Doanh nghiệp chưa thoát đáy khó khăn
Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực quan trọng của Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đơn hàng ngành dệt may khá dồi dào, đơn giá đã tăng dần. Song, ông lại cho rằng, mục tiêu 44 tỷ USD xuất khẩu năm nay khó đạt được.
Nguyên nhân là do ngành này đang gặp thách thức lớn trong vấn đề tuyển dụng lao động, chất lượng lao động trong lĩnh vực dệt, sợi.
Theo ông Cẩm, người lao động chủ yếu thuê nhà, con cái gửi ở quên, nên nếu có vấn đề gì, họ chuyển dịch rất nhanh, nên ngành này luôn bị động trong tuyển dụng.
Với ngành điện, điện tử, dù là điểm sáng trong xuất khẩu với trị giá 39,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, xuất siêu 5 tỷ USD, nhưng bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) trăn trở trước thực tế, các doanh nghiệp điện tử của Việt Nam có đơn hàng gia công truyền thống bị giảm từ 50-80%, có doanh nghiệp phải đóng cửa bộ phận sản xuất họ đã có đơn hàng gia công trong 5-7 năm qua.
Theo bà Hương, doanh nghiệp điện tử Việt tham gia vào chuỗi cung ứng rất khó khăn, do máy móc, công nghệ yếu. Doanh nghiệp FDI trong chuỗi thường được ưu tiên hơn.
Với tiềm năng công nghiệp bán dẫn, bà Hương đề xuất cần có chương trình đào tạo nâng cấp lao động trong ngành điện tử để tiếp cận với công nghiệp bán dẫn.
Một số doanh nghiệp khác cho biết, kinh tế khó khăn nên cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Họ đang phải đối diện với những quyết định sống còn. Ông Trần Đức Hoàn, Giám đốc Công ty Đầu tư & Sản xuất Thái Hưng cho biết, khi các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất đồng nghĩa số lượng đầu việc, đơn hàng của các doanh nghiệp cung ứng trong lĩnh vực bao bì sẽ gia tăng.
Thế nhưng, không như trước đây, việc ký kết hợp đồng cứ "auto" thực hiện, thì nay có nhiều đối tác sẵn sàng giảm giá hay giãn thời gian thanh toán khiến các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh để vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Điều này làm tăng chi phí, thậm chí có doanh nghiệp không trụ được…", ông Hoàn nói.
Cần "cải tiến" gói hỗ trợ 2%
Vì thế, ông Hoàn cho rằng, doanh nghiệp vẫn rất cần trợ lực từ gói phục hồi kinh tế, cần thiết nhất là gói hoãn, giảm thuế; hoặc gói hỗ trợ lãi suất thấp…
Đại diện Hiệp hội dệt may cũng kiến nghị triển khai hiệu quả gói 120.000 tỷ đồng cho người lao động vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đồng thời, kiến nghị dành khoản tiền 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp sau Covid-19 của Chương trình phục hồi cho các doanh nghiệp vay chuyển đổi xanh. Tức là, cần phải "cải tiến" để doanh nghiệp tiếp cận được.
Nhiều doanh nghiệp được hỏi đều mong muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Gói này được quốc hội thông qua vào tháng 1/2022, quy mô tối đa 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, đến hết năm ngoái, các ngân hàng mới chỉ giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương hơn 3% gói hỗ trợ. Vì thế, Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn triển khai chính sách đến hết năm 2024.
Nguyên nhân số vốn giải ngân thấp, Chính phủ cho rằng, có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, mặc dù có những doanh nghiệp đủ điều kiện.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam nhận định, để giải ngân được gói 2% thì cần dựa trên những nguyên tắc của thị trường và chuyển hóa nó thành giao dịch hoàn toàn mang tính chất thương mại.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chúng ta cần thiết kế lại gói này làm sao để không thất thoát vốn nhà nước nhưng khuyến khích được doanh nghiệp tham gia.
Theo vị chuyên gia, với khó khăn hiện nay và kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ khác thì nên chuyển đổi bằng hình thức tiền mặt để doanh nghiệp có thể tiếp cận kịp thời trên cơ sở đưa ra các tiêu chí.
Tại nghị trường Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần xem lại phương thức các chính sách hỗ trợ sau này. Theo ông, ở nhiều nước, người dân được hỗ trợ tiền mặt, 1.500-2.000 USD, nên kích thích tiêu dùng, nền kinh tế.
Trong khi đó, chúng ta hỗ trợ thông qua chính sách, nên phải có thủ tục, văn bản hướng dẫn, rồi giám sát. Việc này làm giảm tính thời sự, hỗ trợ không còn hiệu quả.
Ông cũng nhấn mạnh cần sự đơn giản hóa thủ tục, bởi chính sách đưa ra trong tình huống đặc biệt thì cần thủ tục, quy trình đặc biệt, còn làm như thông thường sẽ hết giờ, cái gì cũng phải xin cơ chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận