Pháp đình

Bi kịch gia đình vì tranh chấp đất

29/12/2024, 06:31

Trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp đất đai hay tài sản thừa kế, không ít trường hợp đã được các bên giải quyết bằng bạo lực, để lại hậu quả đáng tiếc.

Em dâu mất mạng, anh chồng đi tù

Sáng sớm 11/12, khuôn viên trước phòng xử án Tòa án nhân dân TP Hà Nội xuất hiện người đàn ông trung niên với mái tóc bạc, đeo kính cận, chậm rãi bước xuống từ chiếc xe bít bùng. Ông ta là Trần Quân (SN 1956, trú quận Long Biên, Hà Nội), bị cáo buộc về tội danh giết người. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo này mức án tù chung thân.

Bi kịch gia đình vì tranh chấp đất- Ảnh 1.

Bị cáo Trần Quân tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội trong phiên xét xử ngày 11/12.

Theo hồ sơ, Trần Quân vốn là anh trai chồng của bà N.T.M (SN 1964, ở quận Long Biên). Thường ngày, họ chung sống trong 2 căn nhà khác biệt, nhưng được xây dựng trên cùng một mảnh đất do bố mẹ của Quân và em trai để lại ở tổ 18, phường Thượng Thanh.

Do bố mẹ của Quân để lại đất cho các con nhưng không có di chúc, nên kể từ khi chồng bà M còn sống, hai gia đình đã nhiều lần xảy ra tranh chấp thửa đất, dù họ là anh em ruột thịt.

Năm 2020, sau khi chồng bà M qua đời, giữa Quân và em dâu tiếp tục câu chuyện "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Nguyên nhân vẫn xuất phát từ việc tranh chấp mảnh đất này và mâu thuẫn cứ thế âm ỉ theo thời gian.

Khoảng 11h ngày 20/6/2024, Quân nói với con gái là B (SN 2004) đi cùng ông ta sang nhà bà M để giữ thang cho Quân dùng sơn viết lên tường dòng chữ "Đất đang tranh chấp". Sau đó không lâu, một vị khách đến nhà bà M để hỏi mua đất thấy trên tường nhà có dòng chữ trên nên báo cho nữ gia chủ. Ngay lập tức, bà M và người nhà đến gặp Quân để nói chuyện.

Cuộc cãi vã giữa anh chồng và em dâu không chỉ dừng lại ở lời nói. Trái lại, khi Quân vào nhà lấy dao, bà M cũng nhặt viên gạch đứng chờ. Trong lúc xô xát, Quân đã dùng dao sát hại người em dâu.

Bên nào cũng nghĩ mình đúng

Cũng vì mâu thuẫn về đất đai, sáng sớm 19/6, Lê Đình Thuyết (SN 1967, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhẫn tâm dùng dao đoạt mạng 4 người họ hàng tại thôn 4, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi.

Bi kịch gia đình vì tranh chấp đất- Ảnh 2.

Bị cáo Lê Đình Thuyết.

Năm 1973, Thuyết theo bà nội từ quê vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống, để lại mảnh đất ở quê cho ông Lê Hồng Tịnh (bác ruột với hung thủ). Đến năm 1990, bà nội của Thuyết trở về quê và nói rằng không lấy lại được mảnh đất trên.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp, bất đồng trong các cuộc tranh chấp di sản thừa kế, cần phải có những giải pháp nhất định.

Trong đó, ông bà/cha mẹ nếu có tài sản để lại cần xác định rõ tài sản nào là tài sản thừa kế và tiến hành lập di chúc hợp pháp, ghi rõ những người nào sẽ được hưởng, mức hưởng bao nhiêu. Di chúc nên được lập bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Sau khi bà mất, Thuyết nung nấu ý định trả thù cho bà. Tối 18/6, ông ta chuẩn bị dao rồi đón xe khách từ TP.HCM về Quảng Ngãi. Tối đó, Thuyết lẻn vào nhà và nấp trong căn bếp của bị hại. Sáng sớm hôm sau, hung thủ bắt đầu ra tay sát hại vợ chồng ông Tịnh, đâm bị thương 2 cháu nhỏ 4 tuổi và 6 tuổi.

Từng tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự tại nhiều vụ việc tranh chấp tài sản, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, trong nhiều vụ việc dân sự, các đương sự đều có chung một ý chí, đó là sự hiếu thắng, quyết liệt đối với yêu cầu của mình.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự rạn nứt tình cảm. Khi không tìm được sự đồng thuận với nhau trong gia đình, họ hàng thì các bên sẽ đưa vụ việc ra chốn công đường. Một khi đã mâu thuẫn về tình cảm, các đương sự thường có xu hướng giải quyết mâu thuẫn đó một cách quyết liệt, đến cùng.

Lý do tiếp theo đó là hầu hết trong những vụ việc tranh chấp đất đai hay tài sản thừa kế, bên nào cũng cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Nhất là mâu thuẫn về đất đai, bởi đây là loại tài sản có giá trị và quá trình tranh chấp thường kéo dài.

Ứng xử thế nào tránh hậu quả đáng tiếc?

Theo luật sư Linh, có không ít vụ việc xích mích về dân sự, nhưng đã được các bên giải quyết bằng bạo lực. Chỉ cần một bên hiếu thắng và không kiềm chế, mâu thuẫn đó sẽ được đẩy lên cao trào, từ đó phát sinh các vụ án hình sự.

Thực tế, nhiều vụ án đáng tiếc từng xảy ra khiến các bên đương sự có người mất mạng, người vướng vào tù tội bởi họ đã lựa chọn cách kết thúc một vụ việc dân sự bằng một vụ án hình sự. Thậm chí, trong một số vụ tranh chấp về đất đai, nhà cửa thì tài sản này không chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn là nơi ở, chỗ sinh hoạt duy nhất của đương sự. Do đó, mâu thuẫn càng trở nên gay gắt.

Luật sư khuyến cáo, một khi xảy ra vụ việc tranh chấp về đất đai hay thừa kế trong gia đình, các bên đương sự cần giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong quá trình giải quyết, vụ việc đó có thể không tránh khỏi sự xung đột hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Lúc này, các bên có thể đưa ra những căn cứ pháp lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Điều cần nhất là mỗi bên cần giữ thái độ bình tĩnh, tỉnh táo và kiềm chế để không vượt quá giới hạn của hành vi dân sự. Tình cảm có thể sứt mẻ vì chia tài sản, nhưng phía sau họ còn là cả gia đình và thế hệ con cháu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.