Xã hội

Bệnh thủy đậu hoành hành, biến chứng khó lường

08/04/2015, 08:45

Hiện cả miền Bắc, miền Nam đều gia tăng bệnh nhân thủy đậu. TP HCM đã phát hiện bốn chùm ca bệnh thủy đậu.

52

Bệnh nhi nhiễm thủy đậu tại TP HCM đang gia tăng
Ảnh: Hải Âu

Hiện cả miền Bắc, miền Nam đều gia tăng bệnh nhân thủy đậu. TP HCM đã phát hiện bốn chùm ca bệnh thủy đậu ở bốn trường tiểu học và mầm non. Nhiều người lớn đã từng mắc thủy đậu nay cũng mắc lại. Bệnh thủy đậu đang hoành hành bất thường và gây biến chứng khó lường.

Tấn công trường học

Giữa tháng 1, Trường mầm non chuyên biệt Tuổi Ngọc (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM) phát hiện 8 giáo viên và học sinh nhiễm bệnh thủy đậu. Cuối tháng 2, bệnh này tấn công 12 học sinh trường tiểu học Nguyễn Du (quận 12). Ngày 13/3, lại có thêm năm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) mắc bệnh, trong đó có bốn học sinh cùng lớp. Cùng ngày, một ổ dịch khác được phát hiện tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) với 9 ca bệnh.

Ngày 7/4, PV Báo Giao thông có mặt tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (phường Cô Giang, quận 1). Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long, dịch bệnh bùng lên tại trường vào ngày 13/3, xuất phát từ một lớp 3 có hai em bị thủy đậu, sau đó lan sang lớp 1/6. Nhà trường lập tức báo lên trung tâm y tế dự phòng phường, quận và đã có một đội y tế xuống kiểm tra, tăng cường vệ sinh phòng dịch, phát Cloramin B để lau dọn toàn bộ các lớp học hai lần/ngày, hướng dẫn cách phòng chống dịch...

"Qua điều tra, phần lớn trẻ bị mắc bệnh thủy đậu đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh, có một vài trường hợp đã được tiêm nhưng vẫn mắc thì thể bệnh thường nhẹ hơn, ít có biến chứng. Tiêm phòng vaccine thủy đậu là cách phòng bệnh hữu hiệu và quan trọng nhất”.

Bác sĩ Bùi Thu Thủy
Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư

“Hiện trường không còn ca bệnh nào nữa. Những em mắc bệnh đi học lại, trường cho qua Phòng Y tế phường Cô Giang khám, hết bệnh mới cho vào học. Những em có biểu hiện sốt, sẽ lập tức cách ly rồi mời cha mẹ tới đưa đi khám bệnh”, thầy Long nói.

Tại Hà Nội, lượng bệnh nhi nhiễm thủy đậu cũng đang gia tăng. Sáng 7/4, tại khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, anh Nguyễn Minh (trú tại Hoàng Mai) có con nhỏ đang nằm điều trị thủy đậu cho biết: “Sau ba ngày tự điều trị tại nhà, cháu bị nổi bọng nước dày hơn, có những nốt mưng màu vàng lại kèm theo sốt cao, đưa vào viện khám, bác sĩ chẩn đoán, cháu bị bội nhiễm da, nhập viện điều trị, đề phòng biến chứng”.

Ở giường bên cạnh, em Ngô Quốc Việt (14 tuổi, trú ở quận Nam Từ Liêm), nhập viện đã 7 ngày, theo tiên liệu của các bác sĩ, trường hợp của Việt mắc thủy đậu và có biến chứng lên não.

Bác sĩ Ngụy Cẩm Huy, chuyên viên phòng Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, thủy đậu đã tấn công cả người lớn. Tại khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, thai phụ Nguyễn Lê Kiều Linh (22 tuổi), công nhân Công ty Điện tử Nidec Sankyo lo âu: “Em bị bệnh một tuần rồi. 6 ngày trước đi khám tại phòng khám tư nhân, họ nói em bị thủy đậu. Vào Từ Dũ, bác sĩ lại bảo sang đây điều trị trước. Em sợ nhất nguy cơ lây truyền cho con”.

Ngồi gần chị Linh, anh Trần Thanh Bình (41 tuổi, ở phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bị thủy đậu chằng chịt khắp mặt mũi, chân tay, kể: Anh nhập viện hôm thứ sáu với chẩn đoán là... bị gan. “Nhưng sau khi xét nghiệm máu ba lần, bác sĩ kết luận bị thủy đậu”, anh Bình nói và cho biết, bản thân bị thủy đậu năm 13 tuổi rồi mà “chả hiểu sao bị lại”.

Biến chứng hiếm gặp

TS. BS Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho hay, bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường xuất hiện theo mùa từ tháng 2-4, tuy bệnh lành tính nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm màng não... Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thể khiến thai nhi bị dị tật hoặc gây bệnh thủy đậu bẩm sinh cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, việc liên tục xuất hiện các ổ dịch thủy đậu tại trường học, thủy đậu tấn công cả người lớn, nhiều người bị biến chứng... là bất thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nên lưu ý, tránh bội nhiễm da cho trẻ mắc thủy đậu là điều quan trọng nhất. Để tránh bội nhiễm da, nên giữ vệ sinh bằng cách lau người nhẹ nhàng bằng nước ấm, không để nốt thủy đậu bị vỡ chảy nước. Nên chấm thuốc sát khuẩn tại nốt thủy đậu theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng, sử dụng nước súc miệng nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm do ban thủy đậu trong niêm mạc miệng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.