Người nghiện thuốc lá vừa tốn tiền mua thuốc lại chịu nhiều bệnh tật liên quan đến khói thuốc. Ảnh: K.Linh |
Hạn chế tiệc tùng, bia rượu
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Tường, giáo viên dạy bộ môn thể dục tại Trường THPT Trung Văn (Hà Nội) chia sẻ, trước khi từ bỏ thuốc lá, anh đã phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình và người thân. “Trung bình một ngày tôi hút từ 1-2 bao, tiêu tốn khoảng 50.000 đồng. Mỗi tháng tối thiểu là 1,5 triệu đồng cho việc hút thuốc. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với “ngân sách” của một gia đình với hai vợ chồng là giáo viên”, anh Tường nói và cho biết, vợ, con không ít lần khuyên anh bỏ thuốc vì vừa có hại cho sức khỏe các thành viên trong gia đình, vừa tốn kém tiền của. Mỗi lần hút thuốc là con cái lại ho sù sụ, không khí trong nhà nồng nặc, khó thở.
“Trong trường của tôi, đã có trường hợp một đồng nghiệp nam nghiện thuốc lá, vô tâm hút thuốc ngay trong nhà của mình và con của anh bị viêm phổi nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Đến lúc đó, đồng nghiệp này mới thực sự hối hận, bỏ hẳn thuốc lá”, anh Tường kể và cho biết, trên mỗi bao thuốc đều in dòng chữ “hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” hay với hình ảnh cảnh báo mạnh hơn về hai lá phổi bị tổn thương nặng do hút thuốc lá. Chính những lời cảnh báo nguy hiểm đó mà mỗi lần hút thuốc, nhìn thấy những hình ảnh đấy anh lại thấy lạnh người và quyết tâm từ bỏ khói thuốc.
“Quá trình cai nghiện, tôi hạn chế tối đa tham gia vào các cuộc tiệc tùng, nhậu nhẹt có rượu, bia, bởi các cuộc vui này thường gắn liền với thuốc lá. Vì vậy, hãy cân nhắc hạn chế tham gia các bữa ăn uống như thế”, anh Tường chia sẻ.
Lên kế hoạch giảm dần lượng thuốc lá mỗi ngày
Theo anh Đỗ Văn Nam (Hà Đông, Hà Nội), đang làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Thu Hương, để bỏ thuốc lá nên có kế hoạch giảm dần lượng thuốc lá hút mỗi ngày. “Lần đầu bỏ thuốc lá, 2 ngày liền tôi đã không hút khiến cơ thể mệt mỏi, lúc nào cũng trong tình trạng thèm thuốc nên đã thất bại.
Sau đó, tôi đến bệnh viện và được bác sĩ tư vấn việc dừng hút thuốc một cách đột ngột không dễ dàng thực hiện. Phải có kế hoạch giảm dần lượng thuốc lá mới bỏ được”, anh Nam nói và cho biết, người hút thuốc không nên lập tức ép mình vào khuôn khổ với khẩu hiệu “nói không với thuốc lá”.
Để giảm bớt tác hại, những người hút thuốc nên ăn các loại thực phẩm có nguồn vitamin dồi dào chủ yếu từ sữa, cà rốt, đậu phộng, cần tây và hoa quả… trong cuộc sống hàng ngày. Việc bổ sung đầy đủ các thực phẩm trên không chỉ ngăn chặn sự thiếu hụt vitamin do hút thuốc lá gây ra, mà còn tăng cường khả năng miễn dịch cho chính người hút thuốc”.Ths. BS. Nguyễn Thị Minh Thu |
Cũng theo anh Nam, giảm dần lượng thuốc lá mỗi ngày trong kế hoạch cai nghiện thuốc lá cũng không phải dễ dàng. Giữa những khoảng thời gian không hút thuốc, thay vì như trước đây sẽ rút bao thuốc lá, lấy một điếu và châm lửa hút, giờ bạn có thể nhai các loại kẹo cao su có chất nicotine, kẹo cao su có vị bạc hà để đánh lạc hướng cảm giác thèm thuốc của mình.
Cùng với đó, bạn cần tập thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này cũng giúp tăng cường sức đề kháng, giúp bạn khỏe khoắn, dồi dào năng lượng, tinh thần minh mẫn. Đây cũng chính là cách giúp bạn nhanh chóng quên đi cảm giác khó chịu khi cai thuốc lá. Ngoài ra cần tạo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng những thực phẩm có nhiều vitamin C (cam, chanh, quýt) sẽ giúp bạn bỏ thuốc lá nhanh hơn đồng thời có tác dụng tốt trong việc trị môi thâm do hút thuốc lá.
Trao đổi với Báo Giao thông, Ths. BS. Nguyễn Thị Minh Thu, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y dược và trang thiết bị y tế (Cục Y tế GTVT) cho biết, trên thực tế, có tới 65% các ca cai nghiện đều thất bại ngay từ tuần đầu tiên, nên việc xác định tốc độ chuyển hóa nicotine giúp tìm ra phương thức cai nghiện phù hợp có thể được coi là một chiến lược vững chắc và giúp bác sĩ đưa ra lời khuyên tốt hơn cho các bệnh nhân muốn cai nghiện thuốc lá. Thuốc lá không những đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của chính người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của những người xung quanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận