Khám phá

Bí ẩn chùa cổ trên đỉnh núi Các mây vờn

03/03/2018, 08:15

Nằm sâu giữa những dãy núi cao, quần thể chùa Am Các được nhiều người dân khắp nơi đổ về chiêm bái.

27

Chùa Thượng

Từ trên đỉnh núi, người dân có thể nhìn thấy biển, thấy sông, hồ và bạt ngàn rừng xanh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã bị phá vỡ và đang được phục dựng. Nhưng từ những chứng cứ còn sót lại đã minh chứng cho một nền Phật giáo đã hình thành từ xa xưa.

Khám phá ngôi chùa cổ

Từ tuyến đường CHK Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, bạn hãy rẽ vào con đường bê tông mới hoàn thiện để lên chiêm ngưỡng chùa Am Các. Đi khoảng 200m, bạn sẽ gặp một khối đá lớn có hình dáng như chiếc mõ án ngữ ven đường. Tiếp đến là một giếng nước cổ quanh năm không bao giờ cạn.

Quần thể chùa Am Các nằm trên lưng chừng của dãy núi Các - một dãy núi có thế nhọn cong gồm 9 ngọn cao chót vót về phía Tây Bắc của xã Định Hải (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Trên núi này, sử cũ chép là nơi có loài trúc hoa thường mọc và là nơi trồng chè xanh phơi khô giã nát để bán nổi tiếng khắp vùng. Ngọn núi cao nhất cao gần 1.000m so với mặt nước biển và từ xưa nay ít người biết đến sự trường tồn của quần thể kiến trúc Phật giáo này.

Đại đức Thích Nguyên Đại cho biết, hiện nay quần thể chùa Am Các đang trong quá trình phục dựng. Được biết, năm 2017, một doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã bỏ tiền đổ 5km đường bê tông từ chân núi lên đến chùa Hạ. Khi giao thông được thuận tiện thì có thể nói đây là điểm vãn cảnh, lễ phật thú vị.

Vượt gần 3km đường uốn lượn, quanh co, bạn sẽ đến được chùa Hạ (quần thể chùa Am Các gồm có: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng và khu Tứ Phủ hay còn gọi là chùa Mẫu). Chùa Thượng nằm cao nhất, so với mực nước biển khoảng 700m. Từ chùa Hạ để lên chùa Trung và chùa Thượng, người dân phải đi qua những con đường đất, khe suối giữa các cánh rừng. Trời mưa việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn do đường trơn trượt.

Ghi nhận tại khu quần thể này cho thấy, chùa chỉ còn lại các hiện vật như tượng pháp, chân tảng đá hoa sen, bàn thờ đá, bệ đá hoa sen, bát hương… Tại chùa Hạ, còn có nhiều khối đá xanh to nặng hàng trăm tấn được tạc khắc không còn nguyên vẹn ngay trước lối ra vào của chùa. Bên cạnh đó là những tảng đá tự nhiên có hình dáng theo trí tưởng tượng như mai rùa, đàn cá voi… Đặc biệt, có hai ô đất được đắp cao mà theo người dân kể lại là mộ của hai nhà sư có từ rất lâu.

Những năm gần đây, du khách thập phương nghe đến tên chùa đã không quản ngại đường sá về đây hành hương, vãn cảnh. Chị Nguyễn Thị Thanh ở TP Thanh Hóa cho biết: Tôi nghe nói chùa cổ này đã từ lâu, năm nay mới cùng bạn bè về đây thắp hương vái Phật. Ở đây khung cảnh rất đẹp.

Khi đến Am Các, người dân còn được nghe kể những câu chuyện kỳ bí về khu rừng đêm đêm vọng tiếng mõ phát ra từ mõ tiên bằng đá to bậc nhất nước Nam, tiếng cầu kinh đều đặn vi vu cùng rừng thông già, rừng trúc, những núi đá có hình long chầu, hổ phục, cây khế gần 200 tuổi... Tất cả đều toát lên vẻ vừa thâm u, huyền ảo.

Dấu ấn của nền văn hóa, lịch sử

Nói về việc phục dựng quần thể chùa Am Các thì phải kể đến Đại đức Thích Nguyên Đại - trụ trì chùa. Năm 2014, từ những linh cảm, Đại Đức Thích Nguyên Đại từ chùa Yên Cát (xã Quảng Cát, TP Thanh Hóa), một mình lên Am Các dọn dẹp, phát quang cây cối mở lối đi lại giữa các chùa và đường lên xuống. 12km đường được Đại đức Thích Nguyên Đại làm ròng rã hàng năm trời. Lúc này chùa chưa có sư, người dân cũng không hay lui tới nhiều.

Theo truyền ngôn, Am Các là nơi mà Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933- 1011) vị tăng thống thời Đinh thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông là người tham gia tạo dựng và tu thiền. Ông xuất hiện với tầm vóc là nhà trí thức uyên thâm, tinh thông cả Nho, Phật, Lão, một nhà văn hóa tài năng đã đem trí tuệ tài năng đóng góp có hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập buổi đầu của hai triều đại đầu tiên trong lịch sử dân tộc là triều Đinh - Tiền Lê. Tầm vóc và uy tín của vị tăng thống này có sức quy tụ và lan tỏa để Am Các thực sự trở thành một trong những trung tâm Phật giáo từ thời kỳ này.

Một số nhà nghiên cứu nhận xét, dựa trên những nền móng cổ cho thấy Am Các là quần thể Phật giáo kiến trúc có hệ thống chuẩn mực, có lối kiến trúc, vị trí tọa lạc ưu thế, ưu việt của chùa. Hiện nay, chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào ghi chép một cách chính xác sự ra đời của chùa Am Các. Các sử gia nhà Nguyễn và cả Lê Qúy Đôn khi ghi chép về dãy núi Am Các với chè xanh - loại đặc sản của vùng này cùng với hai làng chế biến chè (làng Bạng và làng Văn Trai) cùng giống trúc hoa ở núi này được nhắc đến nhưng lại không nhắc đến một Am Các tự nổi tiếng từ trước đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.