Một công ty tại Malaysia đã làm mất thiết bị phân tán phóng xạ trên đường vận chuyển vào ngày 10/8 |
Cảnh sát và Ban Quản lý năng lượng nguyên tử (AELB) Malaysia đang ra sức tìm kiếm thiết bị RDD bị mất hôm 10/8 có khả năng phát ra tia bức xạ gamma vô cùng nguy hiểm. Điều giới chức Kuala Lumpur lo ngại nhất là nếu rơi vào tay kẻ xấu, thiết bị này có thể bị biến thành bom bẩn vô cùng nguy hại cho sức khỏe con người.
Vụ mất tích đáng ngờ
Thiết bị phân tán phóng xạ (RDD) đã bị mất ở ngoại ô Thủ đô Kuala Lumpur. Đây là thiết bị chụp X-quang công nghiệp, có chứa chất đồng vị phóng xạ Iridium-192, có thể phát ra các bức xạ beta và gamma.Thời hạn sử dụng của hợp chất này vào khoảng 73 ngày, kể từ khi nó được lấy ra khỏi hộp bảo vệ.
Một nguồn tin cho biết, hai kỹ thuật viên của một công ty tư nhân đã vận chuyển RDD từ Seremban đến văn phòng ở Shah Alam, Selangor vào lúc 2h sáng 10/8. Khoảng một tiếng sau, họ phát hiện thiết bị đã bị mất.
Theo lời khai của các nhân viên trên, có thể RDD đã rơi ra khỏi chiếc xe bán tải khi cửa sau vô tình mở ra, mặc dù họ không hề dừng lại trên cả quãng đường dài 60km. Cả hai đã quay trở lại tìm kiếm nhưng không thấy.
Các nhà điều tra cho biết, sau khi tiến hành kiểm tra, họ nhận thấy khóa cửa sau của chiếc xe tải không bị hỏng và trong điều kiện này, chắc chắn thiết bị phân tán phóng xạ đã bị đánh cắp. Đồng thời, cơ quan chức năng không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cửa sau tự mở.
Mặc dù còn nhiều nghi vấn trong lời khai nhưng cuối cùng, cảnh sát vẫn phải thả hai kỹ thuật viên làm mất thiết bị phát tán phóng xạ vì không đủ bằng chứng để bắt giữ.
Theo báo cáo, Iridium-192 là một trong những đồng vị phóng xạ bị đánh cắp nhiều nhất. Nó được sử dụng chế tạo bom bẩn bằng cách cài vào một thiết bị sử dụng chất nổ thông thường như dynamite để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Hợp chất này chỉ an toàn khi nằm trong hộp chứa làm bằng chì.
Điều cảnh sát và AELB Malaysia lo ngại là thiết bị nói trên có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố hoặc các chiến binh thánh chiến, thậm chí bị những người nhặt, buôn bán phế liệu có thể phá dỡ và đem bán lấy tiền. Thiết bị RDD hiện có giá trên thị trường là 75.000RM (khoảng 18.000USD).
Tuy nhiên, nếu không có đủ kinh nghiệm, những người tháo dỡ RDD có thể gây nguy hại cho mình và những người xung quanh. Các tia gamma phát ra từ thiết bị có “năng lượng cực cao”, khi tiếp xúc có thể bị phá hủy tế bào, dẫn đến bị bỏng bức xạ, phát triển ung thư và đục thủy tinh thể.
Báo động tình trạng mất phóng xạ trên toàn thế giới
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), chỉ tính năm 2014, có trên 120 nước báo cáo mất phóng xạ với gần 2.500 vụ. Điều đáng ngạc nhiên nhất là hầu hết những vụ việc như vậy lại xảy ra ở các cường quốc hạt nhân lâu năm.
Tại Nga, chỉ trong hai năm từ 2010-2011, có tới 200 vụ thất lạc nguồn phóng xạ. Còn tại Anh, trong vòng 10 năm từ 2004-2014, 30 vụ mất cắp đã xảy ra. Riêng Nam Phi, một quốc gia chưa sở hữu nhiều năng lượng hạt nhân, năm 2010 đã xảy ra 200 vụ.
Đối với Malaysia, đây không phải trường hợp bị mất trộm chất phóng xạ đầu tiên. Tháng 2/2017, cảnh sát và các chuyên gia hạt nhân Malaysia đã tìm thấy hai chiếc máy chiếu bên trong có chứa chất phóng xạ Iridium-192 tại TP Klang.
Hai thiết bị này là tài sản của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn dầu khí, đã được báo bị mất trộm từ vài ngày trước đó. Khi cảnh sát phát hiện, các máy chiếu trên đều ở trong tình trạng bị tháo dỡ. 8 người liên quan đến vụ việc đã bị cảnh sát bắt giữ.
Còn lại Mỹ, một trong những sự cố thất lạc chất phóng xạ xảy ra gần đây nhất vào ngày ngày 21/3/2017, khi hai chuyên gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) thực hiện nhiệm vụ đi thu hồi các vật liệu nguyên tử nguy hiểm từ Phòng Thí nghiệm quốc gia Idaho đã làm mất máy dò phóng xạ và các đĩa nhỏ chuyên dụng đựng hai chất phóng xạ plutoni và xezi.
Sau nhiều thời gian tiến hành điều tra, cơ quan chức năng vẫn không tìm thấy bất kỳ manh mối nào giúp làm sáng tỏ vụ trộm. Điều đáng báo động là đến thời điểm hiện tại, sau hơn một năm xảy ra vụ mất cắp, các vật liệu phóng xạ nguy hiểm trên vẫn chưa được tìm thấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận