Một bến xe của doanh nghiệp này |
Chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích của BX loại 4
Ngày 3/7/2006, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn số 3792/UBND về việc “thành lập bến xe khách tại số 5 Lữ Gia phường 9 TP. Đà Lạt”. Công văn này nêu rõ: “Xét tờ trình số 605 TT/Cty ngày 10/05/2006 của công ty TNHH Thành Bưởi… và ý kiến của Sở GTVT tại văn bản số 534/SGTVT ngày 14/6/2006, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho DN Thành Bưởi thành lập tạm thời bến xe khách loại 5 tại số 5 Lữ Gia phường 9 TP. Đà Lạt.
Tại Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT đã chỉ rõ, diện tích tối thiểu của bến xe loại 4 là 3.000m2, loại 5 là 2.000m2 và loại 6 là 500m2.
Tuy nhiên, theo văn bản số 16/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng thì từ khi đưa vào sử dụng, bến xe số 5 Lữ Gia của DN Thành Bưởi chỉ có diện tích 500m2 (đủ tiêu chuẩn bến xe loại 6).
Sau đó, bến xe này của DN Thành Bưởi được xem xét chấp thuận nâng từ loại 5 lên loại 4. Mà theo Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 thì diện tích tối thiểu của bến xe loại 4 là 2.500m2, bến xe loại 5 là 1.500m2 và loại 6 là 500m2. Còn diện tích bến xe Lữ Gia khi đó chỉ là 2.000m2.
Ngày 19/12/2011, cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND tỉnh “V/v Xin ý kiến để xếp loại Bến xe Thành Bưởi – số 5 Lữ Gia – Đà Lạt”. Trong văn bản này nêu rõ, “Bến xe Thành Bưởi được xây dựng khang trang sạch đẹp và cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo Quy chuẩn của bến xe loại 4. Tuy nhiên, đất của bến xe gồm 2 thửa riêng biệt cách nhau khoảng 80m…
Do quy chuẩn bến xe tại Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT không nêu rõ yêu cầu về đất đai, nên vấn đề này được cho là do địa phương xem xét quyết định.
Bến xe không đạt chuẩn khiến... đường bị ùn tắc
Việc bến xe Thành Bưởi tại số 5 Lữ Gia đạt bến xe loại 4 (bến xe được kinh doanh vận tải xe khách liên tỉnh) của DN Thành Bưởi đã tạo điều kiện để DN này lập xe dù bến cóc tại các địa phương khác.
Cụ thể, tại TP.HCM, doanh nghiệp này thuê hàng nghìn m2 đất của công ty Cổ phần Giày Sài Gòn tại số 419 đường Lê Hồng Phong, Quận10 để lập bến xe trái phép. Vụ việc sau đó đã bị phát hiện, Bộ GTVT đã giao Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xử lý.
Còn UBND Quận 10 đã yêu cầu Công ty Cổ phần giày Sài Gòn ngưng việc cho thuê mặt bằng sai qui định. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Thành Bưởi tạm ngừng ngay hoạt động kinh doanh, để chờ ý kiến của các cơ quan chức năng Quận và Thành phố để xử lý các vi phạm tại khu đất nêu trên.
UBND Quận 10 cho biết, cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần giày Sài Gòn vì sửa chữa, cải tạo công trình khi chưa có giấy phép.
Song cho đến nay, DN Thành Bưởi vẫn đang dùng nhiều biện pháp để “đối phó” lại với các quyết định của cơ quan chức năng bằng việc dùng nhiều xe nhỏ, không có phù hiệu để đón khách ở các đường bị cấm.
Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng cho biết việc cấp phép cho bến xe số 5 Lữ Gia là theo trình tự đúng các thủ tục. Việc cấp phép cho bến xe Lữ Gia cũng chỉ tạo điều kiện đi lại cho người dân được đi lại tốt hơn.
Tuy nhiên, hàng ngày, xe của doanh nghiệp này lại gây mất an toàn giao thông và ùn tắc bởi tuyến đường này khá nhỏ cùng với đó là chợ Phan Chu Trinh và cả trường học. Trong khi, tại bến xe số 5 Lữ Gia của DN Thành Bưởi có hàng chục đầu xe loại lớn, mỗi khi những chiếc xe này rời bến đều gây ùn tắc.
Ngày 16/11/2016 làm việc với PV, ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường 9 cho biết: “Hiện vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Theo thông tin mà phường nắm được, thì bến xe này sắp chuyển sang vị trí mới cũng trên địa bàn phường. Song nếu bến xe số 5 Lữ Gia mà chuyển đến vị trí đó thì giao thông sẽ trở lên khó khăn hơn. Vị trí đó gần ngã tư, không thể đủ tải cả trăm đầu xe loại lớn của Thành Bưởi được”.
Theo ông Bùi Danh Liên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng bến xe của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của các tỉnh nói chung cần phải thực hiện theo quy hoạch của thành phố hoặc của địa phương. Quy hoạch này căn cứ vào số lượng phương tiện xuất bến tại địa phương.
"Tôi được biết ở Đà Lạt có một bến xe của thành phố, lại có bến xe khác nữa. Sau đó thành phố mới cho làm bến xe của Thành Bưởi và để gần nhau. Mặt khác, bến xe của Thành Bưởi lại chia làm 2 mảnh đất, ghép lại thành 1 bến xe loại 4 hay loại 5. Đối với bến xe loại 5 thì quy định chỉ cho chạy nội tỉnh, chứ không được phép chạy liên tỉnh. Và thực tế, bến xe của Thành Bưởi không đủ diện tích để nâng cấp lên bến xe loại 4 nhưng doanh nghiệp này vẫn ghép 2 mảnh đất lại để đủ điều kiện", ông Liên nhận định.
"Thành phố Đà Lạt khá nhỏ và phương tiện vận chuyển ít nên đã có 2 bến xe rồi, mà thêm 1 bến nữa thì tôi cho là không phù hợp, quy hoạch như thế là không thỏa đáng", ông Liên nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận