Đối tượng đòi nợ không phép thường có hành vi quá khích gây tâm lý hoang mang cho con nợ - Ảnh: Độc Lập |
Mất tiền lại bị đe dọa tính mạng
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh N.V.T. nhân viên một công ty thu hồi nợ thuê có tiếng tại Hà Nội cho hay: “Trước Tết tầm 2 tháng là thời gian cao điểm, bất kể ngày đêm, hễ lúc nào thấy con nợ xuất hiện là mình phải có mặt”. Về giá cả, anh T. cho biết, tùy theo thương vụ và giá trị hợp đồng đòi nợ, thông thường tiền công từ 45 - 50% số nợ dưới 100 triệu đồng và 20 - 25% đối với số nợ lên tới vài tỉ đồng.
Bằng cách trên, nhiều chủ nợ đã nhanh chóng đòi được những khoản nợ xấu khó đòi “ngâm” từ cả chục năm trời. Tuy nhiên, không ít trường hợp lại tự chuốc rắc rối từ chính đối tượng được thuê đòi nợ. Đơn cử một chủ thầu xây dựng tại Hoài Đức, Hà Nội cho hay, làm công trình đã xong gần 2 năm nhưng chủ vẫn không chịu thanh toán nốt số tiền khoảng 100 triệu đồng. “Cuối năm túng bấn nên đành phải nhờ tới mối đòi nợ thuê. Ban đầu họ bắt tay ra vẻ anh em tin tưởng, hứa hẹn nhiều lắm, bảo tôi viết giấy ủy quyền. Thế rồi 1 tháng trôi qua, vẫn không có tin tức gì. Gọi điện nhắn tin giục mãi cuối cùng họ trả lời: “Đã đòi được một vài lần tổng cộng khoảng 40 triệu đồng, tuy nhiên số tiền này chỉ để đủ chi phí cho anh em trà nước, “đóng quân” tại chỗ nên không dư ra đồng nào. Cứ vậy rồi bặt tín, rõ là chó cắn áo rách”!
Trước tình trạng biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, mới đây, TP HCM có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. |
Theo tìm hiểu, không ít trường hợp khách hàng còn bị đối tượng đòi nợ thuê quay trở lại đòi tiền thậm chí gây rối đe dọa tính mạng. Cụ thể mới đây, bà M., một chủ phường bị vỡ hụi tại Hưng Yên mất hàng chục tỷ đồng cho biết: “Tôi là cũng là nạn nhân của những chủ nợ khác. Khi bát họ nổ, tiền tài mất sạch, trong lúc bấn quẫn, được mách có dân anh chị có thể đi đòi nợ thay mình, vậy là tôi tìm tới kết nối. Sau khi thỏa thuận chia tỷ lệ 50/50, tôi đã làm ủy quyền để họ thu hồi nợ cho. Ủy quyền chỉ có xác nhận 2 bên không có công chứng, cùng lúc đó tôi phải chi tạm phí ban đầu 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau, bọn họ quay ra đòi thêm 300 triệu đồng tiền mặt. Nhà tôi trắng tay không có tiền nên bảo hủy ủy quyền. Dù người đứng đầu nhóm đòi nói đã chấp thuận nhưng lại không chỉ đạo cho anh em cấp dưới. Vậy là quân của họ vẫn cứ dựa vào giấy ủy quyền trước đó tiếp tục đi nhận tiền của con nợ nhà tôi mà không trả lại”, bà M. chia sẻ và bày tỏ lo lắng không biết có phải gánh những hậu quả pháp lý về sau ra sao?
Nghiêm trọng hơn, trường hợp của ông B. (Long Biên, Hà Nội) cũng nhờ tới dân xã hội đòi nợ thuê. Hợp đồng đã ký nhưng thời gian dài vẫn không thấy tăm hơi, ông B. liền nhờ tới các mối quan hệ khác vào cuộc. Đúng ngày tiền được trả, cũng là lúc phía đòi nợ thuê cử người tới đòi cắt phế theo đúng thỏa thuận. “Bẵng đi họ không làm gì, gọi điện cũng không nghe vậy mà khi tôi đòi được tiền thì họ lại tới và nói phải cắt lại nửa tiền vì vẫn đang trong thời gian xúc tiến hợp đồng. Khi tôi quyết không trả, họ đe dọa cắt gân chân thậm chí cả tính mạng con cái…”.
Nhờn luật, đòi nợ trái phép ngang nhiên hoạt động
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) cho biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được pháp luật quy định theo Luật Doanh nghiệp và cụ thể tại Nghị định 104 của Chính phủ và Thông tư số 110 của Bộ Tài chính. “Nhìn chung, khung pháp lý cho hoạt động đòi nợ thuê đã khá đầy đủ. Theo đó, tổ chức hoạt động này muốn được cấp phép hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các quy định như: Vốn pháp định 2 tỷ đồng; người đứng đầu phải có trình độ ĐH về chuyên ngành quản trị kinh tế, không có tiền án, tiền sự... Trong quá trình hoạt động nếu bị phát hiện vi phạm, nhẹ có thể bị xử lý hành chính; trường hợp gây rối trật tự công cộng, bắt giam người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản… sẽ bị xử lý hình sự”, ông Tuấn Anh phân tích.
Tuy nhiên, theo vị luật sư, hoạt động thu hồi nợ phát sinh tranh chấp, rủi ro chủ yếu từ những giao dịch giữa khách hàng với đối tượng đòi nợ thuê không phép. “Thông thường khách hàng có nợ khó đòi sẽ tìm tới những đối tượng “anh chị” có máu mặt trong xã hội. Mặc dù pháp luật nghiêm cấm hoạt động đòi nợ thuê không phép, tuy nhiên bằng hình thức viết giấy ủy quyền từ chủ nợ, đã hợp thức hóa cho xã hội đen ngang nhiên công khai đi đòi nợ thuê; sử dụng các biện pháp tâm lý gây hoang mang, áp lực cho con nợ”, ông Tuấn Anh phân tích và cho hay: “Giấy ủy quyền đòi nợ là giao dịch dân sự hiện pháp luật chưa quy định rõ có cần công chứng hay không. Bên cạnh đó, khi phát sinh những rắc rối trong hoạt động đòi nợ thuê cũng rất khó yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc bởi họ coi đây là tranh chấp dân sự, để các bên tự thỏa thuận giải quyết. Đây cũng chính là “khoảng trống” của pháp luật khiến các đối tượng xã hội nhờn luật, ngày càng công khai hoạt động đòi nợ trái phép”.
Liên quan tới rủi ro khi khách hàng ủy quyền cho xã hội đen đòi nợ không phép, vị luật sư cho biết: “Chủ nợ sẽ là người chịu rủi ro lớn nhất, rất có thể còn mất luôn khoản nợ vào tay xã hội đen. Với giấy ủy quyền cá nhân, các bên đã xác lập giao dịch dân sự, trong trường hợp bị chiếm đoạt tài sản thì chủ nợ cũng không biết kêu ai. Ngay cả khi có bằng chứng kiện ra tòa thì thủ tục giải quyết cũng rất lâu, có thể kéo dài hàng năm trời. Ngay cả khi thắng kiện thì thông thường đối tượng xã hội đen cũng không có khả năng thi hành án”.
Qua đây, ông Tuấn Anh khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, chỉ sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê trong trường hợp bất đắc dĩ. “Chỉ thuê những đơn vị thu hồi nợ được cấp phép; chú ý khi làm hợp đồng phải tìm hiểu quy định pháp luật để có những điều kiện bảo đảm lợi ích cho mình, tránh thiệt hại không đáng có”, vị luật sư nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận