Với địa thế phong thủy hội tụ cả Thanh Long (tương ứng với các dãy núi dài, hoặc sông dài) lẫn Bạch Hổ (tương ứng với thế đất cao), Nhà Xanh xứng đáng được gọi là “Thiên hạ đệ nhất phúc địa”. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu như để ý kỹ thì sẽ thấy Nhà Xanh có nhiều điểm không tốt về mặt phong thủy. Điều này được cho là nguyên nhân gây nên kết thúc đau buồn cho nhiều vị Tổng thống từng sinh sống ở đây trước kia.
Nhà Xanh liệu có phải là “Thiên hạ đệ nhất phúc địa”?
Nhà Xanh là tên gọi của Dinh Tổng thống Hàn Quốc, nằm tại quận Jongno Gu, thành phố Seoul. Vùng đất xây dựng Nhà Xanh ngày nay vốn là di tích Hoàng cung của vương quốc Goryeo. Đến triều đại Joseon, Hoàng cung được chuyển rời đến cung Cảnh Phúc, thì Nhà Xanh trở thành hậu hoa viên của Hoàng cung. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên (1910-1945), người Nhật cho xây dựng Dinh Toàn quyền Nhật Bản trên nền đất của hậu hoa viên này (nơi tòa nhà chính của Nhà Xanh tọa lạc hiện nay). Sau cuộc đảo chính tháng 4/1960, khi lên nắm chính quyền, Tổng thống bấy giờ là Yun Po Sun mới cho xây dựng lại và chính thức đổi tên hậu hoa viên thành Nhà Xanh.
Theo nhiều nguồn tin tiết lộ, khi ông Yun Po Sun khởi công xây dựng lại tòa Nhà Xanh vào năm 1960, các công nhân khi đào đất đã tìm thấy một phiến đá có khắc 6 chữ lớn “Thiên hạ đệ nhất phúc địa” (Mảnh đất có địa thế tốt nhất trong thiên hạ). Các nhà phong thủy sau khi nghiên cứu đã giải thích rằng: tòa Nhà Xanh được xây dựng ngay dưới chân ngọn núi Bắc Nhạc, một trong những ngọn núi có khí vương giả “vượng” nhất Hàn Quốc.
Lưng dựa vào ngọn Bắc Nhạc, từ đó có thể nhận được sự tiến cử, hỗ trợ và giúp đỡ của người khác. Đây là một địa thế phong thủy rất tốt bởi nó ứng với thế Huyền Vũ (có núi ở phía sau lưng). Phía bên trái của Nhà Xanh chính là ngọn Lạc Sơn ứng với thế Thanh Long, còn phía phải ứng với thế Bạch Hổ đã có ngọn Nhân Vương, một trong những dãy núi trung tâm của bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ngọn núi Bắc Nhạc ở phía sau Nhà Xanh lại có hình như một chiếc cung đang được kéo căng ra. “Giương cung ở phía sau bắn lén người khác” được coi là một địa thế đại kỵ trong phong thủy. Phía chính diện dinh tổng thống của Hàn Quốc chính là cung Cảnh Phúc, trong khi cửa chính của Nhà Xanh nằm đối diện với cửa sau của cung Cảnh Phúc và được nối với nhau bằng một con đường nhỏ và dài. Trong phong thủy đây gọi là thế “Thiên trảm sát”, một địa thế cực kỳ xấu và nguy hại, khiến các đời Tổng thống Hàn Quốc rất khó có thể phát triển như ý muốn và luôn gặp phải sự cản trở trong suốt thời kỳ cầm quyền.
Một điểm không tốt nữa là rất nhiều cây cầu, sông suối hay đường đi đều tạo thế chĩa thẳng về phía Dinh Tổng thống. Cầu càng lớn, đường càng to, dòng nước càng nhiều thì sự nguy hiểm mà chúng mang đến cho địa thế đó càng khủng khiếp.
Với địa thế phong thủy này thì tai họa thị phi kéo đến không ngớt. Điều đáng tiếc là Nhà Xanh lại hội tụ đầy đủ tất cả những địa thế xấu nhất này khi hầu hết những ngọn núi, dòng sông cho đến các con đường xuất hiện ở khu vực phụ gần dinh tổng thống đều giống như những mũi tên chĩa thẳng về phía Nhà Xanh. Trên thực tế, có lẽ người Hàn Quốc cũng biết rằng Nhà Xanh có một địa thế phong thủy cực kỳ hung hiểm, dù cho đến nay họ vẫn giữ tấm bia đá có khắc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất phúc địa”.
Toàn cảnh Nhà Xanh |
Dường như hiểu được phong thủy của Nhà Xanh mà cố Tổng thống Roh Moo Hyun đã lên kế hoạch “Dời đô” của Hàn Quốc từ Seoul về Sejong, dù gặp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận và gây tranh cãi trong suốt một thời gian dài. Những nhà cầm quyền phủ quyết ý kiến này, và soạn thảo ra nhiều văn bản tập hợp thành một bản lớn với tên gọi “Chống dời đô” để đưa ra thông qua ở Quốc hội nhằm ngăn chặn kế hoạch của ông Roh Moo Hyun. Tuy nhiên nỗ lực này là bất thành khi vào năm 2010, sau khi ông Roh Moo Hyun đã qua đời, kế hoạch “Dời đô” đã được thông qua.
Từ giữa tháng 9/2012, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển các văn phòng tới Sejong nằm cách thủ đô Seoul 150km về phía Nam. Song 10 cơ quan then chốt của chính phủ như Văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Quốc hội sẽ vẫn trụ lại ở Seoul. Kế hoạch dời đô được cho là sẽ còn kéo dài cho tới năm 2030, và Seoul vẫn tiếp tục là thủ đô trong khi Sejong là thành phố hành chính. Hy vọng với lần dời đô này, các vị Tổng thống Hàn Quốc trong tương lai sẽ tránh được cái gọi là “lời nguyền đối với các Tổng thống” từng lưu truyền trong những câu chuyện dân gian.
Những kết thúc buồn…
Theo truyền thuyết, năm 1910 quân Nhật xâm chiếm bán đảo Triều Tiên. Để trấn áp sự phản kháng, người Nhật cho rằng nhất định phải phá vỡ địa thế phong thủy vốn “rất vượng” ở đây. Vì vậy, người Nhật đã tiến hành đóng những cột sắt dài đến 8 mét tại những mạch núi quan trọng ở các phía đông tây nam bắc của Triều Tiên nhằm cắt đứt “địa mạch”, bao gồm cả nhiều ngọn núi gần khu vực cung Cảnh Phúc.
Ngày nay, người Hàn Quốc đã dỡ bỏ gần như toàn bộ những cọc sắt mà quân đội Nhật Bản chôn trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, địa thế phong thủy xung quanh Nhà Xanh đã bị phá vỡ, đặc biệt là “địa mạch” của thế Huyền Vũ. Điều này càng khiến địa thế chiếc cung được kéo căng nhắm thẳng vào phía sau lưng dinh tổng thống trở nên đặc biệt hung hiểm. Chủ nhân của những tòa dinh thự có địa thế phong thủy này chắc chắn không thể có kết cục tốt đẹp. Đây chính là một trong những lý do mà trong suốt những thập kỷ qua, nhiều tổng thống của Hàn Quốc sau khi về hưu đều dính líu tới những bê bối ầm ĩ, hay phải chịu số phận bi thảm như bị ám sát hoặc tự sát.
Cố Tổng thống Park Chung Hee |
Cố Tổng thống Park Chung Hee gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Chính ông đã thay đổi hiến pháp, chấp nhận một người có thể làm nhiều nhiệm kỳ Tổng thống. Nhờ vậy, Park Chung Hee đã nắm giữ chức vị Tổng thống Hàn Quốc trong suốt 18 năm. Tuy nhiên, tới ngày 26/10/1979, khi đang ngồi ăn tối cùng với Cục trưởng Cục Tình báo thì ông bị ám sát.
Từ tháng 8/1980, Chun Doo Hwan lên nắm chính quyền. Sau khi tại vị trong hai nhiệm kỳ thứ 11 và 12, đến năm 1988, do bị áp lực rất lớn từ phía dư luận, Tổng thống họ Chun tuyên bố sẽ không tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Sau khi từ chức, ông Chun Doo Hwan tự mình tới sống ẩn dật trong một khu miếu cổ tại một vùng hoang vắng ít người qua lại. Người được ông Chun lựa chọn và ủng hộ hết mình để trở thành người kế nhiệm chính là Roh Tae Woo.
Tháng 12/1987, ông Roh Tae Woo ứng cử vào chức vụ Tổng thống và kết quả ông trở thành Tổng thống nhiệm kỳ thứ 13 của Hàn Quốc. Tuy nhiên, 8 năm sau Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo lần lượt bị bắt vì tội biển thủ tài sản. Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 26/8/1996 ở Seoul, với tội danh chủ động tham gia hoạt động phản loạn quân sự, mưu sát cấp trên và nhận hối lộ, cựu Tổng thống Roh Tae Woo bị tuyên án 22 năm 6 tháng tù.
Vị Tổng thống nhiệm kỳ thứ 14 của Hàn Quốc, Kim Young Sam cũng không có kết cục khá hơn những người tiền nhiệm. Trong thời gian cầm quyền (1993 – 1998), Kim Young Sam đã phê chuẩn cho sự bành trướng của rất nhiều các nhà tài phiệt, khiến rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp ở Hàn Quốc lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Điều này dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
Khi quốc gia đứng trước bờ vực phá sản, vị Tổng thống thứ 14 buộc phải xin cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế. Vận đen tiếp tục đeo bám ông khi con trai phải ngồi tù vì tham nhũng, và chỉ được tha khi Tổng thống kế nhiệm là Kim Dae Jung lên nắm quyền.
Từ thập niên 50, Kim Dae Jung là người tham gia tích cực trong những cuộc vận động chống lại chế độ độc tài của Park Chung Hee và Chun Doo Hwan. Chính vì vậy, khi Chun Doo Hwan lên nắm quyền, Kim Dae Jung đã bị xử tội tử hình, nhưng được tha sau đó và sống lưu vong tại Mỹ. Cuối năm 1997, Kim Dae Jung trở về nước, ứng cử Tổng thống và lên cầm quyền từ tháng 2/1998. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, ông vướng phải nhiều bê bối liên quan tới tiền bạc, trong khi hai con trai đều bị bắt do trốn thuế và tham ô.
Ngày 23/5/2009, cả đất nước Hàn Quốc bàng hoàng khi nghe tin Roh Moo Hyun, vị Tổng thống nhiệm kỳ thứ 16, đã nhảy xuống một khe núi gần nhà tự sát. Người Hàn Quốc gọi cái chết của vị cựu Tổng thống là một bi kịch dân tộc vô cùng đau đớn. Nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến ông đi đến quyết định tiêu cực xuất phát từ bê bối nhận tiền hối lộ vào năm 2007.
Sự kiện này càng khiến hai chữ “Tổng thống” ở Hàn Quốc mang thêm màu sắc bi kịch. Nhiều người cho rằng, thực tế đó chỉ là sự ngẫu nhiên trong tình hình chính trị kém ổn định. Tuy nhiên, các nhà phong thủy lại khẳng định chính địa thế phong thủy của Nhà Xanh - nơi đặt Dinh Tổng thống - là nguồn cơn của mọi vận hạn, khiến những ông chủ khó có được một kết thúc “hạ cánh an toàn”…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận