Khi bị sốt cao, người bệnh cần xét nghiệm phát hiện sớm sốt xuất huyết bằng test nhanh để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác - Ảnh: Tạ Tôn |
Nằm ghép không đủ, phải huy động cả giường bạt
Theo thống kê của Hà Nội, hiện có khoảng gần 6 nghìn ca mắc SXH, trải rộng trên cả 9 quận, huyện. Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, số mắc mới đã hơn 1 nghìn ca. Số bệnh nhân mắc SXH tăng chóng mặt cũng khiến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải.
Ghi nhận tại BV ĐK Thanh Nhàn, bệnh nhân mắc SXH nằm tràn khắp hành lang. Nhiều khoa, phòng được chuyển đổi để tiếp nhận bệnh nhân mắc SXH vào điều trị. Hiện có khoảng 300 bệnh nhân mắc SXH nằm điều trị tại đây.
"Hiện nay, vaccine SXH được lưu hành ở khoảng 15 quốc gia trên thế giới, trong đó, 2 quốc gia đã đưa vào chương trình tiêm chủng đại trà. Tại Việt Nam, việc lưu hành vaccine không chỉ phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm mà còn phụ thuộc vào nhà sản xuất, việc đăng ký lưu hành và nhập khẩu về Việt Nam”. BS. Lương Chấn Quang |
Tại BV ĐK Đống Đa, không chỉ nằm ghép, phương án giường bạt cũng đã được huy động để phục vụ bệnh nhân nằm điều trị. Theo BS. Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV ĐK Đống Đa), Khoa Truyền nhiễm thực sự quá tải bệnh nhân và tình tình hình này diễn ra khoảng 1 tháng nay. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nhiều khoa phòng cũng được huy động để điều trị cho bệnh nhân mắc SXH. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện tại cơ sở 1 có 256 giường bệnh, 25% bệnh nhân vào viện nằm ghép đôi. Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH vào khám tại bệnh viện gần 4.000 trường hợp, có 944 bệnh nhân SXH nhập viện, trong đó có 36 bệnh nhân nặng. Bệnh viện đã dành 9 phòng khám chỉ chuyên khám bệnh nhân SXH để bệnh nhân không phải chờ đợi khi đến. Bệnh viện cũng thành lập 3 đội cấp cứu phòng chống dịch ngoại viện sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch hỗ trợ cho tuyến dưới. “Hiện bệnh viện chỉ có 280 cán bộ, chúng tôi phải tận dụng thêm lực lượng bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1 hỗ trợ thêm. Tất cả đều căng mình chống dịch”, ông Kính chia sẻ.
Theo BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), thời gian gần đây, số lượng người bệnh đến khám SXH cũng tăng lên rõ rệt. Hiện nay, tại phòng khám và tư vấn các bệnh truyền nhiễm của khoa trung bình mỗi ngày đón tiếp 20- 25 bệnh nhân SXH. “Khoa Truyền nhiễm đang tập trung 2/3 số giường bệnh dành cho bệnh nhân mắc SXH nhưng các bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 3 bệnh nhân/giường”, ông Cường cho biết.
Nguy hiểm bà bầu, người già mắc SXH
Nhiều bệnh viện tiếp nhận các ca “chùm” bệnh nhân SXH cùng gia đình, hay trọ cùng nhà. Như trường hợp chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đang nằm điều trị ở Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), sau 2 ngày sốt cao và có dấu hiệu chảy máu chân răng, chị H. vội vào viện khám. Sau khi làm xét nghiệm, chị H. phải nhập viện ngay vì được xác định mắc SXH. Chị H. nằm viện được 3 ngày thì chồng chị cũng nhập viện vì mắc SXH.
Tương tự là trường hợp bệnh nhân Trần Văn T. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang nằm điều trị tại đây cùng một người bạn. T. cho biết, phòng trọ của T. có 4 người, tất cả cùng mắc SXH, 2 người điều trị tại đây, còn 2 người còn lại điều trị tại BV ĐK Đống Đa.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 57 nghìn ca bệnh SXH, 15 người tử vong. Đáng lưu ý là số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc năm nay tăng 736% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các địa phương khác, số bệnh nhân SXH ở miền Bắc chưa phải cao nhất, song tốc độ gia tăng nhanh kỷ lục và được các chuyên gia y tế đánh giá là bất thường. |
BS. Đỗ Duy Cường cho biết, điều đáng ngại nhất là SXH xảy đến với phụ nữ mang thai hoặc người lớn tuổi có nền bệnh cơ địa mạn tính như huyết áp cao, suy tim, thận, hay đái tháo đường. Nhiều phụ nữ có thai mắc SXH bị chẩn đoán nhầm là viêm tiết niệu, viêm tai giữa, viêm phế quản… khiến bệnh SXH thêm trầm trọng. Do vậy, với bệnh nhân đang mang thai bị SXH, cần được theo dõi chặt chẽ hơn bởi nhiều biến chứng có thể xảy ra như ra huyết, đẻ non, xảy thai. Để phòng ngừa nguy cơ này, căn cứ vào việc theo dõi diễn biến tình trạng thai nhi, bệnh nhân được xử trí dùng thuốc giảm co bóp, giữ thai cho bệnh nhân, kết hợp điều trị SXH.
Còn với những bệnh nhân có nền bệnh cơ địa mắc SXH, nếu không được chẩn đoán sớm và có phác đồ điều trị phù hợp, nguy cơ còn làm tăng nặng các bệnh nền; thậm chí bệnh nhân có thể tử vong bởi chính bệnh nền cơ địa… Ví dụ như bệnh nhân bị bệnh nghẽn phổi mạn tính, suy tim mà truyền dịch không đúng sẽ khiến bệnh tim nặng hơn, bệnh nhân chết vì suy tim.
Theo BS. Hà Huy Tình, điểm khác biệt của bệnh SXH năm nay là tiến triển bệnh rất nhanh. Nếu năm trước, bệnh nhân sốt đến ngày thứ 5-6 mới xuất hiện suy giảm tiểu cầu từ từ thì năm nay chỉ đến ngày thứ 4 sau sốt, nếu không can thiệp bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm tiểu cầu rất nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện đồng loạt nhiều type SXH.
BS. Đỗ Duy Cường cũng cho biết, sai lầm do SXH dễ nhầm với cúm thông thường như sốt, ho, viêm phế quản, phổi, viêm họng… nên nhiều bác sỹ không chuyên khoa có thể chẩn đoán nhầm, kê cho bệnh nhân uống hạ sốt tăng nguy cơ xuất huyết, dùng kháng sinh dẫn đến xử trí bệnh lệch đi, chậm thời gian điều trị; truyền dịch, đạm, dung dịch cao phân tử, tiểu cầu, máu không đúng chỉ định hoặc theo chỉ định của một số bác sĩ không chuyên khoa làm nặng bệnh lên; dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc...
Theo khuyến cáo của BS. Cường, nếu thấy sốt cao, người bệnh nên xét nghiệm, phát hiện sớm SXH bằng test nhanh, có kết quả chỉ sau 30 phút. Để tránh nhập viện muộn, dẫn đến biến chứng đáng tiếc, người bệnh SXH cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hàng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế tránh để xảy ra biến chứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận