Ông Nguyễn Thành Tài được đưa đến toà và ông khai đang kháng cáo vụ án liên quan đến khu đất vàng 2-4-6 Lê Duẩn Q.1
Các bị cáo đều có tiền án, tiền sự
Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, bà Dương Thị Bạch Diệp cùng 8 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo hầu tòa do liên quan đến sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM, được cho là gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng. Bị hại của vụ án được xác định là Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM.
Trong phần xét hỏi lý lịch bị cáo, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương khai có 2 người con, đã ly dị chồng. Bản thân có tiền án, tiền sự nhưng chưa bị xét xử lần nào.
Cụ thể, năm 1994, bị cáo có liên quan đến vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân, bị bắt giam 5 tháng rưỡi, sau đó được trả tự do. Trong vụ án hiện nay, bị cáo bị bắt tạm giam 24/1/2019. Bản thân đang có một số bệnh trong người nhưng đủ sức khỏe để dự phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài thừa nhận bản án trước đó: “Bị cáo đã dính vào vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã được TAND TP.HCM xét xử vào tháng 9/2020 và bị tuyên phạt 8 năm tù. Bị cáo đã kháng cáo”.
Tuy nhiên HĐXX giải thích: Bản án chưa xét xử phúc thẩm nên chưa có hiệu lực, chưa coi là tiền án đối với bị cáo.
Nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, bị cáo Lê Văn Thanh khai, vào tháng 5/2020 bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Hiện bị cáo Thanh đang thi hành án tại trại giam Chí Hòa.
Tương tự, bị cáo Đào Anh Kiệt cũng đang đang thụ lý bản án khác với hình phạt 11 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (tòa xử ngày 22/5/2020).
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đòi đổi VKS và yêu cầu triệu tập nhiều đơn vị
Sau phần kiểm tra nhân thân, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp xin HĐXX cho được xưng hô “tôi” trước tòa nhưng HĐXX không đồng ý. “Nhân xưng danh theo luật quy định trước tòa phải là bị cáo”, HĐXX nói.
Tiếp đó, bị cáo Diệp đề nghị thay đổi kiểm sát viên (KSV) Trịnh Thị Lan Anh vì cho rằng “bà ta” có những thủ đoạn bao che. Đặc biệt, bị cáo Diệp tố hồ sơ giấy tờ của cơ quan cảnh sát điều tra có những giấy tờ là giả.
Vì thế, bà đề nghị tòa triệu tập đại diện Văn phòng đăng ký đất đai (trước đây là Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Triệu tập Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM; triệu tập đại diện Phòng Công chứng số 1; triệu tập điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03)…
Một luật sư cũng kiến nghị triệu tập đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh TP.HCM.
Riêng luật sư Trương Trọng Nghĩa, người bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị cáo Nguyễn Thành Tài đề nghị triệu tập ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM để tránh xét xử oan sai.
Sau khi hội ý, HĐXX đã kết luận không chấp nhận yêu cầu thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa của bà Diệp. Việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa cũng không cần thiết. HĐXX sẽ triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo cáo trạng của Viện KSND tối cao đã nêu trong cáo trạng.
Phiên tòa tiếp tục với phần Viện KSND đọc bản cáo trạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận