Phụ huynh và trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Trẻ phải nằm gốc cây
Chiều 12/5, thời tiết nắng nóng oi bức, ngột ngạt, nhưng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vẫn đông nghẹt người. Các phụ huynh đưa con đến chờ thăm khám, ngồi chật kín khu hành lang bệnh viện. Trong đó, dễ nhận ra có rất đông bệnh nhi mắc tay chân miệng vì các bé đang trong tình trạng sốt cao, thở mệt, tay chân nổi nhiều bóng nước.
Quá đông bệnh nhân nên bệnh viện đã phải kê thêm giường hoặc người nhà bệnh nhi tự mua chiếu trải ngoài hành lang cho con nằm. Dù ở ngoài hành lang đã có tấm bảng ghi: “Hành lang xe chuyển bệnh nhân cấp cứu xin đừng nằm ở đây”, tuy nhiên ngoài hành lang vẫn la liệt người lớn, trẻ em nằm ngồi. Một ông bố trẻ quê Quảng Nam kể, anh làm việc ở TP HCM nên nhân đợt vừa rồi về quê ăn giỗ, anh đưa vợ con vào thành phố chơi. Ở TP HCM được ba ngày thì bé mắc tay chân miệng. Đêm đó khi đang ngủ, bé sốt rất cao làm cả nhà hoảng hốt phải đưa đi bệnh viện. Sau một ngày nhập viện, đã thấy bé bị nổi nhiều mụn nước trên tay và miệng.
"Bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến tử vong nhưng chưa có vaccine phòng chống. Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, cần vệ sinh sạch sẽ cho bé, thường xuyên rửa tay, chân bằng xà phòng. Nếu bé có dấu hiệu sốt cao thì không nên cho đi nhà trẻ và đưa ngay tới bệnh viện”.
Ông Nguyễn Trí Dũng |
Bố của bé Phạm Thị Thảo Vy, 11 tháng tuổi, trú tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, bé đã nhập viện được 3 ngày vì bệnh tay chân miệng. Bệnh viện hết giường, xếp bé cùng 3 cháu khác chung giường, nên anh đành cho con ra hành lang nằm cho bé dễ thở. “Nằm được ở hành lang đã là may mắn, có người không tìm được chỗ đã phải ra các gốc cây trước sân bệnh viện trải chiếu cho con nằm để chờ điều trị”, bố bé Thảo Vy chỉ tay ra khoảng sân bệnh viện nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện có 84 ca bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại bệnh viện, số ca mắc căn bệnh này có thể tăng lên trong thời gian tới, nhất là khoảng tháng 6-7, vì theo quy luật, hai tháng tới mới là cao điểm của dịch tay chân miệng.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca tay chân miệng điều trị tại đây trong tháng 4 là 478 ca, cao gấp gần hai lần so với tháng 3. Chỉ tính trong nửa đầu tháng 5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã điều trị nội trú cho 194 trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Không để bùng phát dịch
Đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có hai bệnh nhân tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Tại TP HCM, một đại diện Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, hiện cả 24 quận - huyện đều có ca mắc bệnh tay chân miệng, tổng cộng đã có 3.373 trường hợp nhập viện vì mắc bệnh này từ đầu năm đến nay, trong đó các quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Củ Chi có nhiều ca mắc bệnh nhất.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện thành phố vẫn kiểm soát được dịch và đang tập trung toàn lực lượng để chống dịch, tránh trường hợp dịch bùng phát cùng lúc trên nhiều địa bàn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho biết, từ đầu năm 2014, Bệnh viện Nhi đồng I đã chuẩn bị một cơ số thuốc, tăng cường thêm 8 máy thở, 30 monitor theo dõi và máy chụp X-quang tại giường để phục vụ điều trị bệnh nhi. Vì vậy, bệnh viện rất chủ động trong quá trình điều trị.
Ngọc Hoa - Hữu Hiếu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận