Trong khi số lượng bệnh nhân nhập viện khám chữa bệnh tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết, nguồn dự trữ máu ở tất cả các cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn đảm bảo khả năng cấp cứu, điều trị, do nhiều chương trình hiến máu tình nguyện buộc hoãn lại trước lo lắng về dịch bệnh do virus nCoV.
Bệnh nhân “cầu cứu”
Còn vài ngày nữa là đến lịch hẹn anh Nguyễn Trọng H. (Nghệ An) quay trở lại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để tiếp tục liệu trình điều trị ung thư máu cấp. Theo anh H., lần tới sẽ là đợt thứ 3 anh điều trị hóa trị.
Bày tỏ sự lo lắng trước đợt điều trị mới, anh H. chia sẻ: “Điều đặc thù với những bệnh nhân điều trị ung thư máu như chúng tôi là thường sau mỗi đợt truyền hóa chất, chúng tôi cần phải tiếp thêm máu mới duy trì được sự sống. Bởi, hóa chất truyền vào tiêu diệt các tế bào ung thư cũng đồng nghĩa “đánh sập” các tế bào máu khỏe mạnh khác.
Trong máu có bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu, khi máu xuống dần, lúc đấy sự sống của bệnh nhân duy trì bằng truyền các tiểu, hồng cầu. Nếu thiếu các chỉ số đó, bệnh nhân dễ xuất huyết, chảy máu trong và có thể gây tử vong”.
Cũng chính vì vậy, dù chưa đến kỳ điều trị, nhưng thông tin kho máu dự trữ cạn kiệt, đặc biệt đối với nhóm máu O, trùng với nhóm máu của mình, khiến anh H. vô cùng lo lắng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, có thể anh phải trì hoãn lại đợt truyền hóa chất tiếp theo, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị của anh.
Còn với bệnh nhân Đỗ Thị Hồng N. (Cẩm Phả, Quảng Ninh), hiện đang điều trị căn bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cơ thể mới hồi lại chút do vừa được truyền máu. Chị N. có nhóm máu O - đây cũng là nhóm máu được đánh giá thiếu trầm trọng trong thời điểm này.
Chị N. đã phải chờ máu từ thứ 6 tuần trước đến thứ 4 tuần này mới được truyền. Bệnh nhân N. bị biến chứng suy tim, phù chân nên rất mệt..., huyết sắc tố thấp chỉ khoảng 70g/l (trong khi chỉ số này ở người bình thường là 120g/l).
Cũng nằm điều trị tại đây, bé Vũ Tiến T. (Nam Định) dù mới lên 3 nhưng đã có 2 năm sống chung với bệnh ung thư máu và vô số những đợt truyền hóa chất. Ngày 28 Tết mẹ bé phải đưa con vào viện. Đến 5/2 (12 Âm lịch) con vẫn chưa được ra viện vì cả tiểu cầu và huyết sắc tố đều rất thấp.
Mẹ bé T. lo lắng chia sẻ: “Con còn quá ngây thơ mà đã phải chống chọi với những đợt truyền hóa chất đến cả người lớn cũng sợ hãi. Nếu không được truyền máu, truyền tiểu cầu cơ thể con sẽ càng suy kiệt, khả năng xuất huyết rất cao nhưng hiện giờ nhóm máu A của con đang cực kỳ khan hiếm”.
Theo Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia Phạm Tuấn Dương, tính đến sáng 5/2, lượng máu dự trữ tại Viện chỉ còn 5.200 đơn vị, trong đó nhóm A chỉ có 230 đơn vị và phải để dành ưu tiên cho cấp cứu.
Nếu không có thêm lịch hiến máu, với số lượng bệnh nhân nhập viện khám, chữa bệnh lại đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết, nguồn dự trữ máu ở tất cả các cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn đảm bảo khả năng cấp cứu, điều trị.
Chia nhỏ điểm hiến máu để đảm bảo phòng dịch
Hiện lượng máu dự trữ tại ngân hàng máu đã về mức dự trữ tối thiểu, chỉ có thể đáp ứng cho điều trị trong khoảng 3-4 ngày. Lý giải cho điều này, ông Dương cho biết, nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus nCoV.
Bên cạnh đó, nguồn hiến chính là sinh viên hiện vẫn chưa nhập học… dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 - 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và TP HCM, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã báo cáo Bộ Y tế, xin phép huy động, vận động nhiều người hiến máu song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Thay đổi hình thức Lễ hội Xuân Hồng cho phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV hiện nay cũng là một giải pháp ở thời điểm này. TS. Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Phó giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết, Lễ hội Xuân Hồng tại Hà Nội năm 2020 sẽ không tổ chức với quy mô lớn tập trung tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư như mọi năm để tránh tập trung đông người tại một địa điểm.
Lễ hội Xuân Hồng năm nay kéo dài 12 ngày (thay vì 2 - 3 ngày như mọi năm), từ ngày 11 - 22/2. Ngoài điểm tiếp nhận máu tại Viện, sẽ bố trí thêm 6 điểm tiếp nhận máu khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự kiến thu về 3.000 đơn vị máu.
Theo ông Quân, tại các điểm hiến máu nhỏ, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 50 người, thậm chí 200 người đến hiến máu rải rác trong cả ngày như vậy sẽ thuận lợi hơn cho việc phòng chống dịch, đón tiếp và đảm bảo an toàn cho người tới hiến máu.
Trước tình hình lượng máu dự trữ cho điều trị đang cạn dần, Ban Chỉ đạo quốc gia hiến máu tình nguyện đã phát công văn khẩn gửi Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thành viên, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố để tăng cường đẩy mạnh hoạt động tổ chức hiến máu với những hình thức phù hợp như: Hiến máu kết hợp tuyên truyền phòng chống dịch do virus Corona… Các địa phương đang bắt đầu khởi động lại các hoạt động với hy vọng tiếp tục đảm bảo nguồn máu cung ứng cho công tác điều trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận