Anh Quang thất thần sau nỗi đau mất con
Gia đình bé trai 9 tháng tuổi cho rằng, cháu bị đánh dẫn tới tử vong và vụ việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng” khi cơ quan CSĐT đã đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, Công an huyện Thanh Trì khẳng định, mọi việc vẫn đang thực hiện đúng trình tự pháp luật.
Nhận tin dữ sau ít giờ gửi con
Sau hơn 6 tháng mất đi con trai út Phạm Đức Ph. (9 tháng tuổi), anh Phạm Thanh Quang (SN 1982, hiện ở tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và vợ vẫn như người thất thần. Bé Ph. có chị gái hiện 6 tuổi, đến giờ cô bé vẫn thi thoảng khóc đòi em.
Gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Báo Giao thông, anh Phạm Thanh Quang cho biết, cháu Ph. sinh tháng 3/2020, đến ngày 9/12/2020, khi cháu được 9 tháng tuổi, gia đình anh xin gửi cháu vào lớp trông trẻ của bà Hoàng Trà M. ở khu tập thể Yên Ngưu, ở thị trấn Văn Điển với số tiền 4 triệu đồng/tháng.
“Sáng 31/12/2020, gia đình đưa cháu Ph. đến nhà trẻ bà M. trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh, hoạt bát. Đến 8h sáng cùng ngày, gia đình nhận được tin cháu Ph. đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì. Tôi vội chạy đến bệnh viện, lúc đó khoảng 8h30, tôi thấy cháu Ph. nằm một mình trên giường cấp cứu, hôn mê sâu không biết gì cả”, anh Quang kể lại.
Theo lời anh Quang, do cháu Ph. hôn mê sâu, nên Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì chuyển cháu Ph. lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, cháu Ph. được đi chụp X-quang não, kết quả cháu bị tụ máu cấp dưới màng cứng não.
Anh Quang cũng khẳng định, anh nhìn thấy những vết bầm tím trên đầu con. Đồng thời, anh Quang cũng cung cấp bản trích lục hồ sơ bệnh án của cháu Ph. cho thấy cháu bị tụ máu cấp dưới màng cứng não.
“12h trưa 31/12, cháu được đưa vào phòng mổ não. Đến 16h cùng ngày, các bác sĩ thông báo con tôi đã tử vong”, anh Quang nghẹn lời.
Vì sao đình chỉ điều tra vụ án?
Anh Quang không đồng tình với lời khai của bà M. cho rằng cháu Ph. ăn cháo bị sặc dẫn đến tử vong. Gia đình anh Quang nghi ngờ bé Ph. bị đánh ở nơi trông trẻ dẫn tới tụ máu dưới màng cứng não và tử vong. Vì vậy, gia đình anh đã có đơn đề nghị Công an huyện Thanh Trì điều tra, làm rõ.
Thế nhưng, hơn 6 tháng sau khi vụ việc xảy ra, gia đình anh Quang bàng hoàng khi biết tin vụ án đã được đình chỉ điều tra. “Gia đình mong muốn tìm lại sự công bằng, người gây ra cái chết cho cháu phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tại sao lại đình chỉ vụ án, để vụ án “chìm xuồng” thế này?”, anh Quang bức xúc.
Làm việc với PV Báo Giao thông, đại diện cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) khẳng định, về vụ việc bé Ph. tử vong, hiện tất cả các biện pháp điều tra đã và đang được tiến hành, thực hiện đúng quy định. Đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nên chưa thể cung cấp các thông tin liên quan.
Về việc người nhà bé Ph. cho rằng vụ việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng”, đã đình chỉ điều tra, đại diện cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì giải thích: Theo quy định của pháp luật, hồ sơ theo tin báo thì đối với những vụ việc đơn giản sẽ giải quyết trong 20 ngày, nếu hết 20 ngày mà không giải quyết được thì vụ việc có thể kéo dài 2 tháng. Đối với vụ việc có yếu tố phức tạp nữa, được gia hạn 1 lần 2 tháng nữa là 4 tháng.
Sau khi hết thời gian này, cơ quan CSĐT ra một số quy định, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án, nếu chưa đủ căn cứ thì không khởi tố vụ án và cũng có thể tạm đình chỉ vụ án để xác minh giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm.
“Khi có kết quả giám định lần 1 của cơ quan chức năng, gia đình cháu Phúc không đồng ý. Vì vậy, cơ quan CSĐT đã giải thích cho gia đình, đồng thời lại tiếp tục trưng cầu giám định tại Viện Pháp y quốc gia nhưng đến nay chưa có kết quả.
Do đã hết thời gian 4 tháng, cơ quan CSĐT chưa nhận được kết quả giám định của cháu, vì vậy tạm đình chỉ vụ án”, đại diện cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì cho biết.
Vị đại diện cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì cũng giải thích, sau khi có kết quả giám định tại Viện Pháp y quốc gia, cơ quan CSĐT sẽ khôi phục vụ án, xử lý theo quy định. Còn trường hợp gia đình vẫn không đồng ý, có thể mời cơ quan giám định khác.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi xảy ra một vụ việc liên quan đến tính mạng của con người, thì cơ quan chức năng phải tiến hành mổ tử thi, giám định pháp y để xác định nguyên nhân tử vong. Về việc quá 4 tháng, khi chờ kết quả giám định mà chưa có, cơ quan CSĐT có thể tạm đình chỉ vụ án là đúng với quy định của pháp luật.
Còn về thời gian tạm đình chỉ vụ án, hiện quy định pháp luật không tính thời gian bao lâu. Vì vậy gia đình phải chờ kết quả giám định để cơ quan chức năng có cơ sở khôi phục điều tra vụ án. Trường hợp khi có kết quả giám định mà gia đình vẫn cảm thấy chưa khách quan, không đúng sự thật thì gia đình có thể đề nghị thay đổi giám định viên hoặc có thể thay đổi cơ quan giám định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận