Theo hãng tin RT, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Putin tại Minsk, Belarus ngày 24/5, ông Lukashenko nhấn mạnh: "Theo quan điểm cá nhân, chứ không phải tư cách một Tổng thống, tôi cho rằng chính quan điểm (trừng phạt - PV) của Mỹ đã gây ra thảm kịch đó".
Lý giải thêm, Tổng thống Belarus cho rằng Mỹ không có quyền áp các lệnh trừng phạt lên tàu thuyền, máy bay, trực thăng chuyên chở người và họ đã cấm cả các công ty cung cấp dịch vụ bảo trì trực thăng của Tổng thống Raisi, do đó vụ tai nạn cũng là lỗi của họ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra, hai chiếc trực thăng còn lại tháp tùng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong chuyến bay nói trên do Nga chế tạo lại bay về an toàn.
"Trong cùng một điều kiện, cùng lộ trình bay, những chiếc trực thăng do Nga chế tạo không hề gặp khó khăn", ông Putin nêu rõ.
Cho đến thời điểm này, Iran mới chỉ đưa ra báo cáo sơ bộ về nguyên nhân vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5 khiến Tổng thống Ebrahim Raisi cùng một số quan chức cấp cao Iran thiệt mạng. Theo đó, không có dấu hiệu nào bất thường trong chuyến bay. Chiếc máy bay không bay chệch hướng, không có đạn hoặc mảnh vỏ đạn được phát hiện tại hiện trường vụ tai nạn.
Trước đó, cựu Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng cáo buộc: "Một trong những nguyên nhân gây ra thảm kịch đau lòng này xuất phát từ Mỹ. Các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành hàng không Iran đã khiến Tổng thống Iran và các quan chức dưới quyền thiệt mạng".
Đáp lại, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng, những cáo buộc nhằm vào Mỹ trong vụ việc này là hoàn toàn vô căn cứ. Ông Kirby nhấn mạnh, Mỹ chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn và truyền thông Iran cũng đề cập tới điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sương mù dày đặc vào thời điểm xảy ra tai nạn.
"Quan chức Iran chỉ ra việc chiếc trực thăng bay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là sương mù có thể là nguyên nhân của vụ tai nạn. Bất kỳ quốc gia nào, dù có là ai đi chăng nữa, cũng phải tự chịu trách nhiệm về việc đảm bảo độ an toàn và tin cậy của các thiết bị bay, bao gồm cả ngành hàng không dân dụng".
Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi gặp nạn là dòng Bell 212 do Mỹ chế tạo từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Do chịu tác động từ các lệnh cấm vận của Mỹ, Iran hầu như không có các bộ phận linh kiện để thay thế.
Là một chiếc máy bay đa dụng, trực thăng Bell 212 có thể chở người, triển khai phòng cháy chữa cháy trên không, chở hàng hóa và lắp đặt vũ khí chiến đấu. Chiếc máy bay trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Iran Raisi có thể chở tối đa 15 người bao gồm cả các thành viên phi hành đoàn.
Vụ tai nạn ngày 20/5 là sự cố nghiêm trọng thứ 2 liên quan đến dòng Bell 212. Trước đó, vào tháng 9/2023, một chiếc trực thăng tư nhân loại này đã rơi ngoài khơi Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. Trong khi đó, vụ rơi máy bay trực thăng gần nhất liên quan đến Iran diễn ra vào năm 2018, khiến 4 người thiệt mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận