Di chứng nặng nề
Mới đây, Báo Giao thông nhận được một đơn thư khiếu nại của anh Đỗ Quốc Hùng (Sơn La) liên quan sự việc con trai 5 tuổi bị teo não sau khi phẫu thuật nội soi cắt màng thanh quản tại BV Nhi Trung ương.
Theo đơn khiếu nại, tháng 7/2017, con trai anh Hùng là cháu Đ.Q.B, SN 2013, đựợc bác sỹ BV Nhi Trung ương chẩn đoán bị viêm VA/màng chân vịt thanh quản và chỉ định hướng điều trị: Nạo VA, phẫu thuật nội soi cắt màng thanh quản. Trước khi quyết định phẫu thuật, anh Hùng đã được bác sĩ phụ trách khẳng định: Đây là phẫu thuật nội soi không phải mở khí quản, 3-4 ngày có thể ra viện được. Tuy nhiên, sau khi nội soi, bác sỹ mổ phát hiện đây là ca khó phải hội chẩn lại nên không mổ ngay được. Đến ngày 24/7/2017 bệnh nhi tiếp tục được đưa đến phòng phẫu thuật để mở khí quản và mổ cắt màng thanh quản.
“Sau khi phẫu thuật xong gia đình có trao đổi với bác sỹ trực tiếp mổ và được thông báo là ca mổ đã thành công, cháu được chuyển về khoa Hồi sức ngoại, để tiếp tục điều trị. Vì đây là khoa Hồi sức nên gia đình tôi không được trực tiếp chăm sóc cháu”, anh Hùng cho hay.
Bất ngờ ngày 25/7/2017, anh Hùng nhận được thông báo từ bác sỹ trực cho biết cháu B. đã bị tuột canuyn (ống nội khí quản), phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và chút nữa thì không qua khỏi. “Từ ngày 27/7/2017 đến này 12/8/2017, theo quy định giờ vào thăm bệnh nhân của Bệnh viện, tôi được vào thăm cháu nhưng cũng không được thông báo để biết về tình trạng căng cứng, không nhận thức của cháu mà chỉ nhận được thông báo từ các bác sỹ trực những nội dung: "Tình trạng của cháu rất nguy hiểm, không biết đến bao giờ mới cai được thở máy và thường xuyên phải dùng an thần", anh Hùng nhớ lại.
Chỉ khi con trai được chuyển từ Khoa hồi sức ngoại sang Khoa Tai Mũi Họng, anh Hùng mới được trực tiếp chăm sóc.
“Cháu cũng liên tục nằm tại phòng cấp cứu của Khoa Tai mũi họng, sau 2 ngày cháu sốt cao và co cứng liên tục do đó các bác sỹ chuyển cháu về lại Khoa hồi sức ngoại nằm điều trị. Trong thời gian hơn một tháng, con tôi được chuyển hết khoa này đến khoa khác của Bệnh viện Nhi Trung ương và cũng chỉ tiêm an thần để điều trị. Đến ngày 6/9/2017, Bệnh viện Nhi Trung ương cho ra viện và chuyển viện sang Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương. Và đến nay sau hơn một năm tình trạng bệnh của cháu không hề thuyên giảm”, anh Hùng cho biết.
Sau khi ra viện, anh Hùng đã cho con đi khám và chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec. Kết quả cho thấy, cháu B. bị “teo não mức độ nhiều lan tỏa trên và dưới lều, tổn thương chất trắng hai bán cầu đại não, bờ ngoài nhân bèo hai bên, kèm nhiều nốt trống tín hiệu nhỏ ở vùng nông hai bán cầu đại não, giãn lớn hệ thống não thất”.
Chia sẻ về tình trạng con trai hiện tại, anh Hùng cho biết: "Cháu bị căng cơ, co cứng liên tục, kêu gào cả ngày cả đêm, luôn phải có 2 người ở bên chăm sóc. Do toàn bộ cơ thể không vận động, nên cháu bị đọng đờm dãi dẫn đến tình trạng viêm phổi thường xuyên", anh Hùng chia sẻ.
Bệnh viện làm đúng quy trình?
Cũng theo đơn thư, tháng 8/2018, anh Hùng đã viết đơn khiếu nại gửi Bộ Y tế để xem xét làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của BV Nhi TƯ. Tại cuộc họp tháng 11/2018, lý giải về tình trạng di chứng não của bệnh nhi Đ.Q.B., đại diện BV Nhi TƯ cho biết: “Đây là ca bệnh hiếm gặp, xuất tiết đờm rãi nhiều đờm đặc, viêm phổi phải đặt lại ống nội khí quản 2 lần trước khi được tiến hành phẫu thuật lại. Một ngày sau phẫu thuật, các chức năng sống của bệnh nhân tương đối ổn định nên các bác sĩ đã tiến hành thoát mê, chuẩn bị cai máy cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân đã bị tuột canuyn trong quá trình hồi tỉnh. Mặc dù đã tiếp cận và cố gắng tối đa đảm bảo thông khí cho bệnh nhân nhưng do đường thở của bệnh nhân quá nhỏ, các bác sĩ gặp phải khó khăn về kỹ thuật đẫn tới quá trình cấp cứu không đạt kết quả như mong muốn, bệnh nhân bị di chứng về não”.
BV đã làm việc với đơn vị bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với bệnh viện để đề nghị hỗ trợ tài chính cho bệnh nhi với số tiền 150 triệu đồng. Không đồng tình với cách giải quyết này, anh Hùng đặt vấn đề: “Tại sao khi đặt canuyn các bác sỹ đã tiên lượng được việc tuột canuyn là rất dễ xảy ra, và nếu tuột thì khó đặt lại và nguy hiểm đến tính mạng như thế nào mà các bác sỹ không có biện pháp phòng ngừa? Theo hồ sơ bệnh án, cháu tỉnh hoảng loạn quờ tay làm tụt canuyn tại khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương. Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi để con tôi rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, chút nữa không qua khỏi, đến nay di chứng nặng nề: teo não mức độ nhiều, không nhận thức, chân tay co cứng, liên tục căng cơ toàn thân, kêu gào cả ngày cả đêm, mắt không nhìn thấy gì, không ăn được bằng đường miệng phải bơm qua ống xông vào dạ dày, không vận động được thường xuyên bị viêm phổi phải nằm viện điều trị, không thể phát triển về thể chất, trí tuệ bình thường, mất tương lai hoàn toàn…”
Chiều 17/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS, TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ nhận định: “Đây là ca bệnh bẩm sinh, có màng chân vịt dây thanh âm, dẫn tới tình trạng trẻ liên tục bị ho, khò khè, có thể ngừng tim và thở bất kỳ lúc nào. Trong lần đầu phẫu thuật, trẻ có dấu hiệu tim ngừng lại nên phải đặt ống nội khí quản. Tuy nhiên, đường thở của bé quá nhỏ, phải đặt ống bé dành cho trẻ sơ sinh, kích thước chỉ bằng 1/3 thông thường. Nên đây là một trường hợp khó khăn”.
Nhắc lại việc cấp cứu không thành công khi bệnh nhi bị tuột ống nội khí quản, ông Điển khẳng định: “Xét về quy trình làm việc và can thiệp BV không có lỗi gì cả. BV đã giải thích và muốn hỗ trợ tiền nhưng gia đình không đồng ý”.
Trước câu hỏi tại sao không có biện pháp can thiệp chống tuột ống canuyn cho bệnh nhi, ông Điển lý giải: “So với 2 lần bị tuột trước đó, lần thứ 3 can thiệp về chuyên môn rất khó khăn, cả ê-kíp trực không thể làm được. Cũng cần phải nói, tuột ống nội khí quản là việc diễn ra hàng ngày ở BV vì không thể cho các cháu an thần, liệt hẳn cơ được, phải để bệnh nhi tự thở, hồi phục trở lại. Ngay cả khi được giữ chân tay, trẻ lên cơn gồng cũng có thể tuột ra ngay”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận