Tâm sự

Bé gái ghép gan đầu tiên ở Việt Nam sắp thành dược sỹ

07/04/2017, 08:23

13 năm trước, ca ghép gan trải dài 16 tiếng của Diệp được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm...

38

Hai cha con Diệp trong lần tái khám gần nhất ở Bệnh viện Quân y 103

13 năm trước, ca ghép gan trải dài 16 tiếng của Diệp được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm vì đây là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Thoát khỏi “cửa tử” sau ca ghép gan lịch sử ấy, bé Diệp ngày nào giờ đã khôn lớn, chuẩn bị trở thành một nữ dược sỹ.

13 năm tái sinh thần kỳ từ gan của cha

Sáng sớm 3/4, anh Nguyễn Văn Phòng (SN 1972, quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) dắt tay con gái Nguyễn Thị Diệp (SN 1997) bước vào Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Quân y 103 để tái khám. Nở nụ cười đôn hậu, anh Phòng kể: “Tháng nào bố con tôi cũng lên Hà Nội để kiểm tra sức khỏe, có tháng khám hai lần. Các bác sỹ sẽ xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm... rồi kê đơn thuốc chống thải ghép, thuốc bổ gan cho Diệp”.

Tíu tít nói cười bên cha, Diệp trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 23 của mình. Trìu mến nhìn con, anh Phòng bảo: “Con bé phải uống thuốc hàng ngày, uống thuốc suốt đời, sức khỏe không thể như người bình thường, nhưng chưa bao giờ nó bi quan, than thở hay kêu ca mệt mỏi, đau đớn. Tính tình nó lúc nào cũng vui vẻ, hồn nhiên như thế”.

Theo anh Phòng, năm ngoái, Diệp đang ngồi học thì thấy người bị mệt, bác sỹ nói men gan tăng cao nên cho vào bệnh viện điều trị. Vào bệnh viện, em bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn tấn công vào nội tạng gây xuất huyết trong ồ ạt. “Máu cứ tiếp vào cơ thể lại thoát ra theo đường tiểu, đại tiện. Bác sỹ nói loại vi khuẩn đó tấn công người thường thì không nguy hiểm, nhưng như Diệp thì bị vi khuẩn tàn phá. Diệp phải nằm viện 6 tháng trời, người yêu con bé cũng lặng lẽ từ bỏ nó”, anh Phòng trầm giọng.

Thấy cha buồn, Diệp níu tay cha, lý lắc nói: “Bố đừng buồn, là duyên phận con chưa tới, con tin rồi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”. Rồi thoáng thấy bóng các y, bác sỹ quen trong bệnh viện, Diệp vui vẻ chạy lại chào hỏi và nhận được sự hỏi han ân cần của mọi người. Anh Phòng cho hay, từ 13 năm qua, Bệnh viện Quân y 103 đã trở thành ngôi nhà thứ hai của hai cha con. Bác sỹ Trần Văn Mạnh, PGS. TS., Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu, Học viện Quân y - người chịu trách nhiệm chính theo dõi, điều trị cho Diệp sau ca mổ đã nhận Diệp là con nuôi.

Được sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Quân y, Diệp đã nộp hồ sơ và đang hoàn thiện thủ tục để vào công tác tại bệnh viện. “Từ khi được cứu sống sau ca ghép gan 13 năm trước, em luôn mong sau này trở thành dược sĩ, được biết nhiều loại thuốc để chăm sóc tốt sức khỏe cho mình và cho mọi người. Mơ ước của em đã sắp thành hiện thực”, Diệp nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Vượt qua “cửa tử”

Nhìn cô gái trẻ xinh xắn, ánh mắt rạng rỡ khi nói về tương lai, khó tin rằng 13 năm trước, gia đình đã hết hy vọng về cơ hội được sống của em. Anh Phòng kể, khi sinh ra Diệp bụ bẫm như người bình thường, nhưng da vàng vọt, không lớn nổi. Đưa con lên Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu điều trị cả tháng, bệnh tình Diệp càng nặng hơn, ăn gì thì đại, tiểu tiện ra cái đó. Gia đình đưa Diệp lên Bệnh viện Nhi T.Ư, thì được chẩn đoán bị chứng teo đường mật bẩm sinh. Ba tháng tuổi, Diệp lên bàn mổ phẫu thuật mở đường mật. Nhưng sau phẫu thuật, Diệp bị biến chứng dẫn tới xơ gan.

Sáng 31/1/2004, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam cho bệnh nhi Nguyễn Thị Diệp được tiến hành tại khoa Phẫu thuật tạo hình Học viện Quân y 103, với sự giúp đỡ của bác sĩ người Nhật Masatoshi Makuuchi cùng ê-kíp 12 - 14 y, bác sĩ. Trải qua 16 giờ phẫu thuật, bệnh nhi Diệp được cứu sống nhờ lấy 33% gan của người bố đẻ. Chi phí của ca ghép gan này là 2,6 tỷ đồng.

“Từ đó, bụng con cứ to dần lên. Gia đình đưa con đi khắp các bệnh viện: Nhi, Bạch Mai, Việt Đức... nhưng lá gan của con đã xơ lại thành một cục nhỏ, thêm biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và liên tục chảy máu tiêu hoá. 10 tuổi, bụng Diệp căng như quả bóng, các bác sỹ nói, sự sống của con chỉ được tính bằng tháng...”, anh Phòng nhớ lại.

Đúng lúc gia đình đang ở giai đoạn bi quan nhất, Học viện Quân y quyết định chọn bé Diệp thực hiện ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam. Thời điểm đó, ghép gan còn là một khái niệm xa lạ, nên đoàn bác sỹ đến từ Nhật Bản, Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tìm về tận Hải Hậu, Nam Định để thuyết phục anh Phòng. Khi đoàn bác sỹ về Nam Định, bé Diệp cùng ông nội vừa rời Bệnh viện Nhi T.Ư sang Bệnh viện Việt Đức, nên anh Phòng mời đoàn bác sỹ ăn cơm, rồi anh đưa cả đoàn lên Hà Nội thăm bé Diệp.

Thời điểm đó, có 6 cặp được lựa chọn để thực hiện ghép gan, nhưng cuối cùng chỉ mình bố con anh Phòng giữ quyết tâm đến cùng, còn 5 cặp kia đều lần lượt bỏ cuộc. “Tết năm đó, bố con tôi ăn Tết tại Bệnh viện Quân y 103 để ăn kiêng, nằm phòng cách ly chờ đợi ghép gan. Đó là một cái Tết vừa nặng nề, có thể hai bố con sẽ chẳng có cơ hội trở về nhà, nhưng cũng là cái Tết cho chúng tôi le lói hy vọng duy nhất cứu sống con”, anh Phòng nhớ lại.

Ngày 31/1/2004, ca phẫu thuật đi vào kỷ lục ngành Y Việt Nam đã diễn ra trong 16 giờ, với sự trợ giúp của các y, bác sĩ Nhật Bản và chuyên gia Việt Nam. Từng diễn biến nhỏ của ca mổ và quá trình sau mổ được các phương tiện truyền thông theo sát, cập nhật thông tin từng giờ, bởi đây là ca ghép gan đầu tiên và cũng mở ra cơ hội cho ngành phẫu thuật Việt Nam. Sau ca mổ, anh Phòng hồi phục tốt, cơ thể Diệp thích nghi tốt với 33% lá gan của bố hiến tặng.

Sau 8 tháng nằm viện, bé Diệp đã hồi sinh, trở về nhà với cuộc sống đời thường. Sự kỳ diệu của y học cùng lá gan và tình yêu thương của người cha đã theo cơ thể của bé Diệp mà lớn lên, để hôm nay cháu sắp trở thành dược sỹ tại chính bệnh viện đã cứu sống, cưu mang suốt 13 năm qua.

Thiêng liêng tình phụ tử

Nếu như so với tuổi 23 của mình, Diệp khá trẻ thì so với tuổi 45 của mình, anh Phòng lại khá già. 23 năm qua, từ ngày bé Diệp chào đời, anh là trụ cột gia đình, là người theo sát từng lần đi viện, quá trình học tập của con. Dường như những vất vả mưu sinh, kiếm tiền điều trị và chăm sóc cho con gái khiến người đàn ông ấy không còn được trẻ, khỏe như nhiều người cha khác. Thế nhưng ánh mắt anh luôn rạng ngời hạnh phúc khi nhìn con gái vẫn khỏe mạnh, trưởng thành và ngày càng khôn lớn.

“Từ khi sinh ra cho đến khi 10 tuổi, trước thời điểm thay gan, Diệp lúc nào cũng ở bệnh viện. Suốt 10 năm đó, tiền điều trị, thuốc thang không biết bao nhiêu mà kể, gia đình tôi “sức cùng lực kiệt”. May mắn giai đoạn đó, ông nội Diệp còn khỏe mạnh. Ông là người ở bệnh viện với cháu, còn vợ chồng tôi ở nhà làm thuê cuốc mướn, vay mượn khắp nơi để gửi tiền lên Hà Nội cho con chữa bệnh. Chỉ đến khi Diệp ghép gan xong, gánh nặng mới vơi bớt”, anh Phòng cho hay.

Kể về thời điểm quyết định tặng gan cho con, anh Phòng nói: “Cả tôi và ông nội Diệp đều xung phong xin cho gan và các bác sỹ đã chọn tôi. Nhưng thời điểm ấy, nhiều người cũng khuyên can, nói đằng nào bé Diệp cũng thế rồi, không biết ghép gan thì có cứu được cháu không, trong khi người cho gan thì cũng có thể bị nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe... Nhưng tôi đã quyết tâm, có một cơ hội để cứu con, dù đánh đổi mạng sống của mình, tôi cũng không hối tiếc”, anh Phòng tâm sự.

Theo lời kể của anh Phòng thì sau khi thay toàn bộ gan, sức khỏe của Diệp tiến triển rất tốt. Cháu khỏe mạnh và đi học bình thường. Tuy nhiên, Diệp là người phải chăm sóc đặc biệt, nên cả gia đình đều dồn tất cả tình thương yêu cho cô bé, và anh Phòng vẫn là người theo sát từng bước đi của con, nhất là sau khi ông nội Diệp mất đi. “Chúng tôi không dám cho cháu ở một mình, vì hệ miễn dịch của cháu không như người bình thường, trời rét phải giữ gìn cẩn thận, đi học mà trời đang nắng gặp mưa là ốm ngay hoặc nắng mà gặp rét cũng ốm”, anh Phòng chia sẻ.

Sau khi học hết cấp ba, Diệp đỗ vào trường Trung cấp Quân y (nay là trường Cao đẳng Quân y 1), ở Sơn Tây, Hà Nội. Suốt thời gian con đi học, hàng tháng, anh Phòng lại khăn gói lên thăm con 2-3 lần. Có khi vừa lên thăm con về đến nhà, Diệp gọi điện kêu mệt, anh lại hối hả quay lên Hà Nội. Chưa kể tháng nào, anh cũng vòng lên Sơn Tây đón Diệp xuống Bệnh viện Quân y 103 tái khám cho cả hai bố con, loay hoay chờ xét nghiệm, mang đơn đi gặp bác sĩ kê thuốc, rồi đưa con về trường.

Cho con 1/3 lá gan, những năm gần đây, sức khỏe anh Phòng cũng giảm sút, khiến cảnh nhà càng thêm khó khăn. Dưới Diệp còn 2 em trai, một đang học trung cấp điện ở Bắc Ninh, một lên lớp 6. Mẹ Diệp ngoài cấy 3 sào lúa còn thuê thêm 4 sào để tăng gia, nuôi gà, lợn để có tiền nuôi các con. “Thuốc chống thải ghép em được tài trợ đến năm 19 tuổi. Hàng ngày ngoài thuốc chống thải ghép, em phải uống thuốc sắt, thuốc bổ thần kinh. Cũng may là em có bảo hiểm y tế người nghèo nên đỡ chi phí rất nhiều, nhưng chi phí ăn học, đi lại... thì bố mẹ vẫn phải gồng gánh cho em. Em mong sớm được đi làm để đỡ đần bố mẹ”, Diệp tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.