Nghi vấn nguyên nhân tử vong của hai bệnh nhân là do thuốc không đảm bảo. |
Hai bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật song song, cùng sử dụng một loại thuốc gây mê và sau đó đều tử vong... các bác sỹ nghi ngờ do sốc phản vệ?
Thuốc được bảo quản đúng quy định
Liên quan đến vụ việc hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Trí Đức (Hà Nội), trưa 26/12, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi trao đổi thông tin chính thức.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, sau khi tiền mê, hai bệnh nhân đã có biểu hiện lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức... Các bác sĩ đã hồi sức ngay tại phòng mổ, sau đó đã chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu, nhưng cả hai đã tử vong sau đó 2 tiếng.
Xem thêm video:
“Hiện, cả bác sĩ BV Trí Đức và BV Bạch Mai đều nghi ngờ khả năng do sốc phản vệ. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức cần phải có điều tra và giám định pháp y. Dự tính sau 4 tuần sẽ có kết luận của cơ quan pháp y và cơ quan điều tra sẽ cung cấp thông tin này”, bà Hà thông tin.
Về nghi vấn nguyên nhân tử vong là do thuốc không đảm bảo, vị Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hai bệnh nhân này cùng dùng những loại thuốc giống nhau, chỉ khác về số lượng vì cân nặng mỗi người mỗi khác. Qua kiểm tra, BV cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ về số thuốc này. Đây đều là những loại thuốc thông thường, được các BV thực hiện và đều được cấp phép. Riêng về điều kiện bảo quản, Sở Y tế kiểm tra và thấy rằng, đảm bảo về quy định nhiệt độ cũng như độ ẩm”.
Theo bà Hà, trước đó đã có trường hợp người bệnh được BV sử dụng những loại thuốc trên, nhưng đều không xảy ra tai biến. “Chúng tôi đã làm việc với nhà sản xuất để làm rõ vấn đề chất lượng thuốc, đồng thời xin ý kiến chuyên gia từ Bộ Y tế về vấn đề này”, bà Hà nói.
Về vấn đề nhân sự trong kíp mổ, bà Hà thông tin: “Người thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân cắt amidan là một chuyên gia đầu ngành về tai mũi họng, vì thế việc chỉ định gây mê cho bệnh nhân hay không sẽ phụ thuộc vào bác sĩ mổ và thể trạng của người bệnh”. Mặt khác, qua kiểm tra, phát hiện hai trường hợp không có tên trong danh sách nhân sự của BV gửi lên Sở Y tế. Được biết, cả hai đều là điều dưỡng viên, một người có chứng chỉ điều dưỡng viên gây mê, còn một người chỉ là điều dưỡng dụng cụ.
“Hai nhân viên y tế này không trực tiếp can thiệp trên người bệnh. Đồng thời, phía BV đã xuất trình hợp đồng thử việc của hai nhân viên này. Qua hai trường hợp trên, Sở Y tế đề nghị BV Trí Đức cần chú trọng công tác nhân sự và phải báo cáo Sở Y tế”, bà Hà cho biết.
Trước đó, ngày 25/12, bệnh nhân Quách Thị Mai P. (sinh năm 1979, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đến BV phẫu thuật u tuyến giáp và bệnh nhân Hoàng Văn Tr. (sinh năm 1982, ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cắt amidan.
Thời gian vàng chống sốc phản vệ tính bằng giây
Với 20 năm kinh nghiệm chuyên ngành gây mê hồi sức, BS. Nguyễn Anh Tuấn, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết: Bất cứ loại thuốc nào đều có tác dụng phụ. Nhẹ gây phù nề, ngứa ngáy, nặng có thể gây sốc phản vệ ảnh hưởng tới tính mạng. Nhất là trong lúc gây mê các thầy thuốc phải kết hợp nhiều loại thuốc và hóa chất thì nguy cơ càng cao. Việc xác định chính xác nguyên nhân thuốc hay hóa chất nào gây ra sốc phản vệ không cần thiết tại thời điểm xảy ra sốc phản vệ vì tất cả các trường hợp bị bệnh lý này đều có biểu hiện giống nhau. Việc quan trọng nhất là phải phát hiện, xử lý đúng và nhanh chóng. Trong những tình huống nguy kịch như vậy, thời gian vàng được tính bằng giây.
Trước câu hỏi về việc sao không test thuốc trước lúc gây mê, BS. Tuấn cho biết: “Việc làm test trước khi sử dụng thuốc cũng không có giá trị phòng ngừa được sốc phản vệ vì hiện nay không có một chuẩn mực nào về thử test. Thử test thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả. Hơn nữa, các trường hợp sốc phản vệ thông qua cơ chế miễn dịch lại không phụ thuộc vào liều lượng, chỉ cần một liều rất nhỏ thuốc đưa vào cơ thể cũng có thể làm bùng phát phản ứng miễn dịch dây chuyền và gây ra sốc phản vệ”.
Theo BS. Nguyễn Anh Tuấn, phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế ban hành năm 1999 không còn phù hợp với phác đồ điều trị sốc của thế giới. Bởi, cách tiêm thuốc đầu tay đưa Adrenaline theo đường dưới da khiến cho thuốc khó ngấm nhanh vào mạch máu để phát huy hiệu quả chống sốc. Cách này làm mất thời gian vàng khi cấp cứu sốc phản vệ. Hiện, các bác sĩ thực hiện tiêm thẳng Adrenaline với liều nhỏ ngắt quãng vào hệ thống mạch máu khi có sốc phản vệ xảy ra đã thành quy định.
Trường hợp chưa thiết lập được đường truyền tĩnh mạch thì có thể dùng tiêm bắp hay đưa thuốc vào khí phế quản qua ống thở (ống nội khí quản) hay qua khe sụn vùng cổ (màng giáp nhẫn). Phác đồ này đã được thống nhất trong điều trị sốc phản vệ trên toàn thế giới.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế TP Hà Nội về việc giải quyết vụ việc 2 người bệnh tử vong ngay sau khi tiến hành tiền gây mê để phẫu thuật tại BV Đa khoa Trí Đức. Cụ thể, công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của hai bệnh nhân trên. Kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình người bệnh tử vong. Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định hiện hành (nếu có vi phạm). |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận