Hạ tầng

Bí kíp giúp Nhà nước có lời khi làm metro

01/05/2018, 15:45

Cái “tắc” nhất của thành phố hiện nay là sử dụng vốn ngân sách hoặc huy động các nguồn vốn đầu tư vào...

13

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Trong khi tuyến Metro số 1 đang khó khăn về nguồn vốn, TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn thiết kế Ngô Viết cho rằng, nếu triển khai cơ chế đặc thù, áp dụng vào các dự án metro sau này, không những sẽ giải bài toán về “tắc” nguồn vốn mà thành phố có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng từ những dự án như thế.

Thành phố sẽ thu hàng chục nghìn tỷ khi xây Metro

Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế đặc thù?

Cái “tắc” nhất của thành phố hiện nay là sử dụng vốn ngân sách hoặc huy động các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Không phải nguồn vốn từ xã hội thiếu mà do cơ chế khiến việc huy động gặp khó khăn. Trước đây, việc sử dụng vốn ngân sách hay vốn huy động xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng đô thị đều bị ràng buộc bởi những quy định chung. Khi xây dựng các quy định cho việc huy động nguồn vốn, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu và xây dựng các chuẩn mực quy định áp dụng chung cho cả nước. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực khi áp dụng vào TP Hồ Chí Minh lại không phù hợp. Với cơ chế đặc thù, thành phố sẽ có cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa một cách năng động hơn. HĐND thành phố có thể đưa ra những quyết định phù hợp riêng và có tính đột phá cho thành phố.

Ông có thể lấy dẫn chứng cụ thể ?

Chẳng hạn, khi triển khai xây dựng hệ thống metro phải sử dụng nguồn vốn ngân sách rất lớn. Điển hình như tuyến metro số 1, ngân sách thành phố không đủ phải xin ngân sách Trung ương nhưng hiện vẫn gặp khó khăn. Kinh nghiệm khi phát triển metro, các nước không nhìn dự án này một cách độc lập mà phải gắn với phát triển đô thị. Cụ thể, với metro số 1 đang trong giai đoạn hoàn thành nhưng đã hình thành nên các khu đô thị dọc tuyến, giá nhà, giá đất trong bán kính 1km tại các ga metro tăng lên gấp nhiều lần.

Đây là kinh nghiệm để thành phố triển khai các dự án metro số 2, 3 sau này. Tức là dự án metro không thể tách rời với dự án phát triển đô thị. Nhà nước và các nhà đầu tư phối hợp với nhau, có kế hoạch thu hồi đất, cải tạo phát triển các dự án quanh metro để phát triển kinh tế, nhà đầu tư hưởng một phần và một phần về Nhà nước. Đó là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Chẳng hạn tuyến Metro số 1, nếu thực hiện tốt thì thành phố sẽ có thêm nguồn thu vài chục nghìn tỷ đồng chứ không ít. Nhưng lúc trước không có cơ chế đặc thù nên không làm được, muốn làm phải xin Trung ương, giờ mình có cơ chế đặc thù thì chủ động thực hiện. Lâu nay Nhà nước làm đường chỉ biết làm đường, còn tiền từ giá trị gia tăng của đất hai bên chảy vào túi của những nhà đầu tư cơ hội chứ Nhà nước không thu được gì nhiều.

Trước đây thành phố đã áp dụng cơ chế này ở dự án nào chưa, thưa ông?

Trước đây khi triển khai dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), thành phố áp dụng cơ chế dùng quỹ đất hai bên bán đấu giá cho nhà đầu tư xây các khu đô thị, chung cư cao cấp. Nguồn kinh phí thu được sau đó cao hơn cả kinh phí làm đường, tức là ngân sách thành phố còn được một khoản tăng thêm. Với cơ chế đặc thù, nếu triển khai một cách hợp lý sẽ thu được nguồn ngân sách rất lớn.

14
Các dự án đô thị “ăn theo” tuyến Metro số 1 nhưng ngân sách thành phố không thu được nhiều từ những dự án này - Ảnh: Lê Quân

Quan trọng là hiệu quả chứ không cần nhanh

Cơ chế đặc thù cho phép HĐND TP.HCM quyết định các dự án đầu tư thuộc nhóm A. Vậy theo ông có thể áp dụng vào những dự án nào sắp tới?

Như tôi đã nói, rút kinh nghiệm từ dự án Metro số 1, tới đây thành phố có thể áp dụng và các dự án metro số 2, 3. Trước đây, dự án metro số 1 do Bộ GTVT duyệt quy hoạch, thành phố muốn đấu giá quỹ đất hay kết hợp phát triển đô thị dọc tuyến phải xin các bộ, ngành Trung ương rất mất thời gian. Có cơ chế đặc thù, thành phố sẽ áp dụng vào các tuyến metro số 2, 3 để thu ngân sách.

Có ý kiến cho rằng, thành phố đã có một quá trình chuẩn bị khá dài, nhưng khi Quốc hội ra Nghị quyết 15 cho thực hiện cơ chế đặc thù, dường như thành phố mới bắt đầu triển khai. Theo ông, có phải việc áp dụng các cơ chế này vào cuộc sống hơi chậm?

Theo tôi, việc triển khai các bước phải đi đúng quy trình, nếu triển khai một cách cẩn trọng thì đó là điều tích cực. Bởi khi thành phố được giao nhiều quyền hạn hơn thì trách nhiệm cũng nhiều hơn. Quan trọng là thành phố sử dụng cơ chế đặc thù như thế nào, khi triển khai bất cứ đề án nào cũng phải tính đến hiệu quả của nó. Mình vay tiền dễ hơn, huy động vốn dễ hơn thì hiệu quả phải cao hơn để quay trở lại phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không cẩn trọng, việc vay vốn dễ hơn sẽ làm tăng nên số nợ cho thành phố thì hiệu quả của việc áp dụng cơ chế đặc thù không cao mà còn nặng nề hơn.

Điều mà cán bộ công chức thành phố quan tâm là khi triển khai cơ chế đặc thù, thu nhập của họ được tăng lên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có sự chuyển biến?

Vấn đề tăng thu nhập không phải là một lúc cán bộ công chức thành phố có thêm nguồn thu nhập tăng lên ngay bởi ngân sách thành phố đã tăng gì đâu, lấy kinh phí đâu để tăng thu nhập? Cần phải hiểu là khi áp dụng cơ chế đặc thù, thành phố sẽ thực hiện các bước để công tác quản lý hành chính công được triển khai hợp lý hơn về mặt biên chế, từ đó ngân sách mới tăng lên. Thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức lúc đó là nguồn trích thưởng từ ngân sách tăng thêm.

Có ý kiến băn khoăn rằng áp dụng cơ chế đặc thù người dân chưa thấy lợi ích đâu mà đã thấy thành phố đề xuất tăng phí đỗ ô tô vào trung tâm, tăng phí môi trường…?

Đây cũng là điều tất yếu. Cái này là do Thành phố chưa làm rõ để thuyết phục người dân. Chẳng hạn khi đưa ra đề án tăng phí đỗ xe tại các khu trung tâm, Thành phố cần nói rõ nguồn thu đó để làm gì? Nếu nguồn thu đó dùng để đầu tư lại cho giao thông công cộng, vỉa hè, xe buýt, chiếu sáng tốt hơn…thì người dân sẽ ủng hộ. Nếu nguồn thu đó không biết sử dụng vào mục đích gì thì người dân sẽ băn khoăn?

Cảm ơn ông!

TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Khoa học về Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington và văn bằng Thạc sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Tổng hợp California ở Berkeley. Ông từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như: Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, Quy hoạch Đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), Thành phố Kyoto Thế kỷ XXI (Nhật Bản), Dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)…

Các dự án gần đây ông thực hiện với vai trò chủ nhiệm đồ án, là dự án xây mới Bệnh viện Hùng Vương (400 giường) tại TP Hồ Chí Minh, Phức hợp Bệnh viện Quốc tế (250 giường) và Dịch vụ Đa chức năng (Đà Nẵng) và Quy hoạch & Kiến trúc Khu Trung tâm đô thị Phú Mỹ An (Huế).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.