Điều tra

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khẳng định không có "bác sĩ Trần Khoa"

08/08/2021, 14:31

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khẳng định, bệnh viện không có Khoa Sản, không có sự việc mổ bắt con và cũng không có bác sĩ Trần Khoa.

Ngày 8/8, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của cha mẹ, nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu.

Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

img

Đoạn chat và hình ảnh hai bé song sinh được chia sẻ

Trước đó tối (7/8), mạng xã hội lan truyền thông tin một bác sĩ tên Trần Khoa đang chăm sóc cho bố mẹ và một sản phụ cùng mắc Covid-19 nặng.

Sau đó, người này quyết định rút máy thở của cha mẹ để cứu sản phụ và mổ bắt con cho sản phụ sinh đôi tại bệnh viện. Thông tin trên nhanh chóng được nhiều người chia sẻ, kèm những lời bình luận tiếc thương và cảm phục người bác sĩ.

Theo một số thông tin trên mạng, người lấy tên Trần Khoa là bác sĩ sản khoa, làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM

Đại diện truyền thông bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thông tin bác sĩ Khoa làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy không đúng sự thật. Bệnh viện không có Khoa Sản và không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện.

"Việc rút máy thở cho bệnh nhân phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định. Bệnh viện khi tiếp nhận bệnh nhân phải xem xét có đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho họ hay không mới nhận, chứ không cứ nhận rồi để xảy ra tình trạng như trên", phía bệnh viện Chợ Rẫy thông tin.

img

Facebook Trần Khoa chia sẻ thông tin trên hiện đã khoá

Như Báo Giao thông đưa tin, sáng nay (8/8), Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP HCM phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP HCM xác minh thông tin vụ "bác sĩ Khoa" nhường máy thở ba mẹ để cứu sản phụ mang song thai đang gây xôn dư luận.

Câu chuyện được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và hầu hết đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với hành động cao cả của vị bác sĩ. Tuy nhiên, những thông tin về nơi làm việc của bác sĩ, về mẹ con sản phụ đều không rõ ràng.

Suốt gần 10 giờ đồng hồ thông tin trên loan truyền, trên mạng bắt đầu xuất hiện những nghi vấn về tính xác thực. Cụ thể, hình ảnh em bé được xác định là từ một ca mổ khác, diễn ra ngày 21/7 bởi bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, ở một địa điểm khác, không phải bởi "bác sĩ Khoa".

Hiện trang facebook của "bác sĩ Khoa" đã khóa và những tài khoản loan truyền thông tin này với trạng thái xúc động cũng đã có lời xin lỗi, đính chính.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, người dân không nên chia sẻ các thông tin chưa rõ ràng và kiểm chứng để tránh gây hoang mang xã hội và mắc bẫy của những người lừa đảo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.