Bệnh nhân điều trị ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội |
Bệnh của mùa hè
Từ đầu mùa đến nay, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhập hơn 20 trường hợp bị viêm não. Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khoảng ba tuần gần đây, số bệnh nhi nhập viện do viêm não gia tăng đáng kể, chủ yếu là trẻ dưới 11 tuổi và đa phần là bị viêm não Nhật Bản. Như bé Nguyễn Hữu Thông (Bắc Ninh) đã nằm điều trị ở đây gần chục ngày. Bố bé Thông cho biết, ban đầu bé có biểu hiện sốt, đau đầu và buồn nôn, gia đình đưa vào bệnh viện huyện thì cháu có biểu hiện giảm đau nên được cho về. Chỉ vài tiếng sau, Thông đau đầu dữ dội hơn và được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản.
Bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như: Suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong năm 2014 sẽ tiến hành tiêm vaccine viêm não Nhật Bản trên toàn quốc. |
Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư, hiện cũng đang điều trị 14 ca viêm não, trong đó có nhiều ca viêm não Nhật Bản. Chị Nguyễn Thị Mị (Hải Dương) kể, mấy hôm trước, con gái chị (4 tuổi) bỗng sốt cao không hạ, nôn nhiều và đau đầu, sau nửa ngày thì bé rơi vào trạng thái lơ mơ. Khi nhập viện Nhi T.Ư, bé đã hôn mê. Bé được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản B.
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cũng rất đông bệnh nhân viêm não. Mẹ bé Hà Nguyễn Bảo Trâm, 5 tuổi đến từ Bình Dương cho biết, bé bị viêm màng não, nhập viện từ 27/5, bác sĩ cho biết, dù có điều trị khỏi thì cũng để lại biến chứng về sau. Giường bên cạnh là chị Trần Thị Phượng đến từ Đắk Lắk có con gái 13 tuổi bị viêm màng não đang nằm bất động, không ăn được, không nói được. Nhìn con gái, chị Phượng nước mắt lưng tròng cho biết, bác sĩ cũng chưa khẳng định được cháu có qua khỏi không và nếu có qua khỏi, thì chắc chắn để lại di chứng rất nặng. Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong một tháng nay bệnh viêm màng não ở trẻ gia tăng mạnh, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 8-10 bé mắc bệnh này.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện ở quanh năm, tuy nhiên mùa hè (từ tháng 6-8) là cao điểm của bệnh, vì thời gian này thường có mưa kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, làm gia tăng virus viêm não Nhật Bản. Thông thường, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, hiện không ít bệnh nhân là người lớn đang phải nằm điều trị. Như tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, hiện có 5 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị.
Phát hiện muộn, hậu quả khó lường
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là đau đầu, nóng sốt, cứng cổ, buồn nôn, sợ ánh sáng… Sau 1 - 2 ngày, trẻ xuất hiện các triệu chứng nhẹ thì ngủ gà, lơ mơ; nặng là hôn mê, co giật, liệt vận động. Viêm màng não nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm trước 3 ngày thì có thể điều trị khỏi. Nếu phát hiện muộn từ 3-7 ngày, có thể để lại nhiều di chứng như: Bại não, liệt toàn thân hoặc bán thân, đầu óc không minh mẫn… “Do virus viêm não Nhật Bản không có kháng virus đặc hiệu, các bác sĩ chỉ điều trị hỗ trợ triệu chứng, chống phù não và chờ bệnh nhân tự hồi phục”, bác sỹ Dũng nói.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, để hạn chế căn bệnh này ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh phải cho con em tiêm phòng đầy đủ. Khi thấy trẻ sốt cao kéo dài 1-2 ngày và có biểu hiện nôn ói, đau đầu, hãy nghĩ đến bệnh viêm não và nhanh chóng đưa đến bệnh viện. “Khi trẻ phát bệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chậm nhất 48 tiếng nếu điều trị kịp thời sẽ có nhiều khả năng phục hồi sức khỏe; nhưng muộn hơn, khi trẻ đã hôn mê, co giật thì chắc chắn để lại di chứng rất nặng nề”, bác sỹ Việt lưu ý.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Lịch tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ là: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Vũ Anh - Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận