360 độ thể thao

Bên trong “thiên đường” bia rượu ở Qatar

Xuyên suốt World Cup 2022 kéo dài 1 tháng tại Qatar, không có vụ ẩu đả nào trên khán đài. Những cổ động viên vẫn cầm cốc giấy đựng bia vào sân.

Trưởng Ban Tổ chức World Cup 2022 Nasser Al Khater của chủ nhà Qatar từng nói: “Rượu bia không phải là văn hóa ở đất nước chúng tôi”. Nhưng bằng cách nào đó, những thiên đường bia rượu vẫn hiện diện đâu đó ở quốc gia đầy nghiêm khắc này.

World Cup… 0 độ

Năm 2020, Tổ chức y tế thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ tử vong bởi tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu ở Qatar chỉ là 0,17%, đứng thứ 166 thế giới.

Đây là một con số rất thấp, bất chấp việc những tài xế tại quốc gia này sẵn sàng giẫm chân ga để đẩy kim đo vận tốc lên mốc 80km/h, một cách thường trực trên những đại lộ mịn như nhung.

Biển tuyên truyền bằng điện tử đặt dọc những con đường cũng không hề có cảnh báo về việc cấm sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Bởi tại Qatar, người dân vốn dĩ bị cấm sử dụng thứ chất lỏng ấy, ngay cả khi tham gia giao thông bằng cách… đi bộ.

Chính vì vậy, việc tìm kiếm được những quán nhậu nằm san sát trên các con phố như tại Việt Nam là điều không thể.

Xuyên suốt World Cup 2022 kéo dài 1 tháng tại Qatar, không một vụ ẩu đả nào hiện diện trên các khán đài. Những cổ động viên vẫn cầm những cốc giấy đựng bia vào trong sân.

Nhưng đó là loại bia không độ, vốn được nhà tài trợ chính của World Cup 2022 là Budweiser tặc lưỡi cung cấp, với mức giá lên đến 60 Riyal Qatar (gần nửa triệu đồng), như một cách bù vào hao hụt khi hàng nghìn chai bia có độ phải xếp hàng trong kho vì không được lưu thông rộng rãi.

Không một kỳ World Cup nào đặc biệt như ở Qatar. Nước chủ nhà sẵn sàng chi ra tới 200 tỷ đô la Mỹ để đưa giải đấu này đến vùng sa mạc.

Họ tuyên bố xanh rờn về việc tổ chức giải đấu ở mùa Đông, giữa thời điểm mùa giải của các CLB bước vào thời điểm căng thẳng nhất.

Và như cách mà Nasser Al Khater, Trưởng ban Tổ chức World Cup 2022 của chủ nhà Qatar nói, “rượu bia không phải là văn hóa ở đất nước chúng tôi”.

Đương nhiên, ngay một doanh nghiệp số má như Budweiser cũng phải chào thua trước sự cứng rắn của Qatar trong giải đấu này.

Điều khó ngờ tới

Tất nhiên, vẫn có những luật lệ riêng, những ngã rẽ riêng để bia, rượu tồn tại được trong lòng Qatar vốn đầy rẫy quy định chặt chẽ.

Một phóng viên quốc tế hỏi tôi rằng: “Cậu có thích uống bia không?”. Đang trong lúc tự nhủ bản thân về một chai bia nhỏ 0 độ thì tôi giật mình trước một két bia nặng trĩu đặt xuống sân, từ Heineken, Corona Extra cho tới Budweiser đều hiện diện. Quan trọng là nó có độ, với vị men nồng say chứ không phải thứ nước lỏng màu vàng nhạt nhẽo.

Câu hỏi đương nhiên được bất giác đặt ra với anh bạn phóng viên quốc tế đang mặt đỏ hồng hào: “Anh kiếm bia, rượu ở đâu mà hay thế?”.

Trong men say, anh phóng viên kể về hành trình đầy thú vị. “Một số phóng viên quốc tế đã nhận được thông báo đặt vé mua bia, rượu ở Qatar, trước khi World Cup bắt đầu. Nó như kiểu anh đi đăng ký thẻ phục để tác nghiệp các trận đấu ở World Cup lần này vậy.

Mất hơn 1 tuần, tôi mới được xác nhận được vào mua. Khu vực đó cách Doha tầm 30 cây số hướng về phía Bắc. Đó có thể xem như một nhà xưởng cỡ lớn thì đúng hơn.

Tôi xếp hàng trong một dãy người. Không chụp ảnh, không quay video. Đơn giản tôi cầm email xác nhận, cầm tiền để mua bia và rượu.

Ở đó bán những đồ được gọi là “non-muslim”, tức là các món vốn bị cấm bởi Hồi giáo như thịt lợn, bia hay rượu”.

Quán rượu ẩn mình trong khách sạn 5 sao

Thực tế, giới truyền thông quốc tế đến Qatar nhận được sự cởi mở hơn trong việc chọn đồ uống có cồn.

Ở khu vực Trung tâm báo chí chính dành cho World Cup 2022, nếu khéo léo hỏi đội ngũ tình nguyện, bạn sẽ được dẫn tới một sảnh bên ngoài trời, phía bên ngách của trung tâm.

Luôn có 3 - 4 nhân viên an ninh đứng gác ở cửa. Và khi được xác nhận thành công, việc lựa chọn một chai bia, thưởng thức hoàng hôn dần buông xuống trong tiết trời mát mẻ ở Qatar cũng là một cảm xúc thú vị.

Lịch thi đấu chung kết và tranh hạng ba World Cup 2022

Chung kết: 22h ngày 18/12: Argentina vs Pháp (VTV3, VTV Cần Thơ)

Tranh hạng ba: 22h ngày 17/12: Croatia vs Ma Rốc (VTV3, VTV Cần Thơ)


Cũng lại là câu chuyện rượu bia. Tôi theo sự dẫn đường chỉ lối của một phóng viên thuộc tờ Yahoo Sports ghé vào quán rượu Mulberry, nằm ẩn mình bên trong một khách sạn 5 sao tại Qatar.

Đây cũng là điểm đến cuối cùng mà một du khách có thể tìm kiếm niềm đam mê thưởng thức một chai bia, nhâm nhi một cốc rượu ở đất nước này.

Đây có thể xem là thiên đường bia rượu, tất nhiên là dành cho giới thượng lưu hoặc với những kiểu người như tôi, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra gần 1 triệu đồng cho một cốc bia tươi chỉ để tìm kiếm sự trải nghiệm, khám phá.

Thứ âm nhạc rộn ràng đậm chất châu Âu bắt đầu cất lên, những tiếng chạm cốc nghe leng keng rộn rã. Đây quả thực là một chiều không gian khác ở đất nước Qatar vốn có nhiều quy luật khắt khe này.

Arfan, một tay chế biến rượu sành sỏi từ Dubai sang Qatar làm việc tâm sự rằng: “Thật sự thì vẫn có những cách để bạn… lách luật ở Qatar.

Hay chính xác hơn, Qatar có những vùng trắng để bạn tự do và cởi mở hơn. Nhiều tớ báo đã nhìn về Qatar một cách có phần cực đoan, nhất là trong những quy định liên quan đến bia rượu hay chuyện quan hệ tình dục mà không phải vợ chồng. Anh thấy đấy, nơi đây vẫn phục vụ cho khách du lịch, hay đâu đó là cả những người dân ở Qatar.

Tất nhiên, nó không được khuyến khích và quảng bá một cách rầm rộ. Nhưng như tôi đã nói, ở đất nước này, nhiều nơi vẫn cho phép bạn được làm điều mình muốn một cách thoải mái”.

Thực sự thì đúng là mùa World Cup cũng cho phép các CĐV được uống bia, rượu, trong giới hạn được đặt ra. Đó là khu vực Fan-fest thuộc Corniche hay khu Free-zone với hàng nghìn cabin phòng ở dành cho khách nước ngoài.

Những quầy hàng vẫn bán bia, rượu dù số lượng hạn chế, đủ ở ngưỡng mà CĐV vẫn thưởng thức được men bia, men rượu nhưng không tới mức mất kiểm soát dẫn đến ẩu đả vì một trận bóng đá.

Ly sâm panh quý giá

Tôi có dịp ghé thăm một gia đình Việt Nam khi sang Qatar. Tất nhiên, “món quà” mà tôi mang từ Việt Nam sang cho anh chồng tên Ngọc Hà là những cây thuốc lá hiệu Thăng Long.

Phải đúng món này thì anh chồng mới cảm thấy hứng thú, khi các loại thuốc bày bán ở Qatar bị anh cho là… nhạt miệng.

Hồ hởi với món quà quê hương mà tôi đi cả nghìn cây số, từ Hà Nội sang Doha, anh Ngọc Hà khẽ mở tủ, khui chai sâm panh còn khoảng một nửa.

“Phải quý hóa lắm tôi mới lại mở sâm panh và thiết đãi bạn bè đấy”, anh Ngọc Hà chia sẻ và cho biết thêm: “Ở đây, bia rượu không bán rộng rãi như ở Việt Nam.

Tôi cũng phải nhờ một người bạn máu mặt mới lấy được 2 - 3 chai về nhà. Thỉnh thoảng, tôi mới nhâm nhi hoặc tìm thấy bạn hiền để nâng ly như thế này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.