Công nghệ mới

Bến xe trung tâm TP Thái Nguyên: Tiên phong ứng dụng công nghệ

25/02/2018, 07:22

Hiện, quy trình hoạt động của bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên gần như không có sự can thiệp của con người.

142

Hệ thống quản lý thông minh tại bến xe Thái Nguyên hạn chế tối đa sự can thiệp của con người

Không còn tác động của con người

Với quyết tâm xây dựng Bến xe trung tâm TP Thái Nguyên thành một bến xe hiện đại nhất cả nước, Công ty CP Vận tải Thái Nguyên - đơn vị chủ đầu tư đã xây dựng một phần mềm quản lý bến xe theo phương pháp minh bạch, tiện nghi và tiết kiệm.

Sáng 20/12/2017, xe khách BKS 17B-004.55 của nhà xe Đức Nghĩa chạy tuyến Thái Bình - Thái Nguyên rẽ vào cổng bến xe trung tâm TP Thái Nguyên, quẹt thẻ và chạy vào khu trả khách. Anh Văn, tài xế xe khách BKS 17B-004.55 cho biết, bến xe mới rộng rãi, chia khu cho xe trả khách, đón khách, đỗ chờ, khách hàng ngồi đợi... nên không có hiện tượng ùn ứ, lộn xộn. “Xe vào bến, ra bến đều quẹt thẻ để máy tính thời gian lưu trong bến để thu tiền. Nếu đến giờ xuất bến mà xe chưa quẹt thẻ ra, sẽ bị khóa thẻ, phải đi mở thẻ mất 120 nghìn đồng”, anh Văn nói.

Bến xe trung tâm TP Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 60,558 tỷ đồng, tổng diện tích 43.411,73m2, 68 vị trí đón khách, 29 vị trí trả khách; diện tích bãi đỗ xe chờ vào vị trí đón trả khách là 5.051,71m2; diện tích bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác 2.253,7 m2; diện tích phòng chờ cho hành khách gần 1.000m2 với tối thiểu 444 chỗ ngồi. Công suất bến đáp ứng nhu cầu 1.632 lượt/ngày - đêm.

Ông Phạm Đăng Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên cho hay, sau một năm đi vào hoạt động, bến xe đã ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, hướng tới phát triển ứng dụng công nghệ điện tử. Đây là xu thế tất yếu, là mô hình bến xe hiện đại phổ biến trên thế giới.

Hiện, quy trình hoạt động của bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên gần như không có sự can thiệp của con người. Các xe vào bến quẹt thẻ tại cổng vào; hệ thống sẽ chụp lại ảnh biển số, lưu lại thông tin giờ vào của xe. Nếu xe không đủ điều kiện vào bến, hệ thống không nâng barie, nhân viên yêu cầu xe làm lại thủ tục vào bến. Sau khi xe vào bến, được cấp phép lên nốt, bán vé trong bến. Sau đó, xe thực hiện thanh toán và khi hoàn tất thanh toán sẽ được cấp lệnh rời bến. Lúc này, xe quẹt thẻ tại cổng ra, barie được nâng lên cho xe qua.

“Đây là hệ thống quản lý bến xe tự động hiện đại, văn minh, thân thiện, vừa đơn giản vừa hiệu quả trong quản lý tài chính; nâng cao năng suất lao động, tăng tính minh bạch, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thiện nói.

Doanh nghiệp và hành khách đều thích vào bến

Hiện tại, phần mềm quản lý của bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Thái Nguyên, hơn 20 đơn vị bến bạn và Sở GTVT các tỉnh đến thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. So với cách quản lý bến xe truyền thống, phần mềm này giảm thiểu tối đa sai sót trong thu phí, dễ dàng kiểm tra rà soát tài chính, năng suất lao động được nâng cao, thời gian xử lý công việc trung bình chỉ 27 phút/xe; nhân lực tối thiểu 4 người/ca. Dữ liệu hoạt động tại bến xe được đồng bộ hoá khiến việc tìm kiếm và tra cứu dễ dàng; đơn giản trong vận hành sản xuất; kiểm soát toàn bộ hệ thống ra vào. Hệ thống phần mềm tính toán tự động thể hiện sự minh bạch rõ ràng, làm giảm thời gian tính toán các số liệu tại bến. Hệ thống còn tích hợp các loại giám sát hành trình phương tiện, góp phần giúp bến, cơ quan chức năng theo dõi, cảnh báo thông tin trước thời hạn các loại giấy tờ xe, GPLX đến các đơn vị vận tải...

“Tôi đã trực tiếp khảo sát ý kiến các lái xe, doanh nghiệp vận tải, người dân... cần gì ở một bến xe, cần gì để thích vào bến xe hơn bắt xe ngoài đường. Doanh nghiệp nói cần sự công bằng, minh bạch, sợ có sự can thiệp trong điều độ xe, sợ bảo kê, “đầu gấu” trong bến... Người dân nói cần sự tiện nghi, chất lượng phục vụ. Để giải quyết bài toán này, chỉ có cách quản lý bến theo công nghệ điện tử, không có sự can thiệp của con người, như vậy, cả doanh nghiệp lẫn hành khách mới thích vào bến”, ông Thiện trải lòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.