Sau hơn 20 năm ra đời, chủ trương xã hội hóa trong y tế đã bị biến tướng dưới nhiều hình thức, trong khi các cơ quan quản lý lại “mông lung”, không rõ phải làm gì với mô hình tự chủ nửa vời. Cuối cùng, ngân sách thất thu, còn người bệnh là người chịu trận.
Muôn vàn dịch vụ xã hội hóa
Khi nhập BV Hữu nghị Việt Đức để chuẩn bị phẫu thuật u dây thần kinh số 8, chị L. (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được các nhân viên y tá khoa Phẫu thuật thần kinh chỉ ra dãy giường xếp dọc hành lang để “cho chọn giường”.
Hơi bất ngờ, chị L. hỏi dò xem có “giường dịch vụ” hay không thì ngay lập tức được bố trí 1 suất trong phòng 4 giường với giá 500 nghìn đồng/ngày.
“Rút kinh nghiệm lần đầu, sau khi phẫu thuật nhà tôi đăng ký nằm giường dịch vụ 1 triệu đồng/ngày đêm. Khi thanh toán, đầu mục giường bệnh vẫn được kê vào phần có chi trả bảo hiểm y tế, bệnh nhân chỉ trả phần chênh khoảng 600 nghìn đồng/ngày cho dịch vụ bệnh viện”, chị L. kể.
Trường hợp của chị L. có giấy chuyển từ tuyến dưới nên theo quy định được bảo hiểm chi trả 80%. Tuy nhiên, với tổng kinh phí điều trị gần 22 triệu đồng, bảo hiểm chỉ đồng ý chi trả hơn 3,2 triệu đồng.
“Trước phẫu thuật, được bác sĩ tư vấn, tôi lựa chọn dùng dịch vụ kỹ thuật cao để đảm bảo an toàn nên không được bảo hiểm chi trả”, chị L. cho hay.
Năm 2019, ngoài hiện tượng trục lợi bảo hiểm y tế, đoàn kiểm tra của BHXH Việt Nam tại Thái Bình còn phát hiện một loại giấy tờ bất thường. Cụ thể, trong hồ sơ liên doanh liên kết giữa bệnh viện với nhà đầu tư có những tờ cam kết khi sử dụng máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa.
“Khi dùng máy móc xã hội hóa, các cơ sở y tế phải ký cam kết mua hóa chất, test, kit của chính nhà đầu tư với số lượng tăng % theo tháng, quý.
Có như vậy phía đơn vị khám chữa bệnh mới được mượn máy (trong trường hợp cho, tặng, mượn - PV) hay hưởng lợi nhuận như trong hợp đồng (trong trường hợp liên doanh liên kết đầu tư - PV)”, một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết.
Tương tự, chia sẻ với PV Báo Giao thông, một nhân viên đang làm việc cho công ty chuyên về thiết bị vật tư y tế chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp cố gắng móc nối chỉ để xin tặng hoặc biếu không bệnh viện máy xét nghiệm. Bởi chỉ cần bệnh viện cam kết sử dụng hóa chất, test, kit… là nhà đầu tư đã ăn lãi đủ rồi!”.
Khi phát hiện bất cập, BHXH Việt Nam đã gửi văn bản phản ánh sang Bộ Y tế. Tuy nhiên, đáp lại Bộ Y tế cho biết, Thông tư 15 chỉ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.
Do đó với hình thức máy cho, máy đặt mượn, hiện chưa có công cụ điều chỉnh và căn cứ để xử lý khi phát hiện sai phạm(!?).
Theo người trong ngành, hình thức máy cho, mượn đặt do các công ty vật tư y tế hoặc do chính cán bộ nhân viên tại BV góp vốn đầu tư… chính là thể biến tướng của xã hội hóa trong y tế công thời gian gần đây.
Trước đó, hình thức liên kết xã hội hóa rất phổ biến vẫn được áp dụng tại tất cả các BV tuyến tỉnh và T.Ư.
Theo đó, BV liên kết với một hoặc một số công ty tư nhân đặt các loại máy chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xét nghiệm... với tỷ lệ góp vốn từ 50/50 hoặc 70/30 và số tiền thu được cũng được ăn chia theo tỷ lệ như vậy. Trong khi đó vấn đề kiểm soát quản lý và sử dụng khoản thu này lại đang bị bỏ ngỏ.
Nghịch lý công - tư lẫn lộn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ) thẳng thắn chia sẻ, hệ lụy rõ nhất khi đầu tư xã hội hóa trong y tế công sẽ kéo theo lạm dụng chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm… nhằm mục đích nhanh thu hồi vốn đầu tư, tăng lợi nhuận....
“Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng giám đốc BV, tuy nhiên dù ở mức nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả là lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và của xã hội”, ông Học nhận định.
Cũng theo ông Học, khi có 2 chế độ công và tư trong cùng một BV sẽ gây ra sự bất bình đẳng về mức độ phục vụ.
“Trong khi khu vực bình dân chấp nhận 2, 3 thậm chí 5 bệnh nhân một giường thì ở khu điều trị dịch vụ, mỗi bệnh nhân một phòng hoặc ít nhất là mỗi người một giường.
Đáng nói ở đây là các phòng ấy có thể được xây bằng nguồn vốn liên doanh, đóng góp phi ngân sách nhưng nó lại được xây trên đất của BV công tức là đất của Nhà nước, chưa kể nhiều BV tận dụng luôn các phòng bệnh có sẵn để làm dịch vụ”, ông Học phân tích.
Vị Chủ tịch BV ĐK Hùng Vương cũng không ngần ngại đặt vấn đề, việc cho phép các BV làm dịch vụ ngay trên nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn và nguồn gốc của nó là tài sản Nhà nước nhưng lại được thu tiền và chi cho cá nhân ở các BV như hiện nay đã tạo ra một sự bất công giữa các ngành, nghề dịch vụ trong khu vực kinh tế nhà nước.
“Trong khối kinh tế mang tính công ích chúng ta có hệ thống trường học công lập, bệnh viện công lập, hệ thống các đơn vị làm công tác môi trường...
Vậy nếu BV làm được xã hội hóa, lập phòng khám, phòng mổ, phòng điều trị theo yêu cầu, chất lượng cao... để thu thêm tiền phí và dịch vụ của bệnh nhân thì trường học công lập cũng làm theo, các thầy, cô giáo cũng xây lớp chất lượng cao trong khuôn viên nhà trường rồi đặt ra các khoản thu.
Lúc đó nền kinh tế của chúng ta sẽ bị biến dạng, công không ra công, tư không ra tư. Chúng ta sẽ có một loại dịch vụ y tế không phải công lập hay dân lập nữa mà nó là một sản phẩm lai căng, nhập nhằng, gian lận, thiếu minh bạch và trốn thuế của Nhà nước”, ông Học phân tích.
Loay hoay giải pháp
Trở lại câu chuyện “thổi giá” thiết bị y tế xã hội hóa tại BV Bạch Mai gây xôn xao dư luận tuần qua song những người trong nghề như ông Học lại không bị bất ngờ bởi “kẽ hở” của pháp luật lâu nay đã bị các đối tượng lợi dụng “xé toang” để trục lợi.
“Dù đã có quy định về việc liên doanh, liên kết đầu tư mua sắm thiết bị tại bệnh viện công nhưng quy trình thẩm định giá đầu vào, tiêu chí xây dựng giá dịch vụ ra sao thì tới nay vẫn rất lỏng lẻo.
Chẳng hạn, Thông tư 15 quy định giá thẩm định có thể dựa vào giá máy móc có sẵn đã tồn tại trên thị trường, nhưng giá trên thị trường có đúng không thì không ai trả lời được.
Hoặc với thiết bị chưa có trên thị trường thì buộc phải thuê cơ quan thẩm định độc lập nhưng lại thuê ngay “kẻ ăn cắp” đẩy giá lên, thành ra một hệ thống gian dối trục lợi”, ông Học phân tích và nhấn mạnh: Kẽ hở lớn nhất chính là đầu tư trang thiết bị với với tư cách tư nhân, nhưng lại đưa vào sử dụng trong môi trường công”.
Trong khi đó, với câu hỏi làm thế nào để chấn chỉnh việc đẩy giá máy xã hội hóa kéo theo nâng giá dịch vụ khám chữa bệnh vô lý, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết: “Trước hiện tượng lòng vòng thổi giá trang thiết bị y tế đã xảy ra trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã có lộ trình từng bước để tiến tới minh bạch, công khai.
Trước mắt sẽ khai trương công khai cổng thông tin niêm yết giá trang thiết bị, để các doanh nghiệp, công ty, các hãng có mặt tại Việt Nam công khai giá. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm cần có thời gian để thực hiện”.
Về tổng thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, Bộ Y tế đang giao đơn vị chuyên môn rà soát lại chính sách về liên doanh, liên kết xem còn “lỗ hổng” nào về mặt pháp lý, để từ đó ban hành chỉ thị nhằm chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là giải pháp ngọn, vấn đề cần phải tách bạch hình thức công - tư trong các bệnh viện.
“Nếu công tư phân minh thì lại đã rõ ràng, BV nào đã cổ phần, tự chủ hoàn toàn cần hoạt động theo luật doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, dù nói là tự chủ, BV sử dụng máy móc xã hội hóa nhưng vẫn dùng đến cơ sở vật chất, nhân lực… do Nhà nước đầu tư.
Công không ra công mà tư không ra tư, là sản phẩm lai căng, nằm ngoài kiểm soát của cơ quan thuế, ngoài tầm Luật Giá và cuối cùng ngân sách thì thất thu còn người bệnh là người chịu trận”, một cán bộ trong ngành tài chính chia sẻ.
Ông Bùi sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Cần có chương trình giám sát
Sau gần 20 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong y tế, mặc dù Nhà nước đã bảo hộ cho trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách bảo trợ xã hội nhưng tiền túi của người dân chi trả cho viện phí vẫn rất cao, lên tới gần 40%. Đây là vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Đáng nói, mô hình tự chủ tại các BV hiện còn “nửa dơi nửa chuột”, nhiều nơi lại chạy theo phong trào mà chưa đánh giá thực chất cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện chuyển sang tự chủ hay không?
Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật thiếu thống nhất, chưa theo kịp với quá trình chuyển đổi các loại hình xã hội hóa, dẫn tới nhiều cá nhân lợi dụng để trục lợi. Thiết nghĩ cần phải có sự giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận