Sau 12 tiếng, máy bay sẽ tới sân bay Bata (Guinea Xích đạo), đón 219 người Việt tại đây, trong đó có 129 người đang bị nhiễm Covid-19.
Máy bay sẽ lưu lại sân bay khoảng 2 tiếng để đón khách, sau đó sẽ quay đầu cất cách khứ hồi vào 16h ngày 28/7 (giờ địa phương). Chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 11h ngày 29/7 (giờ Hà Nội).
Phi hành đoàn thực hiện chuyến bay có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Chỉ huy chuyến bay đặc biệt này là Cơ trưởng Phạm Đình Hưng - giáo viên, Phó đội trưởng Đội bay Airbus 350.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong số 219 người Việt đón về từ Guinea Xích đạo thì có 129 người đã nhiễm Covid-19. Do đó, chuyến bay được thực hiện theo quy trình đặc biệt nhất từ trước đến nay, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đối với phi hành đoàn và đội ngũ phục vụ chuyến bay là rất cao.
100 bộ đồ bảo hộ tiêu chuẩn cao nhất đã được cấp phát cho các thành viên phi hành đoàn. 300 khẩu trang N95 cũng đã sẵn sàng để cung cấp cho các hành khách trên chuyến bay. Ngoài ra, các hành khách cũng sẽ được cấp các bộ đồ bảo hộ như các chuyến bay giải cứu khác.
Toàn bộ khoang khách sẽ được chia làm 3 khu vực, ngăn cách bằng các tấm nhựa dẻo PVC. Trong đó khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch” và được lắp máy lọc không khí đặc chủng của Bộ Y tế. Đây cũng là nơi các y, bác sĩ và thành viên tổ bay ngồi trong suốt chuyến bay.
Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm” cũng được trang bị máy lọc này. Các thiết bị y tế mang theo dự kiến sẽ đặt tại đây.
Riêng khoang hạng phổ thông sẽ được chia làm 2. Phần phía trên sẽ dành cho các hành khách được xác định âm tính trong khi phần dưới sẽ để phục vụ các hành khách dương tính với Covid-19.
Cáng y tế cũng sẽ được lắp trên máy bay dự phòng trường hợp cấp cứu bệnh nhân nếu có những tình huống khẩn cấp phát sinh.
Trước đó, Bộ GTVT vừa có văn bản hoả tốc gửi các Bộ Ngoại giao, Y tế, LĐ,TB&XH về kế hoạch bay đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Hiên tại, Vietnam Airlines cho biết đã xây dựng 4 phương án kế hoạch bay và hiện đang chờ đối tác cung cấp dịch vụ xác nhận về khả năng đáp ứng khai thác tàu bay.
Cụ thể, phương án 1, sẽ sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Hà Nội. Vấn đề khó khăn về kỹ thuật là sân bay Bata hiện thông báo không có khả năng cung ứng nhiên liệu cho đến 10/8/2020. Ngoài ra, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8 đủ điều kiện khai thác đối với tàu A350.
Phương án 2, sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Malabo - Hà Nội. Phương án này áp dụng khi sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu. Đối với phương án này, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa như phương án 1 và xin phép bay chặng nội địa Bata - Malabo.
Phương án 3, sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Malabo - Hà Nội. Phương án này được áp dụng trong trường hợp sân bay Bata không thể đáp ứng yêu cầu bổ sung xe cứu hỏa. Đối với phương án này, cần thực hiện việc di chuyển, tập kết hành khách từ nơi ở đến sân bay Malabo.
Phương án 4: sử dụng 2 tàu bay A321, trong đó 1 tàu chở khách dương tính với Covid-19 (khoảng 120 khách), 1 tàu chở khách bình thường (khoảng 10 khách), hành trình Hà Nội - Dubai (UAE) - Bata - Jeddah ( Ả-rập Xê út) – Ahnedabad (Ấn Độ) - Hà Nội.
Phương án này thuận lợi cho công tác chống lây nhiễm trên tàu bay, tuy nhiên dự báo sẽ gặp các khó khăn như việc xin cấp phép bay của các nước đối với các chuyến bay chở người bệnh; thời gian bay dài, nhiều điểm cất hạ cánh, điều kiện nghỉ ngơi của tiếp viên không đủ tiêu chuẩn; sân bay Bata phải đủ khả năng cung cấp nhiên liệu và bổ sung xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 6 phục vụ khai thác tàu bay A321.
Liên quan đến việc tổ chức chuyến bay, Bộ GTVT cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngành hàng không tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể về cấp phép bay cũng như giảm các chi phí dịch vụ, đồng thời liên hệ đề nghị nhà chức trách hàng không các nước đối tác hỗ trợ về thủ tục cấp phép.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc tổ chức chuyến bay, công tác an toàn hàng không cũng như phòng chống dịch, Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước đề nghị chính quyền sở tại sớm cấp phép bay cho các chuyến bay nhân đạo, đồng thời phối hợp với Bộ LĐ, TB&XH tập hợp hành khách lên tàu bay vào thời gian và địa điểm thống nhất; Làm việc với gia đình các bệnh nhân để thống nhất phương án xử lý tình huống phát sinh liên quan đến sức khỏe bệnh nhân trên chuyến bay.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn điều kiện sức khỏe của hành khách tham gia chuyển bay; xây dựng kịch bản, yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch trên tàu bay và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với hành khách trên chuyến bay; Cử đủ bác sỹ, nhân viên y tế có chuyên môn đi cùng chuyến bay, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người bệnh; Cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết cho toàn bộ phi hành đoàn và hành khách; Bố trị bệnh viện tiếp nhận người bệnh và hành khách cách ly sau khi kết thúc chuyến bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận