Cụ bà Lê Thị Nga cùng các con đối diện với nguy cơ không có nhà để ở. Ảnh: Tấn Việt. |
Ngày 23/11, đoàn kiểm tra do ông Trương Chí Trung, Thẩm phán - Chánh tòa dân sự TP Đà Nẵng dẫn đầu trực tiếp đến kiểm tra, lắng nghe ý kiến các đương sự trong vụ việc cụ bà Lê Thị Nga (SN 1935) gửi đơn cầu cứu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Cùng đi có bà Lê Thị Mỹ, Kiểm sát viên (VKSND Đà Nẵng); ông Tạ Trung Thành, cán bộ tư pháp P. Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê). Qua xem xét thực tế, đoàn đã lập biên bản làm việc trước sự chứng kiến, ký tên của những cá nhân liên quan.
Theo nội dung biên bản, trên lô đất 354m2 (tổ 14, P. Thanh Khê Tây) hiện có 3 ngôi nhà. Nhà chính là nhà thờ đang được ông Ngô Văn Bổn (52 tuổi) sinh sống, thờ cúng, chăm sóc cụ Nga.
Ngôi nhà thứ hai của ông Ngô Văn Tiệp (43 tuổi) xây dựng từ năm 2000 trên mảnh đất 60m2, trong lô đất chính. Theo ông Tiệp, cha mẹ ông đã viết giấy tạm cho nhưng bị thất lạc. Hàng năm ông vẫn đóng thuế nhà đất đầy đủ đối với mảnh đất này.
Ngôi nhà thứ 3 của ông Ngô Thống Nhất (40 tuổi), diện tích đất 45m2 do cha mẹ tách cho từ năm 2009. Hiện ông Nhất vẫn còn giữ giấy tờ tạm cho đất của cha mẹ, có ký xác nhận của 9 anh chị em trong gia đình.
Đoàn kiểm tra cùng gia đình bà Nga nghe đọc biên bản làm việc, xem xét thực tế. Ảnh: Tấn Việt. |
Trước đó, trong bức thư gửi Bí thư Nguyễn Xuân Anh, cụ Nga nêu rõ, vợ chồng cụ sống trong 1 ngôi nhà tại tổ 14 (P. Thanh Khê Tây). Ngày 17/6/1993, UBND TP Đà Nẵng cấp cho chồng cụ Nga là cụ ông Ngô Văn Hạnh (SN 1934, vừa qua đời) “trích lục sổ nghiệp chủ”.
Đến năm 2012, khi có quy định về việc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), vợ chồng cụ Nga nhờ anh Ngô Văn Pháp (con trai đầu) đại diện làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ nhà đất theo quy định. GCNQSDĐ mới này vẫn đứng tên vợ chồng cụ Nga.
Sau đó, anh Pháp làm ăn thua lỗ, nợ nần khắp nơi. Lúc này cụ Hạnh đang bệnh nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Lợi dụng lúc cha mẹ già, sức khỏe suy kiệt, Pháp đã nhờ Văn phòng Công chứng Trọng Tâm (197 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) soạn sẵn hợp đồng cho tặng nhà đất sang tên mình.
Cầm hợp đồng trên tay, Pháp rủ theo 2 người bạn đến bệnh viện thuyết phục cha mình ký. Nghe con trai nói là “giấy tờ cấp mới sổ đỏ”, cụ Hạnh không mảy may nghi ngờ, đặt bút ký vào hợp đồng. Cầm hợp đồng trên tay, Pháp lập tức đem giấy tờ nhà đi gán nợ 700 triệu đồng. Đến khi chủ nợ yêu cầu giao nhà thì vợ chồng cụ Hạnh mới biết sự việc không như anh Pháp nói.
Hiện trên mảnh đất của cụ Hạnh chia ra 4 lô nhỏ. Anh Pháp được cho 1 lô nhưng đã bán đi và mua chỗ ở khác. Ba lô đất còn lại, cụ Hạnh cho 3 người con trai khác và các con cụ cũng đã cất nhà ở suốt 15 năm qua, nhưng vẫn chưa làm thủ tục tách đất.
Bị chủ nợ siết nhà, 2 vợ chồng già cùng con cháu có nguy cơ ra đường. Quá uất ức, cụ Hạnh làm đơn kiện anh Pháp ra TAND Q. Thanh Khê. Trong lúc tòa thụ lý hồ sơ, cụ Hạnh vì quá lo lắng, đau ốm triền miên rồi qua đời vào tháng 5/2015.
Ông Trương Chí Trung (áo trắng) và bà Lê Thị Mỹ nghe các đương sự trình bày về nhà riêng của mình trên mảnh đất 354m2. Ảnh: Tấn Việt. |
Chồng chết, cụ Nga vẫn quyết đòi lại công lý cho gia đình. Cụ ủy quyền cho con trai thứ là anh Ngô Văn Tiệp tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 28/9/2015, TAND Q. Thanh Khê tuyên: Cụ Nga cùng con cháu phải lập tức bàn giao nhà cho anh Pháp, để anh gán cho chủ nợ!
Ngay tại phiên tòa này, anh Pháp tỏ ra hối hận và thừa nhận mình lợi dụng lúc cha mẹ không còn minh mẫn để lừa gạt. Tuy nhiên, anh Pháp cũng cho rằng mình bị chính chủ nợ lừa.
Trong khi đoàn đang làm việc tại nhà chính, bên ngoài sân, các con cụ Nga giăng biểu ngữ "Chính quyền Đà Nẵng - xin cứu gia đình chúng tôi". Vụ việc khiến cho nhiều người dân lân cận tập trung theo dõi. Con hẻm nhỏ gần như không còn chỗ để xe. |
Theo anh Pháp, khi anh dùng sổ đỏ gán nợ, anh và chủ nợ đã thỏa thuận sau 15 ngày nếu không trả đủ 700 triệu sẽ sang tên chủ nhà cho người chủ nợ. Nhưng mới qua 12 ngày, chủ nợ đã tự ý dùng giấy tờ anh Pháp thế chấp đi sang tên đổi chủ thành tên mình. Điều này đã vi phạm thỏa thuận giữa các bên.
Tuy nhiên, TADN Q. Thanh Khê bác bỏ hoàn toàn những lời anh Pháp khai. Quá bức xúc với bản án đã tuyên, anh Tiệp đệ đơn kháng án.
Ngày 9/10, VKSND Q. Thanh Khê ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND Q. Thanh Khê với nội dung: "Bản án sơ thẩm số 39/2015/DSST ngày 28/9/2015 của TAND Q. Thanh Khê đã vi phạm về nội dung: Vận dụng điều luật, sử dụng và đánh giá chứng cứ, không đúng bản chất sự việc, nội dung vụ án. Xác định mục đích giao dịch trái với quy định của pháp luật..".
Theo ông Trương Chí Trung, sau khi VKSND Q. Thanh Khê kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND Q. Thanh Khê, TAND TP Đà Nẵng sẽ sớm tổ chức phiên tòa phúc thẩm công khai. Tại phiên phúc thẩm, tòa sẽ lắng nghe một lần nữa ý kiến của tất cả các bên nhằm phân định rõ trách nhiệm, trả lại công bằng cho người dân.Cũng trong buổi xem xét thực tế ngày 23/11, đoàn kiểm tra và các con bà Nga cùng thống nhất về con số đo đạt thực tế của cán bộ địa chính P. Thanh Khê Tây. Các đương sự cam kết không liên quan gì đến món nợ của anh Pháp, mong muốn TAND TP Đà Nẵng buộc anh Pháp tự chịu trách nhiệm về số nợ của mình.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin sự việc...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận