Hỏi - Đáp

Bị can trốn truy nã ở nước ngoài sẽ bị dẫn độ về như thế nào?

15/07/2020, 15:11

Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đang bị truy nã. Nếu đang bỏ trốn ở Pháp, bị can Thoa sẽ bị dẫn độ về Việt Nam.

img
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

Liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương vì bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn.

Bộ Công an cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can này. Khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, sau khi nghỉ hưu, bà Thoa đã ra nước ngoài sinh sống. Vậy nếu bị can Thoa đang ở nước ngoài, thì việc dẫn độ bị can về Việt Nam chịu tội sẽ được thực hiện như nào?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, điều 32, chương 4 Luật Tương trợ tư pháp quy định, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Theo quy định, yêu cầu dẫn độ được gửi thông qua đường ngoại giao. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải kèm theo các tài liệu mô tả chi tiết về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm các thông tin để xác định đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi cư trú của người đó... Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người chưa bị kết án, phải kèm theo bản sao lệnh bắt của thẩm phán hay người có thẩm quyền khác của Việt Nam và văn bản xác nhận theo quy định của bên được yêu cầu dẫn độ, việc chuẩn bị xét xử về tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thông tin xác nhận người bị dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt.

Cũng theo quy định, để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia. Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.

Cùng với đó, để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài. Tuy nhiên, trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể.

"Trong trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ thì chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao để đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam", luật sư Cường cho hay.

Ngày 13/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 10 bị can phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; và Vi phạm quy định về quản lý đất đai, liên quan đến "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Bị can Hồ Thị Kim Thoa (SN 1960, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm đã gây thiệt hại đặc biệt lớn khi quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.080m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.

Do bị can Thoa đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT ra quyết định truy nã bị can này; đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Thoa, khi nào bắt được sẽ tiến hành điều tra và phục hồi xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 29/8/2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/9/2017.

Vào ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Theo kết luận kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã kỷ luật cảnh cáo với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ đối với bà Thoa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ bí thư Đảng ủy, giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1/2004 - 5/2010).

Ngày 28/7/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa có đơn xin nghỉ việc vì "lý do cá nhân".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.