Bản đồ “đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc hôm qua đã bị PCA tuyên bố vô giá trị |
Chiều qua, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) công bố phán quyết dài 497 trang, về vụ kiện trọng tài giữa Philippines với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền biển Đông.
“Đường 9 đoạn” không có giá trị
PCA tuyên bố, yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử trên những tài nguyên tại các vùng nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”). Cụ thể: Mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải Trung Quốc cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các “đảo” ở biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử từng độc quyền kiểm soát các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.
PCA cũng phán quyết: Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong việc thăm dò các nguồn tài nguyên gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên biển Đông; Không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây); Ngoài ra, PCA khẳng định, Trung Quốc đã can thiệp vào quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) và những hành động này đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp trong lúc đang có những nỗ lực để giải quyết tranh chấp.
Về quy chế của các thực thể, PCA khẳng định không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Về môi trường biển, các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường sinh thái biển. PCA còn nhấn mạnh, các hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không phù hợp với nghĩa vụ của một Nhà nước trong tiến trình giải quyết tranh chấp.
Các bên liên quan cần tuân thủ
Ngay sau khi PCA ra phán quyết, ông Perfecto Yasay, Ngoại trưởng Philippines kêu gọi: “Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu quyết định của toà một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế. Philippines tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này. Phán quyết của toà án tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982”.
8h cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chủ trì cuộc họp Nội các khẩn bàn về phán quyết “bước ngoặt” trên. Ông Martin Andanar, Thư ký truyền thông Văn phòng Tổng thống cho biết, sẽ cung cấp bản tóm tắt phán quyết cho Tổng thống vào sáng nay (13/7) và hoàn thành bản dịch cẩn thận, kỹ lưỡng trong vòng 5 ngày”.
Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố tương tự như nhiều lần trước đó rằng, “không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông không bị ảnh hưởng vì phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định, Nhật Bản ủng hộ phán quyết và khẳng định, phán quyết của Toà Trọng tài về biển Đông là cuối cùng và có tính ràng buộc về pháp lý, các bên liên quan cần phải tuân thủ. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hy vọng các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về biển Đông nói trên và hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi PCA ra phán quyết này.
Về phía các chuyên gia quốc tế, ông Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore nhận định: “Phán quyết này như một đòn pháp lý mạnh mẽ giáng vào tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Trung Quốc sẽ phản ứng vô cùng tức giận, cụ thể là sử dụng “võ miệng” và có lẽ thông qua các hành động ngày càng khiêu khích trên biển Đông”. Còn ông Paul Reichler, Trưởng cố vấn của Philippines trong vụ kiện đánh giá: “Đây không chỉ là chiến thắng cho Philippines mà còn là chiến thắng của luật pháp quốc tế, đóng góp một phần vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận