Y tế

BHXH Việt Nam đề nghị "tránh chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc điều trị"

15/06/2022, 19:55

BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT.

Trước tình trạng một số cơ sở KCB BHYT không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế (VTYT) phục vụ người bệnh, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam vừa đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT.

img

Tại nhiều cơ sở y tế hiện đang thiếu vật tư y tế, thuốc men điều trị (ảnh minh họa)

BHXH hỗ trợ địa phương đẩy mạnh đấu thầu mua sắm, cung ứng thuốc BHYT

Thứ nhất, BHXH các tỉnh, thành theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở KCB để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Thứ ba, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, VTYT để điều trị cho người bệnh BHYT, đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm của cơ sở KCB .

Thứ tư, chủ động đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu;

Đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế; Theo dõi, đôn đốc việc mua sắm thuốc đảm bảo các cơ sở thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết đối với thuốc đấu thầu tập trung theo quy định về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Chủ động thông tin kết quả đấu thầu vật tư y tế

BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở KCB trên địa bàn rà soát kết quả đấu thầu, số lượng VTYT còn tồn và thời gian dự kiến sử dụng hết tại cơ sở KCB, thời gian dự kiến hoàn thành quy trình đấu thầu để xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu mua sắm, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời VTYT phục vụ công tác KCB.

Đồng thời, BHXH các tỉnh chủ động cung cấp thông tin về kết quả đấu thầu VTYT tại các địa phương, đơn vị (do BHXH Việt Nam đăng tải trên trang Thông tin điện tử) để các Hội đồng đấu thầu VTYT trên địa bàn tham khảo, lựa chọn chủng loại VTYT và xây dựng giá kế hoạch phù hợp, đúng quy định của pháp luật đấu thầu.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên; theo dõi và báo cáo kịp thời BHXH Việt Nam, UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị trong công tác cung ứng thuốc, VTYT cho người bệnh BHYT để được hướng, dẫn, chỉ đạo.

Trước đó, ngày 13/6/2022, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc đấu thầu mua, sắm thuốc, VTYT đảm bảo công tác KCB BHYT.

Theo đó, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở KCB thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định;

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn,… tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, VTYT thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.