Doanh nghiệp bán lẻ bị “bỏ rơi”?
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước vừa gửi đơn “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc bình ổn thị trường xăng dầu hiện nay.
Đơn kiến nghị của các doanh nghiệp
Đơn kiến nghị nêu lên những quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DNBL) thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Cụ thể, theo quy định, hiện doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi, nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu.
Trong khi đó, doanh nghiệp dù lỗ hay lãi vẫn phải mở bán.
"Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu", văn bản kiến nghị nêu rõ.
Theo quy định, dù lỗ hay lãi, cửa hàng xăng dầu vẫn phải mở bán
Một điểm bất hợp lý khác, theo doanh nghiệp bán lẻ, khi giá tăng, DN bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng, họ để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù DN bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng nên dẫn đến đóng cửa.
Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Với đề xuất này, Bộ Công thương cũng thừa nhận đây cũng là một giải pháp, tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng dầu giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, sẽ dồn hết sự khó khăn lên doanh nghiệp đầu mối (đơn vị tạo nguồn cung xăng dầu) khi việc kinh doanh gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu.
Hiến kế gỡ khó lo ngại từ Bộ Công thương, theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, khi quy định chiết khấu tối thiếu cho cửa hàng bán lẻ, Bộ Công thương cần hướng dẫn các đầu mối, thương nhân phân phối tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức. Làm được điều này sẽ chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng.
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Áp dụng đối với cả doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
"Chúng tôi kỳ vọng khi Thủ tướng có chỉ đạo trong Nghị quyết 03 về việc Bộ Công thương phải sớm sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Mong muốn các bộ ngành lắng nghe doanh nghiệp bán lẻ, sửa đổi quy định đảm bảo lành mạnh thị trường, cạnh tranh bình đẳng mới giúp tháo gỡ những nút thắt hiện nay", các doanh nghiệp đề xuất.
Giải pháp tổng thể ra sao?
Chia sẻ với PV Báo Giao thông về giải pháp tổng thể khi sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhằm ổn định thị trường, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, cho rằng: Nếu chỉ sửa về giá thì không ổn. Giá chỉ là một vấn đề!.
Theo ông Thỏa, vấn đề quan trọng sau giá cần sửa đổi là điều kiện kinh doanh xăng dầu. Cần sửa theo hướng, quy định thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối đến giai đoạn nào đó phải có bao nhiêu cửa hàng.
“Việc đưa ra lộ trình sẽ làm cho doanh nghiệp Việt lớn lên, đủ nguồn lực khi mở cửa cho nước ngoài vào cạnh tranh”, ông Thỏa nói và nhấn mạnh, việc này cũng sẽ giúp giải quyết được tình trạng như vừa qua, là thời điểm khó khăn thì thương nhân đầu mối “bỏ rơi” thương nhân phân phối, khi đó thương nhân phân phối lại “bỏ rơi” các cửa hàng, đại lý.
Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn, dẫn đến chiết khấu thấp vẫn phải lấy
Dẫn chứng về luồng ý kiến cho là cần mở tung thị trường xăng dầu để cạnh tranh nhau, ông Thỏa một lần nữa khẳng định sự can thiệp bằng điều kiện kinh doanh.
“Hiện xăng dầu là lĩnh vực còn tồn tại một số doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (PV OIL và Petrolimex chiếm khoảng 70% thị trường), vì thế, Nhà nước vẫn phải can thiệp, trong đó có can thiệp bằng điều kiện kinh doanh”, ông Thỏa nói.
Cùng với giải pháp trên, ông Thỏa cho rằng, cũng cần sửa đổi quy định về nhập hàng để tránh bị vỡ hệ thống, khi với quy định hiện nay, thương nhân phân phối có thể lấy hàng ở bất kỳ đầu mối nào, bởi vậy, lúc khó khăn về nguồn hàng, họ chỉ lo cho các cửa hàng trong hệ thống của mình, mà “bỏ rơi” các thương nhân phân phối không thường xuyên mua hàng.
Ông Thỏa cũng đồng ý với đề xuất cho thương nhân phân phối lấy hàng từ tối đa 3 thương nhân đầu mối. Nhưng ông khuyến nghị, thương nhân phân phối đó phải đăng ký với đầu mối về sản lượng mỗi năm, để đầu mối phải có trách nhiệm cấp đủ hàng.
Ngoài ra, thương nhân phân phối cũng phải đăng ký hệ thống phân phối với đầu mối và có trách nhiệm với các cửa hàng bán lẻ của mình.
Khi đó, các cấp từ đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ sẽ có trách nhiệm với nhau, dẫn đến có trách nhiệm chia hoa hồng cho nhau để giữ được hệ thống.
“Nếu không có ràng buộc thì cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận