Trước nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc cần có cơ chế trả lại chi phí cho người bệnh BHYT khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế do các bệnh viện không cung cấp được, Bộ Y tế vừa tổ chức tọa đàm xây dựng thông tư "Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT với những trường hợp đặc biệt".
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, hiện tượng cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc, vật tư y tế, để người bệnh phải tự mua đã diễn ra trong một thời gian dài, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Đơn cử như việc một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kê đơn mua ngoài để tránh vượt tổng mức, vượt trần, thuốc không trong danh mục, không đủ điều kiện thanh toán BHYT; vướng mắc trong đấu thầu mua sắm, do ảnh hưởng của dịch bệnh; còn có tâm lý ngại trách nhiệm trong mua sắm, đấu thầu ở một số đơn vị…
Bà Trang cho hay, để giải quyết tình trạng này, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang triển khai các giải pháp để giải quyết vấn đề trên.
Một là, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.
Hai là, Bộ Y tế đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trong đó thường xuyên tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, danh mục đấu thầu cấp địa phương, hướng tới tính chuyên nghiệp trong mua sắm, đấu thầu; góp phần bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh.
Ba là, Bộ Y tế sẽ quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai việc đàm phán giá thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia cũng như phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu tập trung cấp địa phương, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc trong việc bảo đảm mua sắm, cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh.
Bốn là, Bộ Y tế đang nghiên cứu giải pháp để có cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc điều chuyển thuốc, vật tư y tế từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác mà kết quả thầu còn hiệu lực như cơ chế điều chuyển thuốc, vật tư y tế đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Năm là, Bộ Y tế đang nghiên cứu cơ chế để cơ quan bảo hiểm xã hội có thể thanh toán chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm thuốc, vật tư y tế trong một số trường hợp đặc biệt, bất khả kháng.
"Tuy nhiên, giải pháp thanh toán chi phí này cũng có một số nội dung khó khi quy định trong văn bản hướng dẫn như: Điều kiện bảo đảm chất lượng thuốc, vật tư y tế, vấn đề giám sát sử dụng thuốc, vật tư y tế, tính an toàn khi sử dụng người bệnh, cơ chế xác định trách nhiệm, giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến, rủi ro liên quan đến thuốc, vật tư mua ngoài, trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế, bệnh nhân phải mua giá cao, khó xác định giá thanh toán...", bà Trang cho biết.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết thêm về nguyên tắc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm sẵn có, đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho phép người bệnh tự mua sẽ có nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định, bệnh nhân phải mua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận