Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm 2021 đã có những ảnh hưởng nhất định. Ngành BHXH Việt Nam rốt ráo xây dựng kịch bản chuẩn để triển khai đúng nhằm khắc phục hệ lụy từ dịch bệnh.
Cán bộ BHXH nỗ lực hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 hưởng chính sách hỗ trợ
Giữa mùa dịch Covid-19, chính sách BH thất nghiệp trở thành “điểm tựa”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, làm tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng. Chính trong thời điểm này, chính sách BH thất nghiệp trở thành “điểm tựa”, góp phần bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động mất việc làm và gia đình họ, qua đó góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.
Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 8/2021, BHXH các địa phương phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 61.914 người hưởng BH thất nghiệp, trong đó có 61.215 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 699 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Trong tám tháng đầu năm, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng BH thất nghiệp...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tiếp tục giảm so tháng 7/2021 (BHXH, BH thất nghiệp giảm hơn 1,16 triệu người) và giảm sâu so thời điểm hết năm 2020 (trong đó, BHXH giảm 1,424 triệu người và BHYT giảm 2,762 triệu người).
Lý giải số người tham gia vào hệ thống BHXH giảm, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, công tác thu, phát triển đối tượng trong tháng 8/2021 giảm sâu so tháng trước chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như các chính sách liên quan của Nhà nước (do quy định về BHYT và điều chỉnh giảm nghèo).
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 6/9/2021, cả nước có 14.844.857 người tham gia BHXH (đạt 29,82% lực lượng lao động), đạt 83,89% kế hoạch BHXH Việt Nam.
Trong đó, BHXH bắt buộc có 13.662.083 người tham gia; BHXH tự nguyện có 1.182.774 người tham gia và BHYT có 85.243.768 người tham gia, đạt tỷ lệ 87,33% số dân tham gia BHYT.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng khi có 16 đơn vị BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH bắt buộc tăng;
33 BHXH có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng;
11 BHXH tỉnh có số người tham gia BHYT tỉnh tăng so cuối năm 2020...
Theo tính toán của ngành BHXH, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ước số lao động giảm năm 2021 khoảng 2,8 triệu người; chấm dứt hợp đồng lao động hơn 800 nghìn người; tạm hoãn 326 nghìn người, nghỉ việc không lương 1,4 triệu người và ngừng việc khoảng 314 nghìn người.
Trong số hơn 1,3 triệu lao động tham gia BHXH giảm thì tập trung tại 19 tỉnh, thành phố phía nam chiếm hơn 94% (1,098 triệu lao động) so với lao động giảm, có ba địa phương chiếm hơn 30% so với tổng số lao động tham gia BHXH của cả nước là TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai...
Rốt ráo xây dựng kịch bản phát triển BHXH
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, trên thực tế có nhiều địa phương không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng công tác tổ chức thu, phát triển BHXH kém, thậm chí đối tượng tham gia còn giảm. Đáng lưu ý, với hơn 1,3 triệu người lao động giảm, có tới 50% trong số này chấm dứt hợp đồng lao động sẽ quay về địa phương cư trú và không quay trở lại làm việc, cho nên các địa phương cần có giải pháp vận động họ tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ cũng như BHXH các địa phương phải có kịch bản, khảo sát, nắm bắt tại địa phương để đưa ra số liệu và có phương án cụ thể. Đặc biệt, tăng cường giám sát gián tiếp qua địa phương để có giải pháp xử lý đơn vị cố tình nợ BHXH...
Để đạt hiệu quả cũng như hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, các đơn vị trong toàn ngành cần tận dụng mọi thời cơ, phối hợp tốt với chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tham gia chính sách, nhất là trong thời điểm dịch hiện nay đã cho thấy sự cần thiết của các chính sách an sinh đối với người dân.
Các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong thời điểm khó khăn hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy thị trường lao động gây tác động lớn tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành;
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ, triển khai cài đặt VssID để hỗ trợ người dân, người lao động tại những địa phương không thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân...
Còn theo nhận định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một, song việc dự kiến các kịch bản, giải pháp để có thể sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ sau khi dịch bệnh được khống chế là rất cần thiết. Vì vậy, các đơn vị và BHXH các địa phương cần luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị mọi phương án thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận