Một trận đánh nhau tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: vtc.vn |
Theo thông tin từ Bộ Y tế trong 9 ngày Tết vừa qua có hơn 6.200 người phải nhập viện cấp cứu do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong. Con số này cao hơn những năm trước rất nhiều. Đây là thông tin rất đáng buồn.
Nguyên nhân được Bộ này đưa ra không có gì khác ngoài uống rượu bia say đánh nhau, khích nhau chỉ vì câu nói cũng đánh nhau, va chạm giao thông cũng không tự giải quyết được dẫn đến lao vào đánh nhau...
Nhưng theo tôi còn có một nguyên nhân sâu xa nữa chính là tính hiếu thắng, bệnh sĩ diện đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người. Tôi nhớ có lần đi rửa xe máy ở đầu làng. Trong lúc ngồi chờ đến lượt đã nghe được câu chuyện giữa một khách hàng có vẻ đã quen thân lắm với ông chủ cửa hàng rửa xe.
Đại loại câu chuyện xoay quanh việc vị khách này vừa cưới vợ được một tuần nhưng đã có xích mích với bố vợ và mấy người trong gia đình bên vợ. Nhưng vị khách đấy cứ coi chuyện cãi nhau với bố vợ là thành tích để khoe một cách rất hào hứng, khoe chuyện vừa bị bố vợ nói mấy câu đã cự cãi luôn, đập luôn chén trước mặt bố vợ mà không sợ gì. Ông chú bên vợ vào can ngăn cũng bị đốp chát tới tấp. Vừa khoe, vị khách vừa cười có vẻ đắc chí lắm.
Câu chuyện được thêm phần rôm rả khi ông chủ quán rửa xe cũng “bơm” thêm vào, nhưng khuyên can đâu chẳng thấy lại hào hứng khích bác theo kiểu: “Tớ mà thế thì... cãi máu hơn. Nhất là bét, trả vợ về nơi sản xuất”...
Tôi có một ông bạn làm nghề lái xe taxi. Bề ngoài khá hiền lành, ăn nói nhẹ nhàng và cũng ít uống rượu. Ở nhà ai cũng khen bạn vì chăm chỉ làm ăn sớm tối. Thế nhưng có một hôm đi đón con về, tôi bất ngờ bắt gặp cảnh ông bạn đang oang oang chửi một phụ nữ đi đường. Đủ mọi lời lẽ tục tĩu và thiếu văn hóa được ông bạn văng ra giữa thanh thiên bạch nhật, còn người phụ nữ thì chỉ biết cúi mặt im lặng.
Tôi vội chạy đến khuyên can xem thế nào, hóa ra nguyên nhân để biến ông bạn tôi từ một người được coi là hiền lành bỗng trở nên nóng nảy như thế bắt nguồn từ việc người phụ nữ mải mua rau nên cản đường xe taxi của bạn tôi. Chuyện chỉ có thế mà khiến náo loạn cả quãng đường.
Con số hơn 6.000 người phải nhập viện cấp cứu trong 9 ngày Tết vừa qua chỉ là thống kê được tại bệnh viện, còn những trường hợp đánh nhau nhưng chưa đến mức phải nhập viện thì không thể thống kê hết được.
Khi nào còn bệnh sĩ diện, tính hiếu thắng thì khi đó sẽ vẫn còn đánh nhau bắt nguồn từ những nguyên nhân rất nhỏ. Như hai trường hợp ở trên tôi vừa kể. Nếu như vị khách rửa xe coi chuyện cãi nhau với bố vợ là thành tích thì chắc chắn chỉ mấy hôm nữa sẽ có trận đánh lộn giữa ông con rể với anh em bên nhà vợ.
Và nếu như ông bạn lái xe taxi của tôi hôm đấy mà gặp phải một thanh niên chứ không phải người phụ nữ, hoặc người phụ nữ ấy có người thân ở gần đấy lao ra cãi nhau thì chắc chắn việc đánh nhau ắt sẽ xảy ra. Họ đã không nghĩ được sâu xa về hậu quả của việc mình làm, cứ biết chỉ đạt được mục đích trước mắt là chiến thắng và thể hiện được bản lĩnh hay sự khoe mẽ cái tôi thái quá trước người khác.
“Một điều nhịn, chín điều lành” - các cụ xưa đã dạy thế. Và tôi luôn tâm niệm điều này. Có lần đang đi xe máy trên cầu Chương Dương thì bị xe đi đằng sau đâm vỡ miếng bảo vệ ống xả. Quay lại thì thấy một người đàn ông cười rất tươi và không quên xin lỗi tôi. Thú thật khi thấy anh ta cười hiền thế, tôi cũng không giận, chỉ nhắc nhở lần sau đi đứng cẩn thận hơn. Sau đó tôi đi qua cầu một đoạn và tạt và hàng sửa xe bên đường để thay miếng bảo vệ ống xả chỉ mất mấy chục nghìn đồng là xong. Sự việc được giải quyết đơn giản và êm đẹp, không gây náo loạn đoạn đường và mất đi cái tình người.
Hãy cho nhau một nụ cười, hãy biết nhẫn nhịn, khiêm tốn và đôi khi chấp nhận chịu thiệt một chút về mình nhưng đổi lại cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Đó mới là cái cốt yếu!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận