽ không ngồi yên trước quyết định của ông Hwang và nghi ngờ hành động của ông nhằm bồi đắp tham vọng tranh cử Tổng thống. Kể từ khi Quốc hội thông qua quyết định luận tội Tổng thống Park vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Hwang bất ngờ ngồi vào vị trí quyền Tổng thống và nhiều người coi ông là ứng viên Tổng thống tiềm năng dù ông Hwang luôn luôn phủ nhận. Đảng Nhân dân cũng ủng hộ quan điểm trên đồng thời chỉ trích ông Hwang muốn bảo vệ bà Park bất chấp lời kêu gọi điều tra kỹ lưỡng từ người dân.
Về phần mình, người phát ngôn của quyền Tổng thống Hwang bác bỏ: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, quyền Tổng thống quyết định, không mở rộng cuộc điều tra đặc biệt là điều tốt nhất để đất nước ổn định”. Đảng cầm quyền chỉ trích, kế hoạch luận tội quyền Tổng thống của các đảng đối lập là hành vi “vi hiến và phi lý”. Nghị sĩ Kim Sung-won thuộc đảng cầm quyền lập luận: “Ông Hwang đã gánh vác vấn đề quốc gia đại sự trong yên lặng mặc dù phải đối mặt với vô vàn thách thức. Ông đưa ra quyết định không mở rộng điều tra dựa trên thông báo của Ủy ban điều tra, dựa trên các nguyên tắc và luật pháp liên quan”.
Ông Kim kêu gọi: “Các đảng đối lập nên hợp tác để bình thường hoá vấn đề quốc gia và chấm dứt hành vi vi phạm Hiến pháp vì lợi ích chính trị của riêng đảng mình.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận