Sự xuất hiện hiếm có
Theo hãng tin Reuters, báo giới có mặt tại sự kiện đã ghi nhận hình ảnh chiếc vali hạt nhân trong lúc quay cảnh ông Putin cùng các sĩ quan Hải quân Nga di chuyển từ hội trường nơi diễn ra cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một cuộc họp khác.
Hai sĩ quan Hải quân Nga tháp tùng Tổng thống đã mang theo mỗi người một chiếc vali và theo hãng tin Reuters, chiếc vali màu đen, viền bạc, kích thước lớn hơn đáng kể so với các vali mà những trợ lý khác của ông Putin mang theo chính là vali hạt nhân Nga.
Chiếc vali được biết với cái tên "Chege" (tên của Núi Cheget ở Dãy núi Caucasus) luôn ở bên cạnh Tổng thống Nga nhưng được bảo vệ bí mật hiếm khi được báo giới bắt gặp như vậy.
Sự xuất hiện hiếm hoi này diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về hạt nhân gia tăng. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy căng thẳng giữa Moscow và Washington lên mức cao nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Chỉ cách đây ít ngày, Quốc hội Nga đã thực hiện bước đầu tiên trong quy trình để hướng tới hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện.
Nhà lập pháp hàng đầu của Nga cảnh báo Mỹ rằng Moscow có thể từ bỏ hoàn toàn hiệp ước này.
Video vali hạt nhân của Tổng thống Nga xuất hiện khi ông có chuyến thăm Trung Quốc:
Vali hạt nhân của Nga hoạt động như thế nào?
Về cơ bản, vali hạt nhân là một công cụ liên lạc an toàn giúp kết nối tổng thống với các cấp chỉ huy quân sự hàng đầu và từ đó liên lạc với lực lượng tên lửa thông qua mạng chỉ huy và kiểm soát điện tử cực kỳ bí mật "Kazbek".
Kazbek hỗ trợ một hệ thống khác được gọi là "Kavkaz".
Ngoài Tổng thống Nga, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng mỗi người đều có một chiếc cặp và ba người có nhiệm vụ phối hợp trong trường hợp phải ra lệnh tấn công.
Theo phim tài liệu của kênh truyền hình Zvezda (Nga) phát sóng năm 2019, chiếc cặp được kích hoạt bằng một thẻ đặc biệt và bên trong chiếc vali này có rất nhiều nút bấm.
Trong phần được gọi là "lệnh" có hai nút: nút "khởi động" màu trắng và nút "hủy" màu đỏ.
Theo một bài viết vào năm 1998, tờ The Washington Post cho biết, chiếc cặp là "sản phẩm của giai đoạn căng thẳng cuối Chiến tranh Lạnh, vào đầu những năm 1980, các nhà lãnh đạo Liên Xô lo ngại châu Âu thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ nên họ cần một hệ thống chỉ huy từ xa để giảm thời gian phản ứng".
Những chiếc cặp này lần đầu tiên được đưa vào sử dụng là thời Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô Mikhail Gorbachev nhậm chức (1990-1991). Đến năm 1995, vali được chuyển giao sang Tổng thống Nga Boris Yeltsin kế nhiệm.
Nếu Tổng thống quyết định phát động một cuộc tấn công hạt nhân, mệnh lệnh sẽ đi từ vali hạt nhân đến thiết bị tiếp nhận gọi là Baksan, đặt tại sở chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng, lực lượng tên lửa, hải quân và không quân thông qua mạng lưới thông tin liên lạc được gọi là Kazbek.
Trung tâm Kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, trường hợp đầu tiên và duy nhất chiếc cặp hạt nhân được mở ra là trong cuộc khủng hoảng vào năm 1995.
Theo trung tâm này, ngày 25/1/1995, các sĩ quan Nga tại Trạm Radar Olenegorsk ở khu vực Tây Bắc nước Nga đã phát hiện ra vụ phóng một tên lửa ngoài khơi bờ biển phía Bắc Na Uy và hiểu nhầm đây là tên lửa thù địch của Mỹ.
Trên thực tế, đó là tên lửa nghiên cứu hàng không Black Brant XII được sử dụng để nghiên cứu hiện tượng Ánh sáng phương Bắc.
Mặc dù dự án chung giữa Mỹ - Na Uy đã được công bố trước đó nhưng Nga không biết và đã đặt các lực lượng chiến lược trong tình trạng cảnh giác cao độ. Đây là lúc các lãnh đạo nhận chiếc cặp và tổ chức ứng phó.
Thời gian để Moscow đưa ra quyết định không nhiều. Điện Kremlin đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Grachev, cựu Tổng tham mưu trưởng Mikhail Kolsnikov và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin mỗi người đều có một vali hạt nhân và cả ba chiếc đều đã kích hoạt ở trạng thái chờ bấm nút.
Trong 4-5 phút đầy căng thẳng, các lãnh đạo của Nga đã chăm chú theo dõi đường bay của tên lửa Na Uy và "cân não" xem có nên tấn công Mỹ hay không.
Quân đội nước này nhận được mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu và lực lượng tên lửa chiến lược Nga được chỉ thị chuẩn bị đón nhận mệnh lệnh tiếp theo là thực hiện lệnh bắn.
Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, mọi công tác tổ chức tác chiến sẵn sàng thì ban lãnh đạo Nga nhận được thông tin tên lửa đã lao xuống biển và không cần phải dùng đến vali hạt nhân.
Về sau, Nga mới nắm được thông tin rằng đó là tên lửa mang vệ tinh khí tượng của Na Uy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận