Bè nuôi cá không phép “đe dọa” nguồn nước sạch cấp cho toàn TP Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Hùng
Cả thành phố uống nước sạch từ nguồn nước nuôi cá
Theo phản ánh của Công ty CP cấp nước và phát triển Đô thị Đắk Nông, thời gian qua trên mặt hồ thủy điện Đắk R’tih (thuộc thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) xuất hiện nhiều cá nhân hoạt động nuôi cá lồng bè gây ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, hoạt động nuôi cá khiến cho lượng thức ăn dư thừa hoặc xác cá chết, lượng thuốc điều trị bệnh cho cá, hoạt động sinh hoạt, vệ sinh của những người nuôi cá từ phía thượng chảy về trạm bơm gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sạch cấp cho người dân toàn TP Gia Nghĩa.
Bè nuôi cá không phép “đe dọa” nguồn nước sạch cấp cho toàn TP Gia Nghĩa, Đắk Nông.
Theo quan sát của PV, vị trí phản ánh thuộc lòng hồ số 1 của thủy điện Đắk R’tih về phía thượng nguồn, cách trạm bơm nước khoảng 1,5km. Tại đây, có 10 bè cá với khoảng 80 lồng nuôi cá nằm san sát nhau trên mặt hồ.
Theo tìm hiểu, mỗi ngày có hàng chục tấn cám thả xuống làm thức ăn cho cá khiến không ít lượng cám dư thừa hòa tan trong nước trôi về trạm bơm ở phía hạ lưu. Ngoài ra, chưa kể các loại thuốc trị bệnh cho cá, phân cá, cá chết… khiến nguồn nước bị hôi tanh, ô nhiễm.
Ông Nguyễn Công, Giám đốc Công ty CP cấp nước và phát triển Đô thị Đắk Nông cho biết: “Nhà máy nước hoạt động năm 2013, lấy nước từ thủy điện Đắk R’tih cấp cho toàn bộ TP Gia Nghĩa. Nhà máy có công suất 12.000m3/1 ngày, hiện nay mỗi ngày nhà máy cấp 7.000m3 nước cho người dân thành phố sử dụng. Thời gian qua, xuất hiện 10 bè cá nuôi ở phía thượng nguồn gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sạch. Mỗi khi phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm, nhà máy đều phát công văn kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xử lý nhưng đến nay các lồng cá vẫn tồn tại gây ô nhiễm”.
“Trên cả nước, không ai cho phép cho nuôi bè cá ở đầu nguồn nước sạch, chỉ cho phép nuôi ở hạ lưu, cách xa trạm bơm. Hiện nay, 10 bè cá hoạt động như vậy gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt về mùa khô, nguồn nước ít, lượng cám nuôi cá, phân cá, cá chết, chảy về trạm bơm gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho TP Gia Nghĩa. Nước bị ô nhiễm, nhà máy có thể gồng mình lên thay đổi công nghệ để xử lý, vẫn đảm bảo tiêu chuẩn để bán được nhưng chất lượng kém hơn”, ông Công khẳng định.
Toàn bộ các bè cá chưa được cấp phép
Toàn bộ bè cá nằm ở thượng lưu, cách trạm bơm nước cấp cho TP Gia Nghĩa khoảng 1,5km. Ảnh: Ngọc Hùng
Bà Phạm Thị Ánh, Trưởng phòng tổ chức Công ty Thủy điện Đắk R’Tih cho biết: “Chúng tôi được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê mặt nước để phát điện, còn các bè cá chúng tôi không quản lý. Trước đây, người dân nuôi cá ngay cống xả rất nhiều nhưng sau đó đã chuyển về phía hạ lưu, không ảnh hưởng đến cấp nước của thành phố.
Đối với thông tin phản ánh trên, vị trí nuôi cá thuộc lòng hồ số 1, trạm bơm nằm ở lòng hồ số 3 sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sạch. Đây là thượng nguồn, cấp nước cho nhà máy nước, nếu nguồn nước bị ảnh hưởng, thì phải xử lý. Chúng tôi mong nếu tỉnh xử lý được thì xử lý dứt điểm, xóa bỏ các bè cá, khỏi ảnh hưởng đến nguồn nước”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Văn Dũng, Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công thương khẳng định: "Mặt nước trong phạm vi bảo vệ lòng hồ của thủy điện Đắk Tih, do Sở Công thương quản lý. Theo quy định, bất cứ hoạt động nào trong phạm vi bảo vệ lòng hồ đều phải được cấp phép. Qua kiểm tra, tất cả các bè cá trên mặt hồ thủy điện Đắk Tít chưa được cấp phép hoạt động, nuôi trồng thủy sản”.
Theo lãnh đạo Công ty CP cấp nước và phát triển Đô thị Đắk Nông, hoạt động nuôi cá ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sạch cấp cho TP Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo ông Dũng, vừa qua Sở Công thương đã có văn bản gửi cho các đơn vị thủy điện, các chủ hồ đập đề nghị rà soát tất cả các hoạt động trong phạm vi bảo vệ lòng hồ, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở Công thương có quyết định đi kiểm tra công tác chuẩn bị trong mùa mưa bảo nhưng do tình hình dịch bệnh nên tạm hoãn. Sau đó, Sở đã ban hành văn bản yêu cầu các thủy điện, chủ hồ đập rà soát, công tác chuẩn bị trong mùa mưa bão, có cả việc rà soát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ lòng hồ.
“Toàn bộ các bè nuôi cá trên là tự phát, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, thành lập đoàn kiểm tra, nếu những lòng bè nuôi cá ảnh hưởng đến nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố, không đảm bảo thì không được hoạt động trên khu vực đó. Chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân di chuyển bè cá ra vị trí khác để không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, cũng như đảm bảo an toàn của hồ đập thủy điện. Đồng thời, sẽ hướng dẫn các trình tự thủ tục, hồ sơ để người dân hoạt động đảm bảo theo quy định của pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận