Pháp đình

Bê bối điểm thi Sơn La: Có xử lý được tội đưa hối lộ?

30/05/2019, 16:49

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định nếu chứng minh được các giao dịch tiền bạc để sửa điểm thi, hoàn toàn có thể xử lý tội đưa hối lộ.

img
Các bị can vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La khai nhận nhận hàng trăm triệu đồng để nâng điểm cho các thí sinh được "nhờ vả"

Liên quan đến vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, như Báo Giao thông đã đưa tin, tại cơ quan điều tra, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La, Đặng Hữu Thủy (cựu Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La) khai nhận đã nhận số tiền hàng trăm triệu đồng để giúp nâng điểm các thí sinh và nộp số tiền trên để làm tang vật vụ án. Tuy nhiên, những người mà các bị can này khai đưa tiền gồm: Trần Văn Diện, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Mai Hà, Nguyễn Thị Xuyên và Lò Thị Trường lại phủ nhận chuyện này.

Vậy, “có xử lý được người đưa hối lộ hay không?”. Đứng trên quan điểm một luật sư, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp đã cho biết, cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh số tiền đó là của ai, trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được mà không cần người đưa tiền phải thừa nhận. Còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

“Pháp luật quy định rất rõ là việc nhận tội của bị can, bị cáo không phải căn cứ duy nhất để kết tội. Bị can, bị cáo có quyền im lặng, không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Bởi vậy nếu đã thu được vật chứng, có lời khai của người nhận tiền phải có chứng cứ về việc giao dịch giữa hai bên thông qua điện thoại, tin nhắn hoặc ghi âm về nội dung đưa tiền để sửa điểm thì đủ căn cứ để xử lý về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ mà không cần người đưa tiền phải thừa nhận”, luật sư Cường nhận định.

img
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

Điều 15. Xác định sự thật của vụ án Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Điều 19. Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra: Cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này. Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Cũng theo luật sư Cường, về nguyên tắc, không được suy diễn chủ quan trong điều tra, không được kết tội khi chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, các chứng cứ khách quan thu thập được chứng minh có việc làm sai lệch kết quả thi, có sử dụng tiền bạc hoặc các lợi ích phi vật chất làm động cơ mục đích của việc thay đổi kết quả, có người được thay đổi kết quả thi như thu giữ được tiền bạc, vật chứng, thậm chí, nếu thu giữ được cả các hội thoại giữa các bên thông qua điện thoại hoặc tin nhắn, Zalo, Facebook ,...thì không có lý gì không xử lý về tội hối lộ và tội nhận hối lộ.

“Nếu không xử lý đúng người, đúng tội, không giải quyết triệt để vụ án này thì việc áp dụng pháp luật hình sự đối với các đối tượng vi phạm không đạt được mục đích mà luật đề ra, không đảm bảo nguyên tắc công bằng, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và không đủ sức răn đe đối với một số người có vị thế, có quyền lực trong xã hội. Họ sẵn sàng sử dụng quyền thế, tiền bạc để thao túng, làm lũng đoạn xã hội”, luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, số tiền đưa hối lộ là 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng hay bao nhiêu cũng không quan trọng vì dù là bao nhiêu thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Cần phải làm rõ hành vi đưa tiền, nhận tiền và động cơ mục đích của việc sửa điểm để xử lý nghiêm minh cả người đưa tiền và người nhận tiền đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chứ không thể giải thích rằng họ không thừa nhận thì không xử lý được.

“Nếu không xử lý về tội đưa hối lộ, nhận hối lộ thì số tiền mà cơ quan điều tra thu giữ được là tiền gì, động cơ mục đích của việc sửa điểm là gì ? Điều này rất khó lý giải để HĐXX kết tội các bị cáo khi tuyên án. Có thể không làm rõ tất cả các trường hợp nhưng không thể tất cả các trường hợp, hàng trăm trường hợp như vậy đều lọt lưới pháp luật

Bởi vậy, có thể Viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ trả lại hồ sơ để yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, làm rõ động cơ mục đích của hành vi phạm tội, làm rõ nguồn gốc của những số tiền đã thu giữ được khi các bị can nộp lại và làm rõ số người đưa tiền để xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.

Từ lời khai của các bị can, những người làm chứng, những người liên quan và những thông tin thu thập được như điện thoại, tin nhắn... thì không khó để đấu tranh xử lý đối với những người đã đưa tiền để sửa điểm cho con, cháu mình. Khi có đủ tài liệu, chứng cứ, căn cứ pháp lý vững chắc thì không cần đối tượng đưa tiền phải thừa nhận, cơ quan tố tụng vẫn có thể buộc tội trên cơ sở những chứng cứ vật chất đó. Còn khởi tố ai, khởi tố về tội gì thì phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể, chứng cứ cụ thể đối với từng trường hợp”, luật sư Cường cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.