Tài xế Indonesia đau đầu vì bản đồ điện tử chỉ sai đường |
Bản đồ chỉ đường tích hợp trên các ứng dụng đặt xe qua điện thoại như Uber/Grab tưởng chừng không mấy quan trọng nhưng nó lại là một trong những yếu tố quyết định đến tâm lý khách hàng và ảnh hưởng quy mô dịch vụ.
“Mua đường” vì bản đồ điện tử
Câu chuyện của Suri Nurani, một nữ xe ôm hợp tác với công ty đặt xe qua điện thoại Go-Jek của Indonesia thường xuyên kiếm sống bằng cách đưa khách hàng từ điểm nọ tới điểm kia với con đường nhanh, dễ nhất có thể đã bộc lộ một số bất cập từ ứng dụng Google Maps.
Có thể, nhiều người sẽ nghĩ những ứng dụng chỉ đường điện tử như Google Maps và Waze là “cứu tinh” với Nurani nhưng thực chất cô thường xuyên dựa vào cách hỏi đường từ người dân địa phương. Sử dụng hai ứng dụng này chỉ khiến cô “đốt” thời gian.
Có lần, Nurani nhận đơn hàng giao thực phẩm tới một địa điểm nằm trong khu phố như mê cung tại Jakarta. Cô đi theo chỉ dẫn Google Maps tới chính xác địa điểm có chấm xanh chỉ trên bản đồ nhưng địa điểm đó lại không hề liên quan tới địa chỉ nhà mà cô cần.
Vì vội vàng giao món ăn nóng cho khách nên cô đã gọi điện hỏi trực tiếp khách đường đi. Và sau không biết bao nhiêu chỉ dẫn của người đi đường, cô mới quay về đúng địa điểm cần tới. Nurani bức xúc nói: “Google Maps thường dẫn tôi đi quá xa địa điểm tôi muốn đến.
Tôi đã phải gọi điện cho khách hàng và tốn khá nhiều tiền điện thoại mới có thể đón được khách hoặc giao được hàng. Thu nhập vốn đã không nhiều nên tôi không hề muốn lãng phí tiền cước điện thoại cho việc hỏi chỉ đường quá nhiều”.
Nhưng Nurani không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều tài xế làm việc tại các công ty gọi xe ở Đông Nam Á đều ít dựa vào công cụ định vị điện tử hơn so với các đồng nghiệp ở phương Tây.
Bản đồ thiếu chính xác, mù công nghệ điện tử đặc biệt là những tài xế lớn tuổi, thiếu đào tạo từ các công ty gọi xe đều là các vấn đề mà tài xế hợp tác với các công ty đặt xe qua điện thoại gặp phải.
Đây là thông tin khá buồn đối với một ngành đang tăng trưởng mạnh trong nhiều năm gần đây, bao gồm tại Đông Nam Á nơi thị trường gọi xe ước tính đạt hơn 20 tỉ USD đến năm 2025 - gấp 4 lần so với năm 2015, theo báo cáo từ Google và Quỹ Đầu tư Singapore Temasek.
Dễ gây bức xúc, hủy chuyến
Ứng dụng bản đồ mà ngành công nghiệp gọi xe phụ thuộc không chính xác dẫn đến khả năng hủy chuyến và bức xúc càng cao hơn. Gentur Adiutama, một công chức tại Jakarta, thường xuyên dùng dịch vụ này chia sẻ: “Đôi khi tôi phải giải thích địa điểm của mình với tài xế đến 2-3 lần mà họ vẫn hỏi. Lúc không vội, tôi có thể thông cảm cho một số tài xế không thông thạo đường sá nhưng khi bận, tôi thực sự thất vọng khi họ không thể tìm chính xác vị trí đón khách”.
Một trong những lý do bản đồ trực tuyến tại Mỹ, Australia, châu Âu hoạt động tốt hơn là nhờ cơ sở dữ liệu bản đồ chính xác hơn - ông Mark Graham, Giáo sư Viện Internet Oxford thuộc Đại học Oxford cho biết.
“Bản đồ trực tuyến luôn phụ thuộc vào dữ liệu hỗ trợ. Ở một số nơi trên thế giới, cơ sở dữ liệu này luôn được cập nhật liên tục và chính xác, một phần vì hệ sinh thái của dữ liệu địa lý bao quát rộng, chất lượng tốt”, ông Graham nói.
“Tuy nhiên, ở các nước như châu Á, có rất ít dữ liệu điện tử có sẵn. Đôi khi, dữ liệu này gần như không được số hóa hoặc không có sẵn để dùng cho mục đích thương mại, đồng nghĩa các công ty có ít dữ liệu thô để hợp tác”, cũng theo ông Graham.
Cải tiến, địa phương hóa bản đồ điện tử
Các công ty vẫn đang bắt đầu giải quyết vấn đề. Tháng trước, Google đã công bố ứng dụng cho xe máy tại Indonesia - nơi có lượng xe 2 bánh nhiều gấp 7 lần xe ô tô. Công ty này cũng chỉnh sửa bản đồ để phù hợp với luật giao thông Jakarta như chặn đường vào ngày “không xe ô tô”.
“Cung cấp các tuyến đường cho xe máy là đặc tính được yêu cầu nhiều nhất từ người dân Indonesia. “Trước đó, người điều khiển xe máy thường xuyên phải ước tính thời gian đến nơi dựa trên kết hợp cả dự tính quãng đường dành cho người đi bộ và ô tô”- ông Shasa Sunu, nhà quản lý marketing sản phẩm tại Google Indonesia cho biết. Để đưa thêm tính năng dự tính cho xe máy, “Google đã mất khoảng 12 tháng để đi từ ý tưởng đến thực tế”, ông Shasa nói.
Google không phải là công ty kỹ thuật duy nhất điều chỉnh bản đồ điện tử theo đường phố Indonesia. Grab đã và đang sử dụng dữ liệu bản đồ “siêu địa phương” (Hyperlocal) một cách rất hiệu quả và đó là lý do để họ có thể chiếm ưu thế so với Uber trong khu vực Đông Nam Á.
Quay trở lại cách đây 2 năm, Grab đã triển khai nhân lực để cải thiện dữ liệu bản đồ. Nỗ lực này của họ đã tạo ra hơn 3.000 điểm đón chính xác và mới trên khắp vùng Đông Nam Á.
Dữ liệu được địa phương hóa kết hợp với dữ liệu sẵn có do các nhà cung cấp bản đồ thương mại mà Grab sử dụng như Google Maps, Foursquare, và HERE của Nokia cùng một số công ty khác.
Grab cũng tạo ra những thuật toán giúp người điều khiển phương tiện tuân thủ luật giao thông cá biệt tại từng địa phương chẳng hạn như: Quy định cấm phương tiện tham gia giao thông theo biển số chẵn-lẻ tại Jakarta hay quy định cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ chạy vào 11 tuyến phố trong giờ cao điểm tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam - ông Ajay Bulusu, người đứng đầu mảng hoạt động bản đồ của Grab cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận